Bé yêu nhà bạn bỗng dưng lười ăn, và bạn muốn cho bé dùng thêm kẽm để cải thiện tình hình. Thế nhưng có nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn?
Cách bổ sung như thế nào? Độ tuổi và liều lượng ra sao?
Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Tác dụng của kẽm đối với trẻ em
Kẽm (viết tắt: Zinc) là dưỡng chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng với cơ thể và đặc biệt cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Mặc dù kẽm có mặt ở mọi tế bào trên cơ thể nhưng chúng ta không thể sản xuất hoặc lưu trữ nó mà phải lấy từ thức ăn hoặc thực phẩm chức năng bổ sung.
Kẽm cần thiết cho quá trình hình thành của hơn 300 enzym, chuyển hóa protein, hỗ trợ trao đổi chất, chức năng thần kinh, tiêu hóa và nhiều công dụng khác.
Cụ thể như sau:
Kích thích sự tăng trưởng
Kẽm đóng vai trò đặc biệt trong sản xuất các enzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp ADN và ARN.
Kẽm xuất hiện nhiều trong não, góp phần vào việc hình thành cấu trúc và chức năng não. Đó là lý do tại sao thiếu kẽm thường dẫn đến các triệu chứng như suy giảm trí nhớ, hay quên, mất tập trung… nhất là với trẻ nhỏ.
Nếu thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác sẽ bị ảnh hưởng, gây nên tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng của trẻ nhỏ.
Với trẻ biếng ăn, suy sinh dưỡng hay chậm lớn, bổ sung kẽm sẽ có tác dụng phục hồi rõ rệt cả về chiều cao lẫn cân nặng, làm tăng nồng độ hormone IGF-1 – chất tăng trưởng rất quan trọng với cơ thể.
Theo một số nghiên cứu, trẻ sinh ra nhẹ cân so với tuổi thai nếu được bổ sung kẽm đầy đủ vẫn có sự phát triển bình thường về cân nặng và chiều cao. Đó là lý do tại sao các bác sĩ chuyên khoa khuyên mẹ mang thai cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ kẽm.
Như chúng ta đã biết, thiếu hụt hormone sẽ làm chậm tốc độ phát triển, đặc biệt là giai đoạn sơ sinh. Bổ sung đầy đủ kẽm giúp điều hòa chức năng tuyến yên, bộ phận sinh dục và tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể trẻ phát triển toàn diện hơn.
Không chỉ thể chất, kẽm còn đặc biệt quan trọng với tinh thần nhờ khả năng hỗ trợ vận chuyển canxi đến não, giúp ổn định thần kinh, hạn chế nổi cáu.
Tăng cường hệ miễn dịch
Kẽm tác động lên nhiều khía cạnh của hệ miễn dịch. Dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các tế các bào diệt tự nhiên và bạch cầu trung tính.
Khi cơ thể chúng ta diễn ra quá trình thực bào, đại thực bào hay sản xuất cytokine, nguyên nhân chính là do thiếu kẽm. Ngoài ra, chức năng tế bào T và B hoạt động không tốt cũng là do thiếu kẽm. Vì vậy, bổ sung kẽm đầy đủ sẽ kích thích các tế bào miễn dịch cụ thể, giảm stress và oxy hóa.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, dùng 80-92mg kẽm mỗi ngày sẽ làm giảm cảm lạnh lên đến 33%. Đặc biệt hơn, kẽm còn làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng và thúc đẩy phản ứng miễn dịch ở người lớn tuổi.
Nhìn chung, kẽm tham gia vào quá trình phát triển và duy trì hoạt động của các tế bào miễn dịch, giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống chọi với một số căn bệnh thường gặp.
Làm lành vết thương
Tại các bệnh viện, người ta thường dùng kẽm để điều trị bỏng và vết thương ngoài da. Điều này là do kẽm có khả năng tổng hợp collagen, kháng viêm và chức năng miễn dịch.
Trên da chúng ta chứa hàm lượng kẽm khá cao (khoảng 5% trên tổng lượng kẽm của cơ thể). Do đó, thiếu hụt kẽm sẽ khiến cho vết thương lâu lành, quá trình hồi phục lâu hơn.
Vì vây, nếu bé bị bỏng hay viêm loét ngoài da, mẹ hãy bổ sung kẽm để tăng tốc độ làm lành vết thương.
2. Nguyên nhân và biểu hiện của trẻ thiếu kẽm
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu kẽm ở trẻ nhỏ, cả chủ quan lẫn khách quan. Tựu chung lại, phải kể đến một số nguyên nhân sau:
- Do chế độ ăn uống của trẻ không đầy đủ dưỡng chất, ví dụ như ăn nhiều chất bột, ít chất đạm. Ngoài ra, chế biến sai cách, làm mất đi lượng kẽm trong thực phẩm, hoặc khẩu phần ăn kém phong phú, thiếu thức ăn có nguồn gốc động vật cũng là nguyên nhân khiến trẻ thiếu kẽm.
- Sử dụng nhiều kháng sinh do mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: tiêu chảy, viêm phổi, ho… lâu ngày cũng dẫn đến thiếu kẽm. Bên cạnh đó, dùng thực phẩm chức năng chứa nhiều sắt sẽ làm cản trở sự hấp thu kẽm.
- Do bệnh tật, ví dụ như bệnh đường ruột.
- Do bẩm sinh, di truyền hoặc trong quá trình mang thai mẹ không bổ sung đầy đủ kẽm thì bé sinh ra cũng bị thiếu hụt.
Biểu hiện
Biểu hiện thiếu kẽm ở mỗi trẻ là khác nhau vì nó phụ thuộc thể trạng và cơ địa nhưng sẽ chia thành 2 mức độ: thiếu kẽm nhẹ và thiếu kẽm nặng.
Mức độ nhẹ
- Biếng ăn, lười ăn, ăn không có cảm giác ngon miệng.
- Chậm tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, thỉnh thoảng buồn nôn.
- Chậm phát triển chiều cao, còi cọc, cơ bắp teo nhão, chậm lớn.
- Thường xuyên rối loạn giấc ngủ, ngủ ngắn, hay buồn bực cáu gắt, kém linh hoạt, hay quấy khóc.
- Rụng tóc, móng tay dễ gãy, có vạch trắng.
Mức độ nặng
Ở mức độ nặng, ngoài những biểu hiện trên còn kèm theo một số triệu chứng như:
- Lười ăn thịt, không thích ăn các loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật.
- Khóc đêm kéo dài.
- Nôn kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Thiếu máu, da dẻ nhợt nhạt, huyết thanh giảm xuống dưới 70mcg/dl ở trẻ em.
- Viêm da, viêm lưỡi, viêm quanh lỗ tự nhiên, thương tổn ở mắt, sợ ánh sáng, mất thích nghi với bóng tối.
- Chậm dậy thì và bất lực, thiểu năng sinh dục.
Ngoài ra, khi thiếu kẽm ở mức độ nặng trẻ còn suy giảm miễn dịch; rối loạn hành vi, cảm xúc và nhiều triệu chứng tiêu cực khác, cả tinh thần lẫn thể chất.
Khi có những dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa bé đi khám và bổ sung kẽm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3. Có nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn?
Câu trả lời là: CÓ
Như đã nói ở trên, kẽm góp mặt vào sự hoạt động của hơn 300 enzym, hỗ trợ trao đổi chất và đẩy nhanh quá trình tổng hợp protein trong cơ thể.
Các enzym đóng vai trò quan trọng trong việc tạo mùi và vị nên kẽm rất cần thiết cho khứu giác của trẻ. Khi thiếu kẽm, quá trình tổng hợp protein sẽ chậm lại và làm giảm cảm giác ngon miệng.
Vì vậy, khi bé có biểu hiện biếng ăn thì mẹ nên bổ sung kẽm!
Không chỉ biếng ăn, kẽm còn có tác dụng trong những trường hợp sau:
- Trẻ có hệ miễn dịch kém.
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
- Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, hay khóc đêm.
- Trẻ đang có vết thương.
Kẽm cần thiết là thế nhưng bổ sung như thế nào cho đúng? Thời điểm, độ tuổi và liều lượng như thế nào?
Chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần tiếp theo nhé!
4. Độ tuổi và liều lượng bổ sung kẽm
Độ tuổi
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nguồn cung cấp kẽm chủ yếu đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên thì kẽm nằm trong khẩu phần ăn của các bé hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung.
Khi có biểu hiện thiếu kẽm, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện hoặc trung tâm ý tế để được chuẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
Tùy theo tình trạng biếng ăn của từng bé mà bổ sung kẽm bằng nhiều cách khác nhau như: từ thực phẩm, viên kẽm hay các loại thực phẩm chức năng.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: giai đoạn bé hấp thu kẽm chủ yếu là từ sữa mẹ. Vì vậy, mẹ nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Mẹ hãy ăn các món chứa nhiều kẽm như: trứng, sữa, các loại thit đỏ… hoặc dùng thực phẩm chức năng bổ sung kẽm. Trong giai đoan này hãy nhớ rằng: bé có đủ kẽm hay không phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ.
- Trẻ từ 6 – 24 tháng: đây là giai đoạn ăn dặm nên bé có thể bổ sung thêm kẽm từ thực phẩm ăn hàng ngày. Cho con ăn những món chứa nhiều kẽm cũng đồng nghĩa với việc cung cấp cho cơ thể bé một lượng kẽm nhất định.
- Trẻ trên 2 tuổi: giai đoạn này ngoài bổ sung kẽm từ khẩu phần ăn, mẹ có thể cho bé dùng thêm viên kẽm hoặc các loại siro ăn ngon cho bé có thành phần chứa kẽm. Lưu ý chọn sản phẩm chất lượng, uy tín và nguồn gốc rõ ràng mẹ nhé!
Liều lượng
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, liều lượng kẽm cần bổ sung cho trẻ em chia thành 2 nhóm: liều bổ sung dinh dưỡng và trường hợp điều trị bệnh lý.
Với trường hợp bổ sung dinh dưỡng hàng ngày liều lượng như sau:
- Dưới 6 tháng tuổi: 2mg/ ngày
- Từ 7- 12 tháng tuổi: 3 mg/ ngày
- Từ 4 – 8 tuổi: 5mg/ ngày
- Từ 9-13 tuổi: 8mg/ ngày
- Trên 14 tuổi: bé gái cần 9mg/ngày; bé trai cần 11mg/ ngày
Trường hợp điều trị bệnh lý:
- Dưới 6 tháng tuổi: 10 mg/ngày trong 10-14 ngày.
- 6 tháng tuổi trở lên: 20 mg/ngày trong 10-14 ngày.
Thời gian bổ sung kẽm tốt nhất là sau bữa ăn 30 phút. Đây là khoảng thời gian phù hợp để cơ thể tăng khả năng hấp thu kẽm và giảm đào thải.
Tùy theo thể trạng của từng bé mà thời gian bổ sung kẽm sẽ khác nhau. Đối với trường hợp dùng kẽm để điều trị tiêu chảy cấp thì nên bổ sung từ 10-14 ngày.
Trong trường hợp hỗ trợ hàng ngày với liều thấp có thể duy trì từ 2-3 tháng, thường thì 1kg cân nặng sẽ cần bổ sung 0,5 – 1,5mg kẽm.
Tốt nhất mẹ nên nhờ sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa, không nên tự bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn vì tình trạng thừa kẽm sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Tuyệt đối không được bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn trong thời gian dài vì sẽ làm mất cân bằng và làm cản trở hấp thu các nguyên tố vi lượng như: canxi, sắt, đồng…
5. Một số lưu ý khi bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn
Trong quá trình bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn mẹ cần chú ý 2 vấn đề sau:
- Kết hợp với vitamin C: kẽm và vitamin C có nhiều tác dụng giống nhau, khi kết hợp 2 dưỡng chất này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng, đẩy nhanh quá trình hấp thu và tăng sức đề kháng.
- Không bổ sung kẽm và canxi, sắt cùng lúc: canxi là khoáng chất có khả năng làm giảm khả năng hấp thu và tăng bài tiết kẽm trong cơ thể. Bên cạnh đó, mẹ cũng không nên cho bé dùng kẽm và sắt cùng lúc, tránh làm giảm hiệu quả của chúng. Bổ sung kẽm xong, 2 tiếng sau mới cho bé dùng sắt.
6. Tác hại của việc bổ sung kẽm sai cách
Kẽm quan trọng là thế, tuy nhiên nguyên tố vi lượng này cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của bé khi bổ sung quá liều.
Dưới đây là một số biểu hiện của trẻ thừa kẽm hay gặp phải:
- Buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
- Mệt mỏi, ho sốt, đau đầu.
- Cản trở việc hấp thu sắt, nếu bổ sung kẽm quá nhiều có thể dẫn đến sự thiếu hụt sắt và đồng.
- Làm giảm tác dụng của một số thuốc kháng sinh và ảnh hưởng đến nhiều chu trình sinh hóa khác trong cơ thể.
- Đối với trẻ em, nếu bổ sung 25-50 mg/ngày sẽ gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính.
Vì tất cả những lý do trên, khi bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn mẹ cần hỏi ý kiến và tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, nên bổ sung kẽm dưới dạng dung dịch để tăng khả năng hấp thu và kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Mẹ có thể bổ sung kẽm thông qua sữa mẹ, sữa công thức và những món ăn chứa nhiều kẽm. Quá trình hấp thu kẽm từ thức ăn chủ yếu diễn ra ở ruột non và kẽm trong thực vật khó hấp thu hơn động vật.
Tuy nhiên, trong quá trình chế biến thực phẩm sẽ có một lượng kẽm nhất định bị hao hụt nên mẹ vẫn có thể dùng các sản phẩm thay thế khác như: viên kẽm, siro ăn ngon cho bé… để đảm bảo hàm lượng kẽm cho cơ thể trẻ.
Trên thị trường hiện nay có 2 loại chế phẩm kẽm: kẽm sinh học và kẽm tổng hợp
- Kẽm sinh học: có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên. Loại kẽm này được chiết tách từ nguồn thực phẩm hữu cơ, giống như cách cơ thể hấp thu kẽm từ thức ăn.
- Kẽm tổng hợp: được sản xuất từ các phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm của nhà máy dược phẩm.
Vì lý do trên mà khả năng hấp thu vào trong máu của kẽm sinh học gấp 3,7 lần so với kẽm tổng hợp. Ngoài ra kẽm sinh học cũng an toàn hơn vì được chiết tách từ tự nhiên.
7. Những loại thực phẩm chứa nhiều kẽm cho trẻ em
Thiếu kẽm sẽ dẫn tới chán ăn, ăn không ngon miệng. Vì vậy, bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn từ những loại thực phẩm bé yêu thích sẽ giúp con cải thiện sức khỏe và ăn ngon miệng hơn.
Dưới đây là 8 loại thực phẩm chứa nhiều kẽm mẹ nên cho bé ăn.
7.1. Thịt đỏ
Những loại thịt có màu đỏ như: thịt bò, thịt heo lạc, thịt cừu…có hàm lượng kẽm rất dồi dào, đặc biệt là thịt bò. Ngoài ra, thịt đỏ còn là nguồn cung cấp dưỡng chất như vitamin B, sắt…
Tuy nhiên, mẹ không nên chế biến quá kỹ để tránh làm hao hụt lượng kẽm có trong thịt.
7.2. Trứng
Mặc dù trứng không chứa nhiều kẽm như thịt đỏ nhưng nó cũng cung cấp cho cơ thể bé một lượng kẽm vừa đủ, đặc biệt là lòng đỏ.
Theo tính toán, một quả trứng lớn chứa khoảng 5% lượng kẽm yêu cầu của ngày. Ngoài ra, trứng còn bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như vitamin B, selen…
Nhìn chung, đây là một loại thực phẩm dễ kiếm và dễ chế biến, mẹ đừng bỏ qua nhé!
7.3. Sữa
Sữa hay các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua…chứa một loạt các dưỡng chất, trong đó có kẽm. Điểm đặc biệt là kẽm trong sữa được cơ thể hấp thụ tối đa.
Sữa cũng cung cấp các dưỡng chất như: canxi, vitamin D, protein… tất cả đều rất có lợi, đặc biệt là những bé còi xương, suy dinh dưỡng.
7.4. Động vật có vỏ
Sò, tôm, cua, hàu… là nguồn thực phẩm cung cấp kẽm dồi dào mà lại chứa ít calo và lành mạnh với sức khỏe.
Tuy nhiên, mẹ hãy lưu ý xem bé nhà mình có bị dị ứng với những thực phẩm trên hay không để từ đó chọn lọc và đa dạng khẩu phần ăn của con.
7.5. Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc như: lúa mì, gạo, yến mạch… không chỉ chứa kẽm mà còn cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng với sức khỏe, như: chất xơ, vitamin B, magie, sắt, phốt pho…
Tuy nhiên, trong ngũ cốc lại chứa phytates – một chất có thể làm giảm khả năng hấp thụ kẽm của cơ thể. Mẹ nên lưu ý điều này!
7.6. Các loại hạt và cây họ đậu
Các loại hạt như: bí, vừng, điều, đậu phộng, đậu Hà Lan….được nhiều mẹ lựa chọn bởi chúng rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ, sắt và kẽm. Trong đó, đậu Hà Lan là loại hạt chứa hàm lượng kẽm rất cao, theo tính toán cứ 100g đậu Hà Lan có tới 5mg kẽm.
Ngoài cách ăn thông thường, mẹ có thể xay thành bột pha uống hàng ngày để bổ sung protein, rất tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, các họ đậu như: đậu hà lan, đậu tương, đậu xanh….cũng chứa phytates (tương tự ngũ cốc) làm giảm hấp thụ kẽm và các khoáng chất khác. Vì vậy, mẹ có thể dùng đậu lên men hoặc đậu mầm ngâm để tăng tính hấp thu.
7.7. Socola đen
Socola đen chứa hàm lượng kẽm vừa phải, một thanh sôcôla đen 100gr chứa 3,3 mg kẽm, cung cấp 30% lượng yêu cầu cho cơ thể mỗi ngày.
Mặc dù có nhiều dưỡng chất nhưng socola đen lại chứa nhiều calo, vì vậy mẹ chỉ nên bổ sung một lượng nhỏ cho bé.
7.8. Rau củ
Thực phẩm có nguồn gốc thực vật không chứa lượng kẽm dồi dào như động vật nhưng các mẹ vẫn nên bổ sung rau củ vào khẩu phần ăn của bé.
Tuy nhiên, củ cải trắng lại chứa khá nhiều kẽm. Trung bình, cứ 100g củ cải trắng lại chứa 11 mg kẽm. Ngoài ra loại củ này còn rất giàu vitamin B.
Mặc dù rau củ có hàm lượng kẽm thấp nhưng lại bổ sung chất xơ, khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể, mẹ không nên bỏ qua.
7. Lời kết
Có thể nói, kẽm là nguyên tố vi lượng đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé biếng ăn. Việc bổ sung kẽm với hàm lượng vừa đủ là điều cần thiết nếu bé đang rơi vào tình trạng này.
Ngoài khẩu phần ăn hàng ngày, mẹ có thể bổ sung thêm cho con từ các loại thực phẩm chức năng, nhưng hãy nhớ: không được tự ý làm mà phải có sự chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
Chúc mẹ thành công, chúc bé luôn đủ kẽm và phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Cảm ơn mẹ đã theo dõi bài viết!