1. Ăn dặm tự chỉ huy là gì?
Ăn dặm tự chỉ huy (tiếng Anh là Baby Led Weaning, viết tắt: BLW) là phương pháp ăn dặm tự quyền, tức là bé tự quyết định ăn gì, ăn món nào trước, món nào sau mà không cần đến sự trợ giúp của người lớn.
Ngoài ra, ở phương pháp này trẻ có quyền ăn hoặc không ăn một món nào đó theo sở thích cá nhân. Bé có thể bốc bằng tay hoặc sử dụng thìa, muỗng, dĩa để ăn mà hoàn toàn không có sự can thiệp của cha mẹ.
Ăn dặm tự chỉ huy là phương pháp ăn dặm mà cha mẹ tôn trọng quyền quyết định của con trong suốt quá trình ăn, bé sẽ tự khám phá và thưởng thức các món ăn theo ý muốn.
Điều quan trọng nhất là mẹ không được đút, dỗ hay ép bé ăn, ăn ít hay ăn nhiều, ăn như thế nào là do bé. Bé sẽ được ăn cùng bàn, cùng thời điểm với các thành viên khác trong gia đình.
Nhìn chung, ăn dặm tự chỉ huy khuyến khích bé kết hợp việc ăn dặm với việc bú sữa mẹ (sữa công thức) cho nên nó không giống như các kiểu ăn dặm khác, trẻ có nhiều lựa chọn hơn là ăn đồ đã xay nhuyễn từ trước.
Ăn dặm tự chỉ huy bắt nguồn từ các nước châu Âu và châu Mỹ. Tại Việt Nam vài năm trở lại đây, phương pháp này mới được các bậc cha mẹ áp dụng bởi những lợi ích vượt trội của nó so với cách ăn dặm thông thường.
2. Lợi ích của ăn dặm tự chỉ huy
- Phát triển kỹ năng: Bản chất của ăn dặm tự chỉ huy đó là bé tự quyết định xem ăn món gì, ăn như thế nào cho nên bé sẽ tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, từ đó phát triển kỹ năng bản thân. Ngoài ra, sự kết hợp giữa hành động của tay, quan sát của mắt sẽ rèn luyện sự khéo léo ở trẻ. Ví dụ: ngày hôm nay bé chưa thể cầm thành thạo một đồ ăn nào đó, buộc phải cúi miệng xuống ăn thì đến ngày mai, ngày kia… khi nhận ra sự bất tiện của việc ăn như trên bé sẽ phải dùng tay. Dần dần, qua mỗi bữa ăn trẻ sẽ hoàn thiện những kỹ năng cũ đồng thời phát triển những kỹ năng mới trong suốt quá trình ăn dặm.
- Phát triển giác quan: với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy bé có thể bốc ăn, dùng thìa dĩa, thậm chí là cúi miệng xuống ăn trực tiếp. Bé sẽ làm mọi cách để cảm nhận thức ăn thông qua thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Nhiều bé vừa ăn vừa bôi khắp người, từ cơ thể cho đến mặt mũi, đầu tóc chỗ nào cũng có thức ăn. Hành động này phản ánh sự thích thú, say sưa với thức ăn, giúp trẻ phát triển các giác quan ngày càng hoàn thiện. Ví dụ: ngay từ bữa đầu tiên bé đã thích ăn cà rốt và hành tây luộc bởi màu sắc cũng như vị ngọt của 2 loại củ này, cho đến những bữa sau chỉ cần nhìn hay ngửi thấy mùi là bé chủ động ăn mà không cần cha mẹ dỗ dành.
- Tạo tính tự lập: Với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy bé tự ăn, không cần đút cho nên hình thành tính tự lập và khả năng tự kiểm soát hành động, cha mẹ không phải thúc giục hay ép con ăn.
- Giảm nguy cơ béo phì: ở phương pháp ăn dặm truyền thống cha mẹ luôn là người chủ động đút cho con ăn nên chúng ta không thể biết được bé đã no hay chưa. Ngược lại, với ăn dặm tự chỉ huy trẻ chủ động kiểm soát lượng thức ăn đưa vào người, sẽ ăn khi còn đói và tự dừng lại khi đã no. Chính vì vậy trẻ không rơi vào tình huống ăn thụ động, đây là nguyên nhân gây nên tình trạng thừa cân, nguy cơ béo phì ở trẻ nhỏ.
- Tăng cảm xúc và tình cảm gia đình: với cách ăn dặm truyền thống thì mẹ thường cho bé ăn trước sau đó các thành viên khác mới ăn, việc này vô tình tạo khoảng cách giữa bé và mọi người trong mỗi bữa cơm gia đình. Nhưng với ăn dặm tự chỉ huy bé sẽ được ăn cùng thời điểm, cùng 1 số món với cha mẹ, ông bà… cho nên ngoài việc học hỏi được cách ăn của người lớn thì đây còn là yếu tố gắn kết tình cảm, bữa cơm gia đình trở lên vui vẻ và ấm cúng hơn khi có sự tham gia của bé.
3. Khi nào nên cho bé ăn dặm tự chỉ huy
Để cho trẻ bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy cần những điều kiện sau:
- Thời điểm tốt nhất để bé bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy đó là từ 6 tháng trở lên. Đây là lời khuyên của tổ chức y tế thế giới WHO đối với những mẹ đang chuẩn bị áp dụng phương pháp ăn dặm này cho con. Khi bé được 6 tháng tuổi thì mẹ giới thiệu các thức ăn thô để bé làm quen dần, nhưng hãy nhớ thức ăn chính vẫn là sữa mẹ nhé.
- Điều kiện thứ 2 là bé đã có thể ngồi thẳng lưng và giữ thẳng đầu mà không cần sự hỗ trợ của người lớn. Nếu giữ thẳng người sẽ giúp trẻ có tư thế chuẩn và thuận lợi cho việc ăm dặm tự chỉ huy, với những bé chưa thể ngồi vững thì mẹ không nên vội áp dụng phương pháp ăn dặm này.
- Bé thường nhặt đồ vật bằng ngón tay chỏ và cho vào miệng một cách nhanh nhẹn, chính xác. Ngoài ra, bé hay bốc thức ăn, tự cầm muỗng và bắt chước người lớn ăn cũng là dấu hiệu cho thấy mẹ đã có thể cho bé ăn dặm tự chỉ huy.
- Bé biết tự ngừng bú khi no, kể cả khi mẹ ép bú tiếp, bé sẽ lắc đầu, quay mặt đi hoặc dùng tay đẩy ra. Hành động này cho thấy bé đã biết điều tiết lượng thức ăn nạp vào người, đây là điều kiện quan trọng trước khi cho bé ăn dặm tự chỉ huy.
- Thường xuyên lè lưỡi, nhóp nhép miệng giống như đang nhai khi nhìn thấy người lớn ăn.
4. Một số nguyên tắc khi cho bé ăn dặm tự chỉ huy
Để mang lại kết quả như mong muốn trong suốt quá trình ăn dặm tự chỉ huy mẹ tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Không được ép bé ăn, bắt bé phải ăn thứ này, bỏ thứ kia. Hãy xem việc bé ăn gì, ăn như thế nào, ăn bao nhiêu là quyền của bé, người lớn không được can thiệp.
- Tuyệt đối không mở điện thoại, tivi hay làm trò để dụ bé ăn. Hãy để bữa ăn chỉ có bé và thức ăn, điều này giúp bé tập trung hơn và tự khám phá thức ăn.
- Luôn cho bé ngồi ghế ăn, không bế rong. Nếu không chịu ngồi ăn thì mẹ cần kiên trì tập cho bé.
- Chỉ ăn dặm tự chỉ huy khi bé vui vẻ, tỉnh táo, không quấy khóc.
- Mỗi bữa ăn dặm tự chỉ duy diễn ra trong vòng 20-30 phút, khi bé không muốn ăn nữa thì dừng lại, không ép ăn thêm.
- Mẹ hãy trò chuyện với bé nhưng chủ đề chính vẫn là thức ăn, không đề cập tới những vấn đề khác.
5. Dụng cụ để ăn dặm tự chỉ huy gồm những gì?
Khi đã sẵn sàng cho bé ăn dặm tự chỉ huy mẹ cần chuẩn bị những dụng cụ sau:
Ghế ăn
Đây là dụng cụ bắt buộc phải có khi ăn dặm tự chỉ huy. Mẹ nên chọn ghế ăn có kích thước và kiểu dáng phù hợp với thể trạng của bé.
Ngoài ra, những chiếc ghế ăn có màu sắc, họa tiết trang trí bắt mắt sẽ khiến bé thích thú và muốn ngồi vào ghế.
Mẹ cũng nên chú ý tới yếu tố nhỏ gọn, dễ vệ sinh và một số công năng khác như điều chỉnh cao thấp, chỉnh độ ngả lưng ghế… Tham khảo 1 số mẫu ghế ăn dặm TẠI ĐÂY
Dụng cụ ăn (bát, khay, thìa, dĩa, cốc)
Trước tiên mẹ nên chọn loại bát chất liệu bằng nhựa hoặc inox để tránh bị vỡ vì ở tầm tuổi này trẻ thường có thói quen cầm ném đồ vật.
Ngoài ra, phần đế của bát có cấu tạo phẳng để bé dễ dàng đặt bát lên bàn hay mặt phẳng nào đó mà không bị đổ. Tốt nhất nên mua loại bát dính, bé không thể nhấc lên được.
Sau khi bé đã quen với bát mẹ hãy mua 1 chiếc khay đựng thức ăn, chất liệu tương tự như bát. Chú ý khay phải có từ 2 ngăn trở lên để thức ăn không bị trộn lẫn với nhau. Khay có độ sâu vừa phải, làm sao để bé thò tay và bốc thức ăn một cách dễ dàng.
- Có thể bạn quan tâm: Nên dùng túi nhai ăn dặm cho bé mấy tháng?
Thìa dĩa có nhiều lựa chọn, tùy theo nhu cầu và sở thích mà mẹ mua cho bé loại phù hợp, nhưng chú ý lòng thìa không được sâu quá, cán cầm dài dưới 10cm và độ dày phù hợp với lòng bàn tay bé, dĩa sử dụng loại 3 chân là tốt nhất. Cấu tạo thìa dĩa như trên giúp bé xúc và xiên thức ăn nhanh gọn hơn. Ngoài ra, chất liệu thìa dĩa nên mua loại bằng nhựa sạch hoặc inox, đảm bảo vệ sinh.
Cốc uống nước sử dụng loại cốc nhựa, có thang đo và dung tích từ 150ml-300ml, cốc không quai hay có quai đều được.
Yếm
Với ăn dặm tự chỉ huy yếm cho bé phải là loại yếm máng bởi vì ở phương pháp ăn dặm này trẻ ăn rất tự do thành ra đồ ăn rơi vãi nhiều, thậm chí bôi lên đầu, lên mặt và khắp mọi nơi.
Chính vì vậy, yếm máng có chức năng hứng thức ăn và mẹ cũng không mất nhiều công dọn dẹp. Về hình thức yếm máng nên chọn loại dễ vệ sinh, màu sắc bắt mắt 1 chút. Ngoài yếm bạn hãy trải thêm 1 chiếc khăn ở dưới để hứng thức ăn không rơi vào yếm.
Nhìn chung, để phục vụ cho việc ăn dặm tự chỉ huy bạn chỉ cần sắm những thứ trên là đủ, không cần mua thêm những dụng cụ phức tạp khác, vừa lãng phí vừa làm rối và gây mất tập trung cho bé trong suốt quá trình ăn.
- Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu thực đơn ăn dặm cho bé 6 – 12 tháng tuổi theo chuẩn của viện dinh dưỡng
6. Cách chế biến thực phẩm và thực đơn cho bé ăn dặm tự chỉ huy
Quá trình ăn dặm tự chỉ huy diễn ra trong 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có cách chế biến, thực đơn và thực phẩm khác nhau để phù hợp với kỹ năng của bé.
Giai đoạn 1: Tập làm quen
Diễn ra lúc bé 6-7 tháng tuổi, bé chưa có kỹ năng nuốt mà chỉ mới học cầm nắm thức ăn. Bé sẽ dùng ngón tay hoặc cả bàn tay để bốc thức ăn và bỏ vào miệng, nghịch và ném.
Thời điểm này bé gặm nhấm bằng lợi để cảm nhận vị thức ăn, vì vậy mẹ không nhất thiết phải cho bé ăn đủ 3 bữa 1 ngày, tùy theo nhu cầu của bé mà thực hiện.
Thức ăn để tập ăn dặm tự chỉ huy chủ yếu là rau củ quả được hấp hoặc luộc chín. Lưu ý luộc mềm không kỹ quá vì bé sẽ dùng tay bóp nát thực phẩm. Chế biến làm sao để bé có thể cắn nhai bằng lợi 1 cách dễ dàng, cắt thực phẩm dạng thanh dài giúp bé cầm dễ hơn.
- Rau củ: cà rốt, su su, súp lơ, bí xanh, bí đỏ, ngô bao tử, dưa chuột, củ cải đường…Ở cuối giai đoạn này mẹ mới cho bé ăn các loại củ như: khoai lang, khoai tây… vì thực phẩm này dễ gây nghẹn.
- Trái cây: táo, lê, cam, dưa hấu, xoài, roi…và một số loại hoa quả mềm khác.
- Tinh bột: bánh mỳ, bánh bao, khi bé có dấu hiệu tập nuốt thì bổ sung thêm các loại mỳ, bún, phở, nui và cuối cùng là cơm trắng.
- Các loại thịt: gà, lợn, cá,…những loại thịt này phải chế biến sạch, bỏ da và đặc biệt không được có xương.
Giai đoạn 2: Phát triển kỹ năng
Giai đoạn này diễn ra lúc 8-9 tháng tuổi. Thời điểm này bé đã nuốt thành thạo và học bốc nhón bằng 2 ngón tay cho nên thực phẩm mẹ cần cắt nhỏ ra để bé tập bốc. Ngoài những thực phẩm ở giai đoạn 1 mẹ có thể bổ sung thêm các loại sau:
- Rau củ: Nấm, cải thảo, bắp cải cà tím, đậu, cà chua bi…
- Trái cây: Nhãn, vãi, mận, nho, táo, đu đủ, dâu tây…tất cả đều được bỏ hạt và cắt nhỏ ra.
- Tinh bột: Miến, bánh ăn dặm…với cơm và xôi thì nặn viên nhỏ để bé tập bốc.
- Thịt: khi bước sang tháng thứ 8 là mẹ có thể cho bé tập ăn tôm, thịt bò, mực, trứng…lưu ý nấu mềm, dai quá bé không nhai được sẽ nhè ra ngay.
Giai đoạn 3: Hoàn thiện kỹ năng
Diễn ra lúc bé từ 9 tháng đến 1 tuổi. Về thực phẩm không có gì thay đổi nhưng điểm khác biệt lớn nhất là bé đã có thể bốc thức ăn một cách chính xác và nhanh gọn, nhai nuốt thành thạo. Đặc biệt hơn ở giai đoạn này bé sẽ biết sử dụng thìa dĩa để lấy thức ăn.
Nếu bước qua 3 giai đoạn trên thì tức là bạn đã áp dụng thành công phương pháp ăn dặm tự chỉ huy cho bé yêu. Khi 1 tuổi trở lên là bé có thể tự ăn được rồi, mẹ sẽ nhàn hơn, thật tuyệt vời phải không?
Một số thực phẩm cần tránh khi ăn dặm tự chỉ huy
Nếu bé nhà bạn dưới 1 tuổi thì trong thực đơn ăn dặm tự chỉ huy cần tránh những loại thực phẩm sau:
- Socola, cacao, nước ngọt…hay bất cứ thức uống gì có chứa cồn, gas và cafein vì những chất này ảnh hưởng không tốt tới hệ thần kinh của trẻ nhỏ, kể cả những trẻ trên 1 tuổi.
- Mật ong: thực phẩm này chứa 1 số loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc mà thời điểm này hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
- Muối: ăn nhiều muối sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhất là thận, mình sẽ nói về cách thêm muối vào thức ăn ở phần sau.
- Sữa tươi, sữa ít chất béo: những loại thức uống này không đủ dinh dưỡng cung cấp cho bé.
- Đường hóa học và các thực phẩm có chứa chất tạo ngọt nhân tạo.
Cách nêm gia vị thức ăn
Có nhiều bậc cha mẹ cho rằng: áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy thì thức ăn thường nhạt nhẽo vì không có muối dẫn đến việc bé chán ăn.
Thực tế không phải vậy, khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mọi loại thức ăn đều rất mới mẻ và trẻ chưa quen vị nào cả vì trước đó chỉ biết đến vị sữa mẹ. Chính vì vậy bé vẫn vui vẻ và hào hứng thưởng thức những món ăn mới.
Việc nạp vào cơ thể trẻ hàm lượng muối quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới tình trạng sức khỏe. Trẻ cảm thấy dạ dày khó chịu, mất nước và thậm chí là tiêu chảy, dần dần dẫn tới những biến chứng khôn lường như động kinh, huyết áp cao và các bệnh về tim mạch. Bạn có thể tham khảo hàm lượng muối cung cấp mỗi ngày cho bé như sau:
+ Dưới 1 tuổi: ít hơn 1g muối hoặc 0.4g natri
+ Từ 1-3 tuổi: dưới 2g muối hoăc 0.8g natri
+ Từ 4-6 tuổi: dưới 3g muối hoặc 1.2g natri
Một số loại thực phẩm chứa muối mẹ cần chú ý khi cho bé ăn dặm tự chỉ huy đó là: phô mát, hải sản, bánh mì, bơ, thịt muối…
7. Những điều cần chú ý khi ăn dặm tự chỉ huy
Ngoài những nguyên tắc khi ăn dặm tự chỉ huy mẹ cần chú ý tới những vấn đề sau:
Trẻ bị hóc
Khi chúng ta cho trẻ tiếp xúc với một loại thức ăn mới ngoài sữa thì hóc là trở ngại đầu tiên. Với ăn dặm tự chỉ huy cũng vậy, mẹ sẽ cảm thấy lo lắng không biết khi bé đưa thức ăn thô vào miệng thì xử lý như thế nào, bé sẽ nuốt chửng hay nghiền bằng lợi, bé có bị hóc không?
Đừng lo, bạn chỉ cần trang bị đầy đủ kiến thức về phương pháp ăn dặm tự chỉ huy và cách xử lý hóc sao cho đúng thì đây không phải vấn đề lớn.
Hóc khi ăn dặm tự chỉ huy tương tự như bé bị sặc sữa. Khi ăn, tùy vào kỹ năng nhai nghiền và xử lý thức ăn của từng bé mà tình trạng hóc, mắc nghẹn có xảy ra không.
Nếu bé có dấu hiệu hóc mẹ nên bình tĩnh, đừng làm bất cứ điều gì khiến bé hoảng sợ, hãy đợi vài giây xem bé có tiếp tục xử lý thức hay không, nếu mọi chuyện diễn ra êm xuôi thì nói chuyện nhẹ nhàng để bé trở lại trạng thái bình thường.
Trường hợp bé bị hóc nặng hơn mẹ tuyệt đối không thò tay vào miệng bé để móc thức ăn ra, việc này khiến thức ăn đi vào sâu hơn, tình trạng sẽ trở lên tồi tệ hơn.
Mẹ có thể áp dụng những phương pháp chữa hóc thông thường như vỗ lưng, ấn ngực (tham khảo thêm ở các nguồn thông tin chính thống).
Trẻ bị hóc sẽ không thể phát ra tiếng, không thể khóc và thở cho nên cần trợ giúp ngay lập tức. Sau khi xử lý xong cho bé uống 1 ngụm nước nhỏ, trò chuyện với bé và tạm dừng bữa ăn.
Một số loại thức ăn có thể gây hóc như: thực phẩm khô khó nhai, các loại hạt, các loại quả tròn nhỏ (nho, sơ ri…), thực phẩm cứng giòn.
Để tránh tình trạng hóc khi ăn dặm tự chỉ huy ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc ở mục số 4 bạn cần chú ý tới những vấn đề sau:
- Không thò tay vào lấy thức ăn trong miệng bé. Khi có dấu hiệu nghẹn bé sẽ tự lấy lưỡi đẩy ra nên mẹ hãy yên tâm.
- Trang bị đầy đủ kiến thức về hóc và cách xử lý.
- Khi bé ăn phải có người lớn ngồi theo dõi và trò chuyện cùng bé.
- Thực phẩm phải phù hợp với từng giai đoạn ăn dặm tự chỉ huy (mình sẽ nói ở phần sau)
Nhìn chung, trong thời gian đầu ăn dặm tự chỉ huy bé có thể sẽ bị hóc nhẹ do chưa thành thạo, nhưng khi đã quen thì không xảy ra nữa.
Đây cũng là lợi ích lớn lao mà phương pháp ăn dặm này mang lại vì ngay từ nhỏ trẻ đã được trang bị những kỹ năng xử lý thức ăn đến khi lớn lên sẽ tránh được tình trạng hóc, nghẹn.
Bữa ăn bừa bộn hơn
Áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy đồng nghĩa với việc mẹ phải đối mặt với sự bừa bộn. Bé sẽ ăn, cầm, bôi lên đầu, lên mặt, quần áo và ném thức ăn quanh khu vực bé ngồi. Cứ thế ngày 3 bữa mẹ sẽ vất vả khi phải lau chùi, giặt giũ nhiều hơn.
Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo lắng, thời gian đầu mới làm quen bé chưa ăn được nhiều, chỉ biết nghịch thức ăn là chính. Nhưng ở giai đoạn sau bé sẽ tập trung vào việc ăn, bớt nghịch và bôi bẩn, mẹ thấy nhàn và vui lắm đấy.
Như đã nói ở trên, để bữa ăn trở lên gọn gàng và công việc dọn dẹp nhàn nhã thì mẹ hãy đeo yếm máng cho và lót 1 tấm khăn dưới khu vực bé ngồi.
8. Lời kết
Đến đây có lẽ bạn đã được trang bị đầy đủ kiến thức về phương pháp ăn dặm tự chỉ huy rồi đúng không?
Tuy nhiên, đừng quên 2 năm đầu đời thức ăn chính của bé vẫn là sữa mẹ, ăn dặm chỉ là bữa phụ và phương pháp ăn dặm tự chỉ huy lợi ích chính chỉ là giúp bé hoàn thiện kỹ năng ăn uống, phát triển trí não và giác quan.
Với phương pháp này trong mỗi bữa ăn bé sẽ được tôn trọng hơn, học được tính tự lập và mẹ sẽ nhàn nhã hơn.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của mình về phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, chúc mẹ thành công và chúc các bé luôn mạnh khỏe.
Nếu có góp ý hay thắc mắc gì bạn vui lòng để lại bình luận phía dưới. Cảm ơn đã theo dõi bài viết !