Bé yêu nhà bạn không chịu bú bình?
Bạn đã làm mọi cách nhưng bé chỉ ôm khư khư bầu vú mẹ?
Làm sao để khắc phục tình trạng này? Nguyên nhân bé không chịu bú bình là gì?
Hãy cùng tìm mình hiểu qua bài viết này nhé!
Nguyên nhân bé không chịu bú bình
Có nhiều nguyên nhân khiến bé không chịu bú bình, từ chủ quan cho đến khách quan, mẹ cần nắm bắt và xử lý kịp thời.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng trên.
1. Bé chưa quen bú bình
Sau một khoảng thời gian ti mẹ, bé sẽ cảm thấy khó khăn khi ti bình vì chưa quen. Đây là điều hết sức bình thường, mẹ cần kiên trì và rèn luyện để bé thích nghi dần.
Bình sữa và núm vú làm bằng chất liệu gì đi chăng nữa thì cũng không thể mềm mại bằng ti mẹ, chưa kể cảm thân quen và mùi đặc trưng của cơ thể mẹ cũng khiến bé cảm thấy khó làm quen với việc ti bình.
Mặc dù công nghệ sản xuất bình sữa và núm ti đã được cải tiến rất nhiều nhưng vẫn chưa thể mềm mại và “chân thực” như ti mẹ.
Ngoài ra, lỗ trên núm ti thường nhỏ và hẹp hơn ti mẹ nên sữa chảy nhỏ giọt, bé sẽ khó bú hơn, nếu không xử lý kịp thời lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng chán ăn và ghét bú bình.
Vì vậy, mẹ nên mua bình sữa cho trẻ sơ sinh có núm ti mềm mại và lỗ to, nếu không hãy lấy kim chọc rộng lỗ ra để bé bú dễ hơn.
Với những bé “khó tính”, khó tiếp cận với việc bú bình mẹ nên chọn bình sữa silicone vì chất liệu này mang lại cảm giác gần giống với bầu vú mẹ nhất, bé dễ làm quen hơn.
2. Bé chưa đói
Trẻ sơ sinh rất thích cảm giác nằm trong lòng mẹ, sờ, ôm ấp, bú ti mẹ kể cả khi không đói. Chính vì biểu hiện này mà nhiều mẹ nhầm tưởng con đang đói nên thường cho bé ti hoặc bú bình.
Thực tế những lúc như vậy bé chỉ muốn “nựng” mẹ mà thôi, cho nên chỉ cần đưa bình ra là bé sẽ không bú và không hợp tác.
3. Không quen sữa công thức
Như chúng ta đã biết, sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài cách ti trực tiếp, mẹ có thể vắt sữa ra bình cho bé ăn, thế nhưng rất nhiều mẹ không làm như vậy mà lại pha sữa công thức cho bé bú.
Lúc này bé không thể quen ngay với mùi vị của sữa công thức nên sẽ từ chối và nhất quyết không chịu ti bình.
Tốt nhất, mẹ hãy vắt sữa ra bình cho bé bú, không nhất thiết phải dùng sữa công thức vì trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn cũng đủ no và phát triển bình thường.
Với những bé bú sữa công thức hoàn toàn, mỗi giai đoạn sẽ dùng một loại sữa khác nhau nên bé chưa quen với mùi vị của sữa mới hoặc đôi khi sữa có vấn đề như: hết hạn sử dụng, nhiễm mùi từ bình sữa, núm ti….
Tốt nhất, mẹ nên vệ sinh bình sữa, núm ti sạch sẽ và uống thử để kiểm tra trước khi cho bé bú.
4. Bé mọc răng
Hầu hết trẻ đến giai đoạn mọc răng đều không chịu bú bình. Giai đoạn này lợi của bé rất ngứa nên thường cắn chặt núm ti và không chịu mút.
5. Lạ người
Không phải lúc nào mẹ cũng là người cho bé ăn, vì bận rộn hoặc lý do nào đó người khác sẽ đảm nhận công việc này.
Khi bé đã quen hơi, quen gương mặt mẹ mỗi khi ăn thì việc thay thế bằng người khác cũng là nguyên nhân khiến bé không chịu bú bình.
6. Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, còn một số lý do dẫn đến tình trạng bé không chịu bú bình:
- Bé bị ốm, khó chịu trong người.
- Bé bị phân tâm với những sự vật xung quanh (tivi, đồ chơi…)
- Bé thích hương vị của các món ăn dặm và không còn hứng thú với sữa.
Bé không chịu bú bình phải làm sao?
Dựa vào những nguyên nhân trên mẹ hãy có thể đưa ra phương pháp tập cho bé bú bình. Cụ thể như sau:
1. Chọn bình sữa, núm ti phù hợp với bé
Mỗi bé sẽ phù hợp với một loại bình sữa riêng. Có bé thì thích bình với thiết kế núm ti mềm mại giống ti mẹ, có bé lại thích núm ti cứng hơn. Vì vậy, nếu bé không chịu bú mẹ hãy thử đổi bình sữa hoặc núm ti khác xem sao.
Trong quá trình bú, mẹ không nên đưa núm ti vào miệng một cách đột ngột làm bé sợ, hãy thao tác chậm rãi để bé làm quen dần.
Mẹ để bình sữa vào gần bé rồi đặt núm ti nhẹ nhàng lên môi, lúc này bé sẽ há miệng và ngậm, có thể bé chưa bú ngay nhưng hành động này giúp bé cảm nhận được mùi vị của sữa mẹ và dần quen với việc bú bình.
2. Cho bé ăn khi đói
Bé không chịu bú bình khi đã no là điều hết sức bình thường. Vì vậy, mẹ hãy lựa những lúc bé đói rồi thử cho bú bình xem sao, vì trẻ em thường dễ dàng chấp nhận cái mới để thoả mãn nhu cầu bản thân trước.
Mẹ cần làm việc này theo lịch trình cố định sao cho phù hợp với độ tuổi của bé. Trong trường hợp đã ăn dặm, mẹ không nên ép bé ăn quá nhiều, bé sẽ cảm thấy no và không bú bình.
3. Chọn sữa giống sữa mẹ
Với những bé ăn sữa công thức hoàn toàn hoặc bổ sung thêm mẹ nên chọn loại sữa có mùi vị và hàm lượng dinh dưỡng gần giống với sữa mẹ.
Ngoài ra, ở mỗi giai đoạn sẽ phải thay đổi loại sữa, vì vậy mẹ chỉ nên chọn một thương hiệu duy nhất, tránh đổi qua đổi lại khiến bé lạ mùi dẫn đến bỏ bú bình.
4. Bú bình bằng sữa mẹ
Mẹ hãy tập cho bé bú bình bằng sữa mẹ vì trước đó trẻ đã quen với hương vị của loại sữa này nên sẽ dễ tiếp nhận hơn. Sau khi bé đã quen với việc bú bình mẹ có thể đổi sang sữa công thức.
Tuy nhiên, với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, không cần dùng thêm sữa công thức.
5. Dùng ti giả
Với những trẻ đang trong giai đoạn mọc răng hoặc trẻ có thói quen ngâm ti giả thì trước khi bú bình mẹ hãy cho bé ngậm ti giả một lúc để làm quen, sau đó lấy ti giả ra rồi đưa núm ti vào miệng bé.
Làm như vậy sẽ hạn chế cảm nhận của bé về ti giả và núm ti của bình sữa, bé sẽ bú như bình thường.
6. Cho bú khi buồn ngủ
Đây cũng là một cách khá hay để bé làm quen với bú bình.
Trước tiên mẹ hãy cho bé bú như bình thường, đến khi con có dấu hiệu buồn ngủ thì nhả ti ra và đặt bình sữa vào miệng. Lúc này trẻ đã khá mệt nên sẽ bú một cách không ý thức.
Nếu bé chịu bú thì đó là điều tuyệt vời, còn nếu không hãy chuyển sang ti mẹ rồi vỗ về, hát ru cho con dịu lại rồi tiếp tục đưa núm ti vào miệng bé, làm như vậy vài lần chắc chắn bé sẽ chịu.
7. Bú khi đi chơi
Khi đi chơi, những khung cảnh bên ngoài sẽ khiến bé quên đi sự khác biệt giữa bú bình và bú mẹ.
Mẹ hãy đặt bé vào xe đẩy, ngồi thẳng, mặt hướng về phía trước rồi đưa bé ra ngoài chơi, hãy lựa thời điểm bé vui vẻ nhất rồi đặt bình sữa vào miệng kết hợp vỗ về và đánh lạc hướng. Ví dụ như chỉ cho bé xem cây cối, con vật…
Lúc này trẻ sẽ bú bình một cách vô thức, còn nếu bé khóc lóc thì mẹ hãy đợi bé nín rồi thử lại từ đầu. Đừng quên trò chuyện cùng con mẹ nhé!
Ngoài những biện pháp trên, mẹ có thể áp dụng một số cách nhỏ sau:
- Mỗi khi đói, hãy để ông bà hoặc người thân cho bé bú bình, vì nếu người cho bú là mẹ thì bé sẽ quen hơi và không chịu ti bình.
- Làm rộng lỗ trên núm ti để dòng sữa chảy ra nhiều hơn so với ti mẹ. Cách này đặc biệt hiệu quả khi bé khóc đói vì trẻ thấy sữa chảy ra trơn tru nên sẽ bú liên tục để giải quyết cơn đói mà không quan tâm đến việc mình đang bú mẹ hay bú bình.
- Luôn hâm sữa trước khi cho bé bú vì trẻ đã quen với nhiệt độ sữa khi bú mẹ.
Một số lưu ý khi cho bé bú bình
Trong quá trình cho bé bú bình mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho con.
- Tập cho bé bú bình khoảng 2 tuần trước khi mẹ đi làm. Đây là khoảng thời gian đủ để bé chấp nhận và học hỏi kỹ năng mới.
- Không nên cho bé bú bình quá sớm. Với trẻ dưới 2 tháng tuổi nếu đã quen bú bình sẽ có nguy cơ không chịu bú mẹ, đồng nghĩa với việc nuôi con bằng sữa mẹ sớm kết thúc.
- Việc chuyển đổi giữa bú bình và bú mẹ sẽ khiến bé cảm thấy khó chịu, vì vậy mẹ cần kiên nhẫn tập luyện, dần dần sẽ thành công. Không được la mắng hay tỏ thái độ bực dọc với con, làm như vậy bé càng sợ hãi và sợ bú bình hơn.
- Tránh để bé bú bình trong tư thế nằm vì áp lực từ bình sữa sẽ mạnh và khiến sữa dễ xâm nhập vào vòi tai, gây nhiễm trùng tai, đặc biệt là với sữa công thức.
Lời kết
Đó là toàn bộ chia sẻ của mình về nguyên nhân và cách khắc phục khi bé không chịu bú bình. Hy vọng bài viết này đã mang đến cho mẹ những kiến thức bổ ích trong quá trình chăm con.
Mẹ hãy cố gắng và kiên nhẫn với bé, có thể phải mất một thời gian dài bé mới chịu bú bình. Còn nếu bé tiếp tục từ chối bú, giảm cân hoặc không tăng cân thì hãy đưa đi khám bác sĩ.
Cảm ơn mẹ theo dõi bài viết. Nếu có thắc mắc hay góp ý gì mẹ vui lòng comment phía dưới!