Thời gian trôi nhanh quá, thoắt đấy mà đã 4 năm kể từ ngày mình sinh bé Gấu. Cả quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày mình không sợ, không mệt mỏi. Sinh con ra, điều khiến vợ chồng mình mệt nhất và lo sợ nhất chính là thời gian đầu đối diện với chứng bệnh hăm tã của con.
Hai vợ chồng sống riêng, chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nên khi sinh Gấu ra thì có một giai đoạn bé bị hăm tã, tuy không nhưng nó thực sự khiến mình lo lắng. Sau này bé Mèo cũng bị nhưng ở mức độ rất nhẹ, không đáng ngại.
Đến bây giờ, khi 2 con đã lớn, triệu chứng hăm tã không còn nữa nhưng với chút kinh nghiệm chăm sóc và phòng chống bệnh này thì hôm nay mình xin chia sẻ cùng các mẹ về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách khắc phục bệnh hăm tã ở trẻ nhỏ.
Mời các mẹ theo dõi !
1. Nguyên nhân gây hăm tã
Theo như lời của bạn mình – một bác sĩ nhi khoa ở bệnh viện nhi đồng Hải Phòng thì: “viêm da là một danh từ chung để chỉ tình trạng da không khỏe, bị kích ứng như mẩn đỏ, nổi rộp… có thể do vi trùng hay do vi nấm. Còn hăm tã là hiện tượng da ửng đỏ do mồ hôi hay do nước tiểu, có thể coi hăm tã như một tình trạng viêm da nhẹ. Nếu không được điều trị thì sẽ biến chứng thành viêm da nặng và lan rộng ra, rất dễ bị nhiễm trùng”.
Như vậy hăm tã là một dạng nhẹ của viêm da và thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Tuy đây là một triệu chứng phổ biến, có thể khỏi trong một thời gian ngắn nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển biến xấu và khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, thậm chí bỏ ăn. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Khi bố mẹ để bé măc tã quá lâu, lkhiến cho môi trường giữa da và tã lót quá ẩm ướt và bí bách. Vi khuẩn trên da bé phân hủy nước tiểu thành những hóa chất như ammonia, gây khó chịu cho da, dẫn đến tình trạng hăm.
- Mặt khác tiêu chảy cũng có thể gây hăm tã, nhất là trong khoảng một tháng đầu, khi mà em bé nhà bạn vẫn còn xì xoẹt phân hoa cà hoa cải. Nếu không được thay rửa thường xuyên thì một cái tã bốc mùi cũng tạo điều kiện cho chứng hăm tã xuất hiện và phát triển. Ngay cả khi bạn sử dụng những loại tã thấm hút tốt, đắt tiền đi chăng nữa thì cũng phải thay rửa thường xuyên cho con.
- Ngoài ra thì việc mẹ cho bé dùng các loại tã thô ráp, không phù, bị cọ xát lên vùng da nhạy cảm của bé cũng khiến cho da bé bị tổn thương và dẫn đến hăm tã.
- Một số bé có làn da cực kì nhạy cảm, chỉ cần sử dụng bột giặt hay nước xả vải chứa nhiều hóa chất cũng có thể ảnh hưởng đến làn da bé. Bên cạnh đó thì một số loại xà phòng thơm hay nước thơm cũng có thể gây kích thích da. Chính vì thế mà khi nhà có trẻ nhỏ, các mẹ đặc biệt chú ý không nên giặt quần áo của trẻ chung với quần áo của người lớn. Hãy giặt riêng và sử dụng xà phòng (nước giặt) chuyên biệt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
2. Dấu hiệu nhận biết hăm tã
Trong quá trình con bị hăm tã, thì mình phát hiện ra rằng bệnh hăm tã thường diễn ra theo các cấp độ từ nhẹ đến nặng. Nếu không may, bé nhà bạn bị hăm tã, bạn cần biết được trẻ đang bị hăm ở giai đoạn nào để điều trị kịp thời, tránh tình trạng hăm quá nặng, dẫn đến viêm da.
Biểu hiện của các cấp độ hăm tã cụ thể như sau:
Hăm tã cấp độ 1 (nhẹ)
Các mẹ phải thường xuyên để ý vùng da mặc tã của con, nhất là bẹn, mông, và bộ phận sinh dục. Nếu tại các vị trí đó da của con màu ửng hồng ở diện tích nhỏ, trên vùng da xuất hiện những nốt mẩn nhỏ li ti thì bé đã có dấu hiệu hăm tã, nhưng ở cấp độ nhẹ. Ở mức này mặc dù da bé ửng đỏ nhưng vẫn khô ráo, không bị ẩm ướt.
Hăm tã cấp độ 2
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh hăm tã của trẻ phát triển rất nhanh, có thể trong ngày, từ sáng đến tối đã khác nhau rất nhiều. Nếu trên da bé lúc này xuất hiện những vết ửng đỏ với diện tích nhỏ nhưng nhiều và rải rác trên da, nhất là vùng bẹn và mông thì bạn phải nhanh chóng vệ sinh và bôi thuốc kịp thời cho con.
Hăm tã cấp độ 3 (trung bình)
Trẻ bị hăm tã ở mức độ 3 thì lúc này trên da xuất hiện những vết ửng đỏ với diện tích lớn hơn, những vết hăm trên da của con đậm, rõ ràng và dày đặc hơn. Bé bắt đầu cảm thấy khó chịu, ngủ không ngon giấc, hay khóc và vặn mình.
Hăm tã cấp độ 4
Khi mà trên da bé đã xuất hiện những vết hăm đỏ rõ rệt nhiều hơn, thậm chí xuất hiện những nốt mẩn trên da, hơi sưng đỏ, cũng có khi xuất hiện cả mụn mủ thì lúc này bé đã rất khó chịu rồi.
Hăm tã cấp độ 5 (nặng)
Ở mức độ này thì da bé có màu đỏ nặng, các vết hăm xuất hiện trên da với diện tích lớn. Da sưng đỏ và phù nề, có mủ xuất hiện trên các vết sần, lúc này bệnh hăm tã của con rất dễ dẫn tới viêm da nặng. Con bạn sẽ đau rát, khó chịu, quấy khóc liên tục vì vùng da bị tổn thương rất đau và làm cho bé cảm thấy khó chịu, nhất là khi nước tiểu tiếp xúc vào. Bé sẽ giật mình thường xuyên và đôi khi khóc thét lên.
Hăm tã tưởng chừng như một chứng bệnh đơn giản và lành tính nhưng nó lại gây nên cho bé sự đau rát, ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời rất dễ gây nên những căn bệnh khác như nhiễm nấm và nhiễm trùng.
Nhiễm nấm là bệnh khá phổ biến, đặc biệt với những trẻ sử dụng kháng sinh, bởi vì kháng sinh đã giết chết những vi khuẩn có lợi kiểm soát sự phát triển của nấm. Biểu hiện của việc nhiễm nấm ban đầu chỉ là một đốm nhỏ đỏ sau lan rộng dày đặc trên cả một vùng da.
Còn nhiễm trùng thường kéo theo những cơn sốt. Mặt khác vùng bị nhiễm trùng sẽ chảy nước vàng hoặc có mụn mủ.
3. Cách phòng chống bệnh hăm tã
Vậy làm thế nào để hạn chế được bệnh hăm tã cho bé?
Bằng kinh nghiệm và kiến thức của bản thân, mình xin chia sẻ với các mẹ một số biện pháp để phòng chống bệnh hăm tã ở trẻ nhỏ. Nếu cảm thấy không yên tâm thì các mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé.
Thay tã thường xuyên
Đây chắc hẳn là công việc mà cha mẹ phải làm nhiều nhất trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Thậm chí có đôi khi bạn cảm tưởng rằng cả ngày không làm được việc gì ngoài việc thay tã cho con. Nhiều lúc bạn cảm thấy chóng mặt vì phải làm việc này liên tục nhưng đây lại là một công việc mà bạn phải quan tâm và chú trọng nhất.
Bố mẹ mặc tã cho con nhưng thường không quan tâm đến việc thay tã, có khi cả ngày chỉ mặc một chiếc. Làn da nhạy cảm của trẻ lúc này sẽ tiếp xúc lâu hơn với các enzyme có trong chất thải lưu trú ở trong tã, gây kích ứng bề mặt da, từ đó dễ dàng dẫn đến chứng hăm tã.
Trung bình một ngày, với trẻ sơ sinh dưới một tháng tuổi cần thay từ 10 – 12 bỉm/ngày. Ở độ tuổi này, trong một ngày, bé có thể đi tiểu từ 3 – 4 lần và đi tiểu sau mỗi lần bú. Bé càng lớn thì số lần thay bỉm cho con sẽ càng giảm đi. Cụ thể như sau:
Số tháng tuổi | Số lượng bỉm cần dùng trong một ngày |
0 – 1 tháng tuổi | 10 – 12 |
1 – 5 tháng tuổi | 8 – 10 |
5 – 9 tháng tuổi | 8 |
9 – 12 tháng tuổi | 8 |
Vậy khi nào mẹ cần thay bỉm cho con?
Thông thường khoảng 1 – 3 giờ, các mẹ nên kiểm tra bỉm của bé một lần. Nếu bé chỉ đi tiểu thì bạn có thể để cho bỉm nặng một chút rồi hãy thay, vì hiện nay các loại tã bỉm thường thấm hút rất tốt nên bé sẽ không bị ẩm ướt chỉ sau 1-2 lần tè. Nhưng nếu bạn bé ị thì bạn phải thay ngay lập tức.
Hiện nay, các nhà sản xuất tã bỉm đã cải tiến công nghệ rất nhiều. Hầu hết các loại bỉm đều thiết kế vạch báo bỉm đầy ở phía bên ngoài. Các mẹ chỉ cần nhìn vạch đó chuyển từ vàng sang xanh là biết đã đến giờ cần thay bỉm cho con mà không cần phải bỏ bỉm ra kiểm tra.
Ngoài ra, mẹ cũng nên để ý thời điểm trước và sau khi cho bé ăn, cũng như sau khi bé ngủ dậy, đó thường là lúc bé đi vệ sinh, mẹ nên chú ý kiểm tra.
Vệ sinh sạch sẽ mỗi lần thay tã
Các bước thay tã bỉm bao gồm: tháo bỉm bẩn ra, gấp đôi bỉm lại và đặt mông bé lên mặt gấp đôi đó. Sau đó mẹ tách hai chân bé ra, nhúng giấy khô hoặc khăn vào nước ấm, vắt khô và lau sạch. Các mẹ đặc biệt chú ý hai bên bẹn và các nếp gấp trên da bé phải được vệ sinh thật kỹ.
- Đối với các bé gái mẹ nên lau từ trước ra sau, tránh bị nhiễm trùng âm đạo.
- Đối với các bé trai thì hay có thói quen tè trong khi thay bỉm, đã có một số mẹ chia sẻ về việc con tè lên mặt mẹ ngay trong lúc thay bỉm rồi đấy ạ. Vì vậy, bạn có thể dùng bỉm hoặc khăn sạch phủ lên dương vật của bé, tránh để bé tè ướt người. Sau đó nhẹ nhàng lau xung quanh dương vật và bìu cho con. Khi mặc bỉm thì lưu ý chuyển hướng dương vật xuống dưới để khi con tè không bị thấm ướt ra quần áo.
Sau khi vệ sinh sạch sẽ mẹ lấy bỉm bẩn ra, đặt bé lên một chiếc bỉm mới, lau khô cho con rồi bôi kem chống hăm rồi đóng bỉm mới. Nếu bé còn nhỏ, chưa rụng rốn thì mẹ chú ý gấp mép bỉm ở phần cuống rốn của con xuống, tránh để mép bỉm chạm vào rốn gây khó chịu cho con.
Đối với bỉm dán chúng ta nên chú ý khi dán hai bên mép bỉm không nên dán quá chặt sẽ làm cho da bé bị trầy, đỏ làm tổn thương da của con. Và cũng không nên dán quá lỏng sẽ làm cho phân và nước tiểu bị tràn ra ngoài các mẹ nha.
Đồi với bỉm quần mẹ chú ý chọn size phù hợp với cân nặng của con. Sau khi kéo bỉm lên cho vừa khít, mẹ nhớ kiểm tra phần lưng và đùi, đảm bảo không có nếp gấp để con không bị khó chịu.
Sử dụng kem chống hăm cho trẻ
Ngoài việc thay tã thường xuyên, cũng như vệ sinh sạch sẽ cho con thì một cách khác để phòng ngừa và điều trị các chứng hăm tã cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là sử dụng kem chống hăm.
- Nội dung liên quan: Thuốc trị hăm cho bé loại nào tốt?
Tuy nhiên, các mẹ nên tham khảo kỹ khi lựa chọn các sản phẩm chống hăm, sao cho phù hợp và an toàn, không gây kích ứng, tác dụng phụ cho da của con.
Một số biện pháp khác
Ngoài những công việc trên thì mẹ cần phải chú ý tới một số công việc sau để phòng chống hăm tã cho con:
- Giữ vệ sinh thân thể hàng ngày cho bé, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cho bé.
- Hạn chế sử dụng các loại khăn ướt, phấn rôm vì những sản phẩm này có thể gây bít lỗ chân lông làm cho tình trạng hăm càng nặng thêm.
- Nếu bé bắt đầu có dấu hiệu hăm tã thì mẹ nên cắt móng tay và đeo bao tay vào cho bé, để bé không gãi vào những vùng da bị tổn thương.
- Vệ sinh nhà cửa, giường chiếu sạch sẽ.
3. Lời kết
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm của mình trong việc phòng chống bệnh hăm tã cho con. Bản thân mình từ khi sinh 2 bé đến giờ, mỗi khi con bị hăm tã thì vẫn áp dụng những cách trên và nó mang lại hiệu quả rõ rệt, 2 con chỉ dừng lại ở mức hăm tã nhẹ là khỏi.
Trong trường hợp bé nhà bạn rơi vào giai đoạn hăm tã nặng thì ngoài việc áp dụng những phương pháp trên thì bạn nên đưa bé đi khám ở bệnh viện để có cách điều trị tốt nhất, bạn không nên tự xử lý ở nhà, tránh biến chứng không mong muốn.
Mình thấy có nhiều mẹ thường dùng nước trà xanh để trị hăm cho con, cách này có thể chỉ hiệu quả khi bé bị hăm ở mức độ nhẹ, còn nếu bé bị hăm nặng mà mẹ dùng biện pháp này sẽ gây nhiễm trùng da, rất nguy hiểm.
Cuối cùng, nếu có thắc mắc hay kinh nghiệm gì trong việc phòng chống và điều trị hăm tã cho bé bạn vui lòng để lại comment ở phía dưới.
Cảm ơn đã đọc chia sẻ của mình, chúc bạn một ngày vui vẻ !