Nếu để ý các mẹ sẽ thấy: khi được 1 tuổi nhiều bé sẽ có hiện tượng đánh người lớn, điều này có thể lý giải vì trẻ còn quá nhỏ, nhưng ở giai đoạn từ 2- 3 tuổi hành động này mang lại một ý nghĩa khác, bởi trẻ đã biết nhận thức nhiều hơn.
Vậy cha mẹ cần làm gì khi bé đánh người khác? Có phải như vậy là hư hay không?
Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Nguyên nhân và giải pháp khi bé đánh người khác
1.1. Hãy hiểu con hơn
Mẹ có nhớ lần đầu tiên bé đánh người khác là khi nào không và khi đó thái độ của mẹ ra sao? Là dung túng, cấm đoán hay ngó lơ?
Nếu như là dung túng thì với trẻ đó là một kiểu xúi giục và bé sẽ càng tích cực dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Như vậy, hành vi đánh người của bé không có gì là lạ.
Còn nếu là cấm đoán thì trong thời gian ngắn sẽ có hiệu quả và có thể khiến trẻ bớt phóng túng, nhưng về lâu dài hành động đánh người bao hàm những ý nghĩa xã hội phong phú.
Cuối cùng, nếu ngó lơ thì chắc chắn mẹ vẫn phải đối mặt với tình trạng bé đánh người khác.
Thông qua những điều trên, mình chỉ muốn nói rằng: thái độ của người lớn khi lần đầu thấy bé đánh người khác sẽ giúp chúng ta tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.
Nếu cha mẹ thuộc kiểu dung túng, hiện tượng đánh người là do ngang ngược và đây là tính cách nổi bật nhất của những trẻ này.
Nếu cha mẹ thuộc kiểu cấm đoán, hiện tượng đánh người của bé là muốn thu hút sự chú ý của người khác hoặc tập trung biểu hiện sự đối kháng, phản đối sự việc.
Nếu cha mẹ thuộc kiểu lạnh nhạt, ngó lơ thì hiện tượng đánh người là do không thể biểu đạt hoặc do nguyên nhân sinh lý và hành động này là biểu hiện đột xuất của trẻ.
Nhìn chung, mẹ cần phải biết lắng nghe tiếng lòng con trẻ để tìm ra lời giải cho một số câu hỏi như:
- Khi bé đánh người có phải là do bé đói, mệt mỏi, buồn ngủ hay tâm trạng không tốt?
- Mẹ có từng đánh bé, bất kể là do tức giận hay vì bé làm loạn hay không?
- Bé có từng đọc qua sách vở hay xem tivi có cảnh đánh nhau không?
- Liệu có phải bé đang tức giận vì làm một việc gì đó không tốt?
- Liệu có phải bé đang tìm kiếm sự quan tâm của người khác hoặc không thể biểu đạt được tâm trạng của mình?
Tất cả những câu hỏi trên đều có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi đánh người của trẻ. Tựu chung lại, chúng đều nằm trong 3 trường hợp sau:
- Trẻ không có khả năng biểu đạt thích hợp
- Trẻ muốn gây sự chú ý của người khác
- Trẻ được nuông chiều.
1.2. Trẻ không có khả năng biểu đạt thích hợp
Trẻ không có khả năng biểu đạt thích hợp là khi bé không biết thể hiện nhu cầu sinh lý, tình cảm, tâm trạng của mình như thế nào. Nếu bé đánh người vì nhu cầu sinh lý như: đói, buồn ngủ… thì cha mẹ nên giải quyết cho bé trước.
Thông thường, khi đói hay buồn ngủ, tâm trạng của bé sẽ thất thường, mẹ chỉ cần cho bé ăn hoặc nghỉ ngơi là được.
Đối với những trẻ lớn mẹ hãy đưa ra phán đoán để hiểu con nhiều hơn đồng thời đưa ra những chỉ đạo ngôn ngữ đúng đắn như: “Có phải con buồn ngủ rồi không? Vậy để mẹ ôm con, chúng ta cùng nghỉ ngơi một lát nhé”.
Làm như vậy, dần dần bé sẽ dùng ngôn ngữ để biểu đạt chính xác nhu cầu của bản thân và khi muốn giải quyết vấn đề của mình bé sẽ liên tưởng đến việc được mẹ ôm, hoặc tìm nơi yên tĩnh nghỉ ngơi chứ không nhất định phải biểu đạt thông qua việc đánh người.
Có đôi khi trẻ không biết cách thể hiện tình cảm của mình như thế nào nên sẽ đánh người khác. Tuy nhiên, hành động này không có nghĩa là trẻ lỗ mãng hay thích nổi loạn, có thể đó chỉ là hình thức thể hiện với đối phương mà thôi, dẫu rằng phương thức này hơi khó chấp nhận.
Nếu như mẹ phát hiện bé đánh người khác trong khi không bị gây hấn và đối tượng bị đánh là cố định thì có thể suy nghĩ đến việc: liệu có phải bé thích chơi với đối phương nhưng lại không biết biểu đạt thế nào?
Nếu vậy, mẹ hãy hỏi bé rằng: “Tại sao con lại đánh bạn? có phải vì con muốn chơi với bạn không?”. Lúc này mẹ hãy dạy bé cách để giao lưu với bạn, ví dụ: cho mượn đồ chơi hoặc rủ bạn chơi cùng…
Đôi khi bé không biết cách biểu đạt tâm trạng của bản thân, ví dụ: trò chơi không diễn biến như những gì trẻ mong muốn hoặc trò chơi nào đó không vui… chỉ những sự việc nhỏ như vậy cũng có thể khiến trẻ nổi cáu, trút giận lên người khác.
Bất kể là trường hợp nào mẹ đều phải hướng dẫn bé cách biểu đạt bản thân một cách chính xác, đồng thời giúp con tìm ra hướng giải quyết, ví dụ: nhờ người khác giúp đỡ, tự nói ra suy nghĩ của bản thân…
Nhìn chung, ở giai đoạn này bé vẫn chưa hoàn toàn khống chế được cảm xúc nên mẹ cần kiên trì và nhẫn nại để giúp đỡ con.
1.3. Muốn gây sự chú ý của người khác
Nếu như bé thường xuyên rơi vào hoàn cảnh bị ngó lơ hoặc bị người lớn quát mắng hoặc bị gọi là đứa trẻ hư vì một hành vi nào đó, thì sẽ dùng cách tấn công người khác để gây sự chú ý.
Những bé này sẽ cố tình đánh người, có đôi khi không vì nguyên nhân gì cả, cứ gặp ai là gây gổ với người đó chứ không có mục đích và đối tượng cụ thể.
Trong trường hợp này, cha mẹ nên suy xét lại bản thân và mang đến cho bé sự thấu hiểu, yêu thương đầy đủ để con dần bình tĩnh trở lại.
Mẹ hãy thường xuyên khen ngợi và cổ vũ cho những hành động tích cực của bé và bồi đắp cho con những tình cảm tốt đẹp nhất.
1.4. Trẻ được nuông chiều
Nếu như bé làm bất cứ điều gì cũng đều được dung túng, dẫu cho đó là hành vi không tốt thì đây được xem như tấm giấy phép mà cha mẹ trao cho con, để con có đặc quyền tấn công người khác.
Lúc này bé sẽ không coi ai ra gì, ở nhà thì tấn công người nhà, ra ngoài thì tấn công bạn bè. Hơn nữa, hành vi còn rất thô bạo và không thể ở bên người khác một cách hòa hợp.
Nếu rơi vào trường hợp này cha mẹ cần thay đổi cách nuôi dạy con của mình, không nên nuông chiều bé quá mức và phải có chỉ dẫn, xử phạt thích hợp với những ngôn ngữ và hành vi của trẻ.
2. Lời kết
Đó là toàn bộ chia sẻ của mình về hành vi đánh người của trẻ. Nhìn chung, đây là điều không mẹ nào muốn xảy ra với con mình. Nều không may rơi vào hoàn cảnh này mẹ cần quan sát, tìm hiểu và đưa ra biện pháp phù hợp để không ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bé.
Chúc mẹ thành công, chúc bé luôn chăm ngoan và mạnh khỏe. Cảm ơn mẹ đã theo dõi bài viết!