Làm mẹ là điều cao quý nhất trong cuộc đời người phụ nữ, và đó cũng là món quà thiêng liêng nhất mà tạo hóa ban tặng cho chúng ta.
Ai đã từng làm mẹ càng thấm thía câu nói này!
Trong xã hội hiện đại, làm mẹ theo bản năng thôi chưa đủ, phụ nữ cần hướng tới là một bà mẹ thông thái, bởi chính họ, với vai trò làm mẹ của mình sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, tâm hồn và thể trạng của trẻ thơ.
Vậy làm sao để có thể trở thành một bà mẹ thông thái?
Câu trả lời sẽ có trong bài viết này!
1. 12 bí quyết giúp bạn trở thành bà mẹ thông thái
Để trở thành một bà mẹ thông thái chúng ta cần hội tụ rất nhiều yếu tố khác nhau. Với kiến thức và kinh nghiệm của bản thân mình thì có 12 điều mà một bà mẹ thông thái cần phải làm.
1.1. Dạy con làm việc nhà
Dạy trẻ tự lập theo độ tuổi là điều mà mẹ nào cũng nên rèn cho con, ví dụ như: thói quen ngủ sớm dậy sớm, thói quen ăn uống lành mạnh.
Khi được 1 tuổi rưỡi thì để bé tập xúc, tự ăn, khi ăn không xem tivi, không đi rong. Cho đến khi 3 tuổi, con sẽ tự biết làm những việc liên quan đến vệ sinh cá nhân như: thay đồ, biết dọn dẹp đồ đạc mình bày ra…
Cũng từ 3 tuổi mẹ nên tích cực dạy con làm việc nhà phù hợp với khả năng, đây không phải là những công việc nặng nhọc mà chỉ là những việc đơn giản, vừa với sức của con, hãy hướng dẫn con làm thật chỉn chu và cẩn thận mẹ nhé!
Những công việc nhỏ sẽ nuôi dưỡng sự tự tin, tinh thần tự chủ và yêu lao động ở trẻ, đồng thời thúc đẩy con tìm cách học hỏi và tự giải quyết vấn đề. Cho trẻ tự làm việc nhà và tôn trọng mong muốn của con chính là điều tuyệt vời nhất để rèn luyện kỹ năng sống tích cực.
Những đứa trẻ biết làm việc nhà từ sớm sau này khi lớn lên sẽ trở thành người cộng tác tốt, biết cảm thông, chia sẻ và biết giải quyết khó khăn một cách độc lập.
1.2. Dạy con kỹ năng xã hội
Có thể nói, kỹ năng sống của trẻ không phải bắt đầu từ khi đi học mà nó cần được dạy ngay từ khi lúc sinh ra, và cha mẹ chính là người thầy đầu tiên dạy trẻ những kỹ năng này.
Theo nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania State và Đại học Duke đã theo dõi hơn 700 trẻ em trên khắp nước Mỹ, từ mẫu giáo đến 25 tuổi nhận thấy rằng: kỹ năng xã hội là yếu tố then chốt cho thành công trong tương lai của mỗi đứa trẻ.
Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng: những đứa trẻ có kỹ năng xã hội tốt có thể dễ dàng hợp tác với bạn bè, đồng nghiệp, biết giúp đỡ người khác, hiểu được cảm xúc, từ đó biết cách chia sẻ, biết cách tự giải quyết vấn đề khó khăn khi gặp phải và có công việc tốt hơn những đứa trẻ sở hữu kỹ năng xã hội kém.
Trẻ em ở mỗi độ tuổi, hoàn cảnh và tính cách khác nhau sẽ gặp những trở ngại khác nhau khi học kỹ năng xã hội.
Ở tuổi mẫu giáo, trẻ thường gặp khó khăn khi kiểm soát cơn bốc đồng. Chúng khó mà kiên nhẫn để chờ đến lượt, hay thương lượng trong những tình huống rắc rối hoặc giải quyết mâu thuẫn. Những trẻ lớn hơn thì có thể bị mắc cỡ và cảm thấy không phù hợp với tập thể.
Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy dạy con những kỹ năng xã hội cơ bản như: giao tiếp, gia nhập nhóm, giải quyết vấn đề… và từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ như trong gia đình, trường lớp, bạn bè… có như vậy mới giúp trẻ hòa đồng và tạo mối quan hệ tốt với những người xung quanh.
Thực tế thì không có công thức chung nào để dạy kỹ năng xã hội cho tất cả trẻ em, mẹ phải tự nhận biết những khác biệt của con mình để đưa ra phương pháp phù hợp nhất.
1.3. Cho con trải nghiệm thật nhiều
Trải nghiệm những điều mới rất quan trọng với sự phát triển của một đứa trẻ và nó là yếu tố quan trọng nhất để mở rộng trí tuệ bởi vì tiếp cận với những thứ mới mẻ là bước đầu tiên giúp trẻ hình thành và phát triển tư duy.
Đưa trẻ đi du lịch, thăm thú những miền quê, lên rừng, xuống biển…là những cách để trẻ tiếp xúc và làm quen với môi trường thiên nhiên ngay từ nhỏ và điều này cũng giúp trẻ tăng sức đề kháng.
Mẹ không nên lo ngại con sẽ bị ốm, bởi khi trải qua nhiều môi trường khác nhau thì trẻ mới được tôi luyện dần dần và thích ứng. Kết quả là bạn đã nuôi dưỡng được một đứa trẻ khỏe mạnh, rắn rỏi, ít ốm vặt và luôn thích hoạt động ngoài trời.
Những năm gần đây, có rất nhiều trường học đã cho học sinh trải nghiệm với nông nghiệp thông qua việc tự trồng trọt và thu hoạch nông sản như: trồng lúa – gặt lúa, trồng rau – thu hoạch rau mà không dùng phân hóa học.
Đây là những trải nghiệm tuyệt vời, trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi có được thành quả do chính sức mình bỏ ra, từ đó hiểu được sự vất vả của những người làm nông nghiệp và biết yêu quý thức ăn, coi trọng sức lao động của người khác. Đồng thời, thông qua những trải nghiệm ấy trẻ sẽ học được rất nhiều kỹ năng sống cho bản thân.
1.4. Cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa
Trẻ em sẽ không thể tự tin nếu không được đặt trong môi trường thuận lợi. Vì vậy, bé cần được tham gia các hoạt động ngoại khóa, tiếp xúc với nhiều người, nhiều sự vật hơn. Điều này giúp trẻ mạnh dạn, năng động, dễ hòa nhập và tự tin khi giao tiếp.
Mẹ hãy cho con đóng kịch, hãy cho con chơi thể thao, hãy cho con làm MC, và chơi các trò chơi tập thể, … chắc chắn con sẽ học được rất nhiều điều từ những hoạt động này.
Nhưng mẹ đừng quên khi ở nhà, cha mẹ phải là những người đầu tiên tạo ra môi trường tốt. Hãy thường xuyên trò chuyện, khơi gợi con nói ra những điều mình muốn, nói ra suy nghĩ cho người khác hiểu.
Mẹ hãy đọc thơ, kể chuyện, sau đó để con tóm tắt lại câu chuyện và tự đặt những câu hỏi cho bố mẹ, tự rút ra bài học sau mỗi lần kể…
Hoạt động này sẽ rèn cho trẻ cách đặt và giải quyết vấn đề, tò mò và khám phá ra những điều mình chưa biết. Như vậy khi đến lớp con cũng tự tin đối diện với mọi vấn đề hơn.
1.5. Chơi cùng con
Có thể nói đây là cách tốt nhất để mẹ hiểu được tâm lý của con, càng dành nhiều thời gian chơi với con thì trí tuệ của trẻ càng có nhiều cơ hội phát triển.
Cùng trẻ sáng tạo ra những trò chơi hấp dẫn để kích thích trí não là cách tốt nhất giúp bé cải thiện hành vi, hình thành sự tự tin và nhận ra giá trị của bản thân.
Không những thế, chơi với con còn là phương thuốc kỳ diệu cho mẹ vì đây là khoảng thời gian để mẹ tách ra khỏi những toan tính, lo âu, dằn vặt của cuộc sống đời thường và chỉ dành sự chú ý cho thiên thần bé bỏng của mình.
Khoảng thời gian chơi cùng chính là lúc để mẹ và bé thư giãn, cảm nhận tình yêu thương và thể hiện cảm xúc với nhau. Điều này sẽ giúp cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được thắt chặt, giúp bạn hiểu con hơn, đồng thời mẹ cũng được thưởng thức những niềm vui mà việc chơi với con mang lại.
1.6. Chuyên gia dinh dưỡng
Ngay từ khi lọt lòng, mẹ đã chính thức trở thành chuyên gia dinh dưỡng của con với những dòng sữa ngọt ngào đầu tiên. Có thể vụng về, có thể bỡ ngỡ, nhưng với bản năng tuyệt vời của một người mẹ, bạn sẽ tự biết cách cho bé bú và bé cũng sẽ tự biết cách tìm đến nguồn sống của mình.
Trong thời gian cho bé bú, mẹ cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều hoa quả để nguồn sữa luôn dồi dào và đủ chất.
Khi đến thời kỳ ăn dặm, chuyên gia dinh dưỡng cũng chính là mẹ. Bạn phải học hỏi rất nhiều từ sách báo hoặc người thân để có chế độ ăn hợp lý cho con theo từng giai đoạn, từng độ tuổi.
Thức ăn cho con nên phong phú, đa dạng để tránh làm bé nhàm chán mà trở nên biếng ăn. Không nên dọa nạt hay ép ăn khi bé không thực sự muốn. Bạn cần lắng nghe, thấu hiểu sở thích ăn uống của con để điều chỉnh sao cho bữa ăn được vui vẻ và thoải mái nhất.
Đối với trẻ lớn hơn thì sẽ cần nhiều năng lượng và dinh dưỡng hơn cho hoạt động học tập, vui chơi, khám phá. Do đó, mẹ thông thái cũng cần phải tìm hiểu chế độ ăn hợp lý, thêm nhiều bữa ăn phụ bổ sung để giúp trẻ có được năng lượng dồi dào cho cả ngày năng động.
1.7. Là bác sĩ của con
Không nỗi lo nào sánh bằng nỗi lo khi con bị bệnh, nhất là đối với những người làm mẹ lần đầu. Nhưng từ những lo lắng đó, bạn sẽ học được rất nhiều kiến thức về y khoa, về những căn bệnh thường gặp ở trẻ em và cách xử lý chúng.
Bạn cần học cách quan sát để biết được những dấu hiệu của bệnh và bình tĩnh xử lý, chứ không nên quá lo lắng đến mất ăn mất ngủ hoặc đưa ngay con đến bệnh viện, vì rất có thể bé đang từ nhẹ lại thành nặng hơn hoặc có thể bé bị mắc bệnh khác do lây nhiễm chéo.
Trong trường hợp bệnh nặng, mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế để khám và có phương pháp điều trị kịp thời, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là: phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Luôn luôn vệ sinh sạch sẽ cho con, mặc quần áo phù hợp với thời tiết, sử dụng điều hòa nhiệt độ đúng cách, tăng cường khả năng miễn dịch và không nên giữ con trong phòng kín quá lâu là những cách giúp con tránh khỏi vi khuẩn gây bệnh.
Làm như vậy mẹ mới thực sự là một bác sĩ đa khoa của con!
1.8. Dạy con suy nghĩ tích cực
Một trong những sai lầm phổ biến nhất của các ông bố bà mẹ đó là luôn mắng con hư mỗi khi con làm việc xấu, thậm chí có nhiều mẹ còn dùng những từ ngữ rất nặng nề như:
– Đồ vô ơn!”
– Sao mẹ lại đẻ ra một đứa bất hiếu như con nhỉ?
– Mẹ chưa thấy đứa nào hư đốn như con!…
Làm như vậy tức là bạn đã găm vào đầu trẻ những từ ngữ tiêu cực, khiến cho nhận thức non nớt của con vô hình chung đã tự nhận những tính cách đó về mình.
Một đứa trẻ luôn nghĩ mình là hư đốn, là vô ơn, là bất hiếu… thì rất khó có thể trở thành một người tự tin!
Con có hành vi xấu hoặc sai trái không có nghĩa là bản chất con như vậy, cho nên một bà mẹ thông thái cần phân biệt được điều này để có cách xử lý đúng hơn.
Hãy dùng những động từ để nói về hành vi không đúng của trẻ thay vì dùng tính từ để gán cho con một tính cách xấu nào đó.
Hãy nói: “Mẹ rất lo lắng vì dạo này con hay ngủ quên rồi cuống cuồng đi học muộn. Có chuyện gì xảy ra với con vậy?” thay vì nói “Đồ lười biếng, ăn trưa ngủ trướng! Chỉ tổ nuôi tốn cơm tốn gạo!”
Đồng thời, bạn cần giải thích rõ vì sao hành động đó của con là sai và nó sẽ dẫn đến hậu quả gì, làm như vậy để bé nhìn nhận được sự việc và rút kinh nghiệm không lặp lại nữa. Nếu không giải thích mà chỉ mắng mỏ và phạt thì trẻ sẽ ko thấy được lỗi của mình và tiếp tục mắc sai lầm.
Bên cạnh đó, khi có những hành động tốt mẹ đừng quên động viên, khuyến khích và khen ngợi con, hãy công nhận những nỗ lực của con trẻ.
Khi được khen ngợi chắc chắn bé sẽ rất vui và lấy đó làm động lực về sau. Con sẽ tự tin làm việc đã từng được mẹ khen và chia sẻ với những người xung quanh về việc tốt đó, và rồi mức độ tự tin sẽ được lan truyền. Một thế hệ trẻ tự tin sẽ giúp gia đình, cộng đồng và đất nước phát triển hơn!
1.9. Xây dựng sự tự tin, năng động cho con
Con khỏe mạnh, thông minh, tâm hồn phong phú nhưng lại rụt rè trước đám đông, không tự đưa ra ý kiến của bản hoặc phản biện lại ý kiến của người khác thì liệu một bà mẹ thông thái đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa?
Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng nối vòng tay rộng lớn khắp năm châu, liệu bạn có muốn con mình lúc nào cũng núp sau lưng mẹ, không dám làm quen với bạn mới, không dám tự tin thể hiện con người mình?
Chắc chắn là không rồi!
Ngay từ nhỏ, mẹ hãy giúp con xây dựng sự tự tin và phát triển bản thân thông qua các hoạt động ở trường lớp hay tại chính ngôi nhà của mình!
Tham gia vào các hoạt động cộng đồng hay các chương trình văn nghệ ở trường học là cách tốt nhất để trẻ thể hiện sự tự tin. Bé sẽ dám dối điện với đám đông, dám phát biểu và nói ra suy nghĩ của mình.
Dần dần, bé yêu của bạn sẽ là một đứa trẻ tự tin, năng động… và chắc chắn đó là điều khiến mẹ cảm thấy hạnh phúc nhất phải không?
1.10. Dạy con tính tự lập
Là một bà mẹ thông thái, ngoài việc dạy con suy nghĩ tích cực, bạn cần rèn luyện cho bé tính tự lập ngay từ nhỏ.
Hãy cho con “thử và sai”, cho con tự tay làm thì mới biết mình sai ở đâu và phải làm như thế nào cho đúng. Như vậy bé sẽ hình thành một suy nghĩ tích cực đó là: “không thử thì làm sao biết là đúng hay sai và sai thì vẫn có thể sửa”, dần dần bé sẽ thấy thất bại là điều bình thường, không cần phải quá lo lắng, buồn rầu hay tức giận.
Bằng cách này trẻ sẽ học được rằng: muốn thành công trước tiên phải tự lập, phải trải qua những khó khăn, những thử thách chứ không phải dựa dẫm vào người lớn.
Điều quan trọng nhất là bạn hãy giữ im lặng và đừng can thiệp quá sâu vào vấn đề mà trẻ đang tìm cách giải quyết. Hãy là người bạn, người đồng hành cùng con chứ không nên là người chỉ huy hay “cung phụng” con quá mức.
1.11. Trở thành người bạn tốt của con
Trẻ em càng lớn thì càng có nhiều bí mật và có không gian riêng tư. Nếu không gần con, cha mẹ sẽ bị đẩy ra khỏi không gian của chúng. Liệu có bao nhiều người mẹ có thể ngồi nghe tâm sự của con? Liệu bao nhiêu đứa trẻ thực sự coi mẹ như một người bạn để tâm sự?
Mẹ là người xứng đáng được nghe những tâm sự , những bí mật thầm kín của con. Vì vậy, hãy tạo cảm giác gần gũi và thân thiết để con thêm tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ, và nếu muốn con chia sẻ thì chính bạn cũng phải học cách tâm sự.
Trò chuyện cởi mở như một người bạn, cho phép trẻ được bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ cá nhân là việc rất cần thiết. Hãy cố gắng trở thành một người bạn để con luôn cảm thấy hạnh phúc khi được mẹ quan tâm và muốn biết những điều đang diễn ra trong cuộc sống của mình.
1.12. Cùng con nuôi dưỡng ước mơ
Người lớn hay trẻ nhỏ, ai cũng vậy thôi, sẽ thật thoải mái khi được làm những điều mình thích, được sống với đam mê của chính mình.
Bạn muốn con bạn trở thành giáo viên, bác sĩ, nhưng con lại ước mơ được chơi guitar trong một ban nhạc rock nổi tiếng thì sao?
Đừng vội vàng ngăn chặn hay cấm đoán, hãy cùng con nuôi dưỡng ước mơ đó. Vì không ai có thể mơ giấc mơ của người khác!
Có thể bạn lo sợ rằng: đó chỉ là sở thích nhất thời của con trẻ, rằng con sẽ không có tương lai tốt đẹp gì với lựa chọn đó. Nhưng hãy nhớ, bạn đã tạo cho con môi trường “thử và sai” thì hãy để cho con làm điều mình thích một cách thoải mái nhất.
Trên con đường chinh phục ước mơ của mình, con sẽ biết được đó có phải là điều mà mình nên theo đuổi hay không, rằng ước mơ đó đã đủ lớn để mình đánh đổi hay chưa?
Có như vậy trẻ mới trở thành một người tự tin, dám làm dám sai, dám chịu trách nhiệm và dám sống với ước mơ của mình!
2. Lời kết
Vậy là chúng ta đã được khám phá 12 điều mà một bà mẹ thông thái cần phải làm. Có thể đúng, có thể sai, có thể phù hợp với người này và không phù hợp với người kia nhưng mình tin rằng: để trở thành một bà mẹ thông thái thì những kiến thức trên là cần thiết.
Tuy chỉ quan điểm cá nhân dựa trên kinh nghiệm của mình sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực mẹ bé nhưng hy vọng nó sẽ giúp các mẹ có thêm nhiều kiến thức trong suốt quá trình nuôi dạy con.
Chúc bạn thành công và luôn vững bước trên con đường để trở thành một bà mẹ thông thái. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!