Mẹ đã biết cách hâm sữa như thế nào cho đúng chưa?
Làm sao để sữa đạt nhiệt độ yêu cầu mà vẫn giữ được dưỡng chất vốn có?
Cách hâm sữa mẹ như thế nào? Cách bảo quản ra sao?
Hãy cùng mình tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Hiểu đúng về hâm sữa
Nhiều người thường có quan niệm rằng: sữa mẹ nếu hâm nóng sẽ bị mất chất dinh dưỡng nên thường cho con bú sữa rã đông ở nhiệt độ thường.
Điều này không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng vì dưỡng chất trong sữa mẹ có mất hay không phụ thuộc vào cách hâm.
Các kháng thể và vitamin trong sữa mẹ không mất đi hoàn toàn mà chỉ hao hụt khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc gặp tác động mạnh, còn nếu hâm ở nhiệt độ thích hợp thì điều này không xảy ra.
Với sữa mẹ, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được nhiệt độ và thời gian hâm để không ảnh hưởng tới chất lượng sữa.
Nhiệt độ thích hợp nhất để hâm sữa là 37 độ. Mức nhiệt này tương đương với thân nhiệt của mẹ, khi đó bé sẽ có cảm giác như bú trực tiếp. Ngoài ra, mẹ hãy chú ý tới thời gian hâm sao cho phù hợp.
Có rất nhiều cách hâm sữa mẹ như: dùng máy hâm sữa, ngâm nước, dùng lò vi sóng… nhưng không phải cách nào cũng hiệu quả và an toàn.
Trong tất cả những cách trên, sử dụng máy hâm sữa là đảm bảo nhất vì thiết bị này có khả năng giữ nhiệt ở một mức cố định và giữ được tỷ lệ dưỡng chất trong sữa.
Cha mẹ tuyệt đối không được hâm sữa bằng lò vi sóng, phương pháp này không những làm giảm chất lượng sữa mà còn tiềm ẩn những nguy cơ xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé.
Mình biết có nhiều mẹ vì sợ con đói nên thường rã đông sữa bằng lò vi sóng, ngâm nước sôi, đun trên bếp… Những hành động này sẽ khiến sữa bị quá nóng, không chỉ làm thay đổi cấu trúc hóa học, đặc tính vật lý của sữa mà còn mất công đợi nguội mới cho bé uống được, đến lúc đó thì chất lượng sữa đã giảm đi khá nhiều rồi.
Mẹ biết không?
- Hâm sữa bằng lò vi sóng tuy nhanh và tiện lợi nhưng nhiệt lượng sữa sẽ không đều, chỗ nóng chỗ lạnh và có thể khiến bé bị bỏng. Hơn nữa, lò vi sóng là thiết bị phát ra sóng điện từ rất mạnh, có thể phá hủy các vitamin, tiêu diệt kháng thể và làm hao hụt dưỡng chất trong sữa mẹ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mẹ hãy đọc >>> Có nên hâm sữa bằng lò vi sóng?
- Trong khi đó, với cách hâm bằng nước nóng hoặc đun sôi trên bếp thì không thể kiểm soát được nhiệt độ, không biết lúc nào sữa đạt nhiệt độ yêu cầu. Ngoài ra, nhiều mẹ vì không muốn con chờ lâu nên hay lắc bình để sữa nhanh ấm, hành động này vô tình phá hủy cấu trúc phân tử, chất lượng sữa không còn được như ban đầu.
Vì vậy, cách tốt nhất là mẹ nên sắm một chiếc máy hâm sữa để có thể kiểm soát được nhiệt độ và thời gian hâm, thiết bị này sẽ giúp mẹ bảo toàn được dưỡng chất trong sữa.
Cách hâm sữa mẹ chuẩn nhất
Sữa mẹ trước khi hâm có 2 loại: sữa để trong ngăn đá (trữ đông) và sữa để trong ngăn mát. Mỗi loại sẽ một cách hâm riêng để đảm bảo chất lượng sữa ở mức cao nhất.
1. Cách hâm sữa mẹ trữ đông
Trước khi hâm mẹ hãy chuyển bịch sữa đông xuống ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 8 tiếng để sữa tan dần.
Trong trường hợp cần ngay, mẹ hãy ngâm túi sữa trong nước đun sôi để nguội, đảm bảo miệng túi luôn kín khít để nước không tràn vào trong.
Nếu máy hâm sữa có chức năng rã đông mẹ có thể sử dụng chức năng này để đẩy nhanh quá trình hâm.
Sau khi rã đông mẹ hãy tiến hành các bước sau:
Hâm bằng nước ấm
Đây là cách đơn giản nhất và nó dành cho những mẹ không có máy hâm sữa.
Trước tiên, đặt bình/túi sữa vào một tô nước ấm có nhiệt độ dưới 40 độ C. Nếu nước quá lạnh bé sẽ chán ăn, còn quá nóng thì có nguy cơ bị bỏng và làm mất dưỡng chất trong sữa.
Tốt nhất, sau khi hâm mẹ hãy nhỏ vài giọt lên vùng da non trên cánh tay để thử độ nóng của sữa trước khi cho bé bú.
Dùng máy hâm sữa
Cách này nhàn hơn vì không phải kiểm tra nhiệt độ sữa.
- Bước 1: Đảm bảo khoang hâm, khay chứa dụng cụ của máy đã sạch sẽ.
- Bước 2: Đặt bình/túi sữa vào máy.
- Bước 3: Đổ nước sạch vào khoang hâm. Chú ý mức nước phải cao hơn mức sữa trong bình nhưng không được đổ quá đầy.
- Bước 4: Kết nối nguồn điên, bật máy và chọn nhiệt độ hâm từ 37 – 40 độ.
- Bước 5: Hâm xong, máy sẽ báo hiệu bằng đèn hoặc âm thanh, mẹ lấy ra, khuấy đều và kiểm tra nhiệt độ rồi cho bé uống.
Nhìn chung, với máy hâm sữa mẹ chỉ việc đặt bình/túi sữa vào máy sau đó chọn nhiệt độ, thời gian theo nhu cầu là được, chỉ vài phút sau bé sẽ có ngay một bình sữa ấm để tu ti.
Trong trường hợp bé chưa uống ngay, mẹ hãy chuyển sang chế độ giữ ấm và đợi đến giờ rồi lấy cho bé ăn. Tuy nhiên, mẹ không nên lạm dụng chức năng này, chỉ nên giữ ấm sữa trong thời gian ngắn, tối đa 20 phút.
Máy hâm sữa có 2 loạ: dùng nước và không dùng nước. Tùy theo nhu cầu và điều kiện kinh tế mà mẹ chọn mua loại phù hợp, chỉ cần sử dụng theo hướng dẫn và đảm bảo 2 yếu tố nhiệt độ và thời gian là được.
2. Cách hâm sữa mẹ ngăn mát
Với sữa để trong ngăn mát, mẹ chỉ việc ngâm trong nước ấm hoặc dùng máy hâm sữa, chỉ cần đảm bảo nhiệt độ hâm trong khoảng 37 – 40 độ là được. Cách thực hiện tương tự như trên.
Khi hâm, nếu đựng sữa trong túi phải đảm miệng túi kín khít để nước không tràn vào trong. Ngoài ra, sữa đã hâm phải dùng hết, nếu bé bú không hết mẹ hãy uống thay con, không được bảo quản tiếp.
Một số lưu ý khi hâm sữa
Cho dù hâm sữa bằng nước hay bằng máy thì mẹ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Đảm bảo nhiệt độ sữa sau khi hâm nằm trong ngưỡng 37 – 40 độ.
- Trước khi cho bé uống hãy lắc nhẹ bình sữa, tránh thao tác quá mạnh làm ảnh hưởng đến cấu trúc phân tử trong sữa.
- Các dụng cụ, thiết bị hâm phải sạch sẽ và được tiệt trùng.
- Nếu bé bú không hết thì đem bỏ, không được hâm đi hâm lại nhiều lần hoặc bảo quản tiếp.
- Vật dụng trữ sữa phải bằng thuỷ tinh hoặc nhựa an toàn, không chứa chất độc hại và có thể rửa sạch, dùng lại nhiều lần, với túi trữ sữa nên dùng loại hai lớp có dây kéo.
Một vấn đề mà mình phải nhắc lại đó là: tuyệt đối không được dùng lò vi sóng để rã đông và hâm sữa mẹ.
Cách bảo quản sữa mẹ
Tiếp theo, mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm bảo quản và trữ sữa mẹ. Thực tế thì những điều này mình đã nói rất chi tiết trong bài >>> Cách duy trì sữa mẹ khi đi làm trở lại nếu quan tâm mẹ có thể đọc để bổ sung kiến thức.
1. Dụng cụ bảo quản
Tùy vào nhu cầu ăn của con mà mẹ chọn dụng cụ đựng sữa phù hợp. Ví dụ như bé được 6 tháng thì một ngày uống hết 3 bình 150ml và một bữa ăn dặm. Mẹ hãy mua 4 bình có nắp đậy và túi trữ sữa.
- Bình sữa: mua bình thủy tinh, silicone hay nhựa đều được, nhưng phải đảm bảo chất liệu không chứa BPA và các chất độc hại. Với bình thủy tinh, trong quá trình ăn mẹ không nên để con cầm, tránh rơi vỡ. Ngoài ra, nên mua bình có kiểu dáng và nắp giống nhau để có thể dùng chung và phù hợp với máy hút sữa.
- Túi trữ sữa: nên mua loại hai lớp và có dây kéo.
Mẹ hãy mua một chiếc bút lông dầu để ghi thời gian bắt đầu trữ sữa lên bình/túi để biết được hạn sử dụng. Thường thì bình sữa đặt ở ngăn mát để con uống trong ngày, còn túi sữa thì để trữ đông trên ngăn đá.
2. Cách bảo quản và trữ sữa
Tùy vào lượng sữa và nhu cầu ăn của con mà mẹ trữ với lượng phù hợp. Sữa hút ra trong cùng một ngày thì trữ chung trong một bình/túi; còn khác ngày phải để riêng.
Sữa vắt ra hãy đong đủ mỗi bình/túi 150ml cho một lần ăn sau đó đặt vào tủ lạnh.
- Trữ trong ngăn mát: để được 48 tiếng, mỗi lần ăn chỉ cần lấy một bình ra hâm. Trong trường hợp bé ăn không hết thì bỏ, không nên bảo quản tiếp.
- Trữ trong ngăn đá: nên dùng túi để tiết kiệm không gian tủ lạnh. Nếu có một chiếc tủ lạnh chỉ dùng để trữ sữa mẹ thì đó là điều tuyệt vời, nếu tủ còn đựng thức ăn thì nên mua túi có dây kéo, sau đó đặt ngăn cách, tránh nhiễm khuẩn chéo.
Việc bảo quản và trữ sữa mẹ được bao lâu phụ thuộc vào loại nhiệt độ môi trường.
- Trên 26 độ C: 1 tiếng
- Dưới 26 độ C: 6 tiếng
- Ngăn mát tủ lạnh: 48 tiếng
- Ngăn đá tủ lạnh nhỏ (loại một cánh): 2 tuần
- Ngăn đá tủ lạnh to (2 cánh): 3-4 tháng
- Tủ đông chuyên dụng: 6 tháng
Đó là là toàn bộ chia sẻ của mình về vấn đề hâm sữa và bảo quản sữa. Hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp mẹ chăm con tốt hơn.
Nếu có thắc mắc hay kinh nghiệm gì mẹ vui lòng comment phía dưới. Cảm ơn mẹ đã đọc bài viết!