Thật không vui chút nào khi sở hữu một làn da khô và đó là vấn đề nhiều người đang gặp, bất kể độ tuổi nào. Nếu không chăm sóc da mặt khô thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng mẩn đỏ, nứt và nhiễm trùng.
Giữ ẩm cho da khô là điều quan trọng, một quy trình tốt sẽ giúp làn da của bạn ẩm hơn, mịn màng hơn và tràn đầy sức sống.
Trong bài này mình sẽ chia sẻ 10 bước chăm sóc da mặt khô ngay tại nhà mà không cần đến những phương pháp điều trị tốn kém khác.
1. Da khô là gì?
Để thực hiện tốt các bước chăm sóc da mặt khô bạn cần hiểu rõ da khô là như thế nào?
Da khô là loại da thiếu ẩm do thiếu sự tích tụ nước ở cả bề mặt da lẫn tế bào biểu bì. Tình trạng da khô có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, nam hay nữ.
Tuy nhiên, theo những nghiên cứu mới đây, định nghĩa da khô là da thiếu nước chỉ đúng 1 phần. Các nhà khoa học đã so sánh hàm lượng nước trong da khô và da dầu, kết quả cho thấy hai loại da này không có sự khác biệt.
Kết luận cuối cùng đưa ra rằng: ngoài yếu tố thiếu nước, da khô còn do tuyến bã nhờn hoạt động kém, dẫn đến điều tiết dầu lên bề mặt da kém.
2. Dấu hiệu nhận biết da khô
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là sự bong tróc và nứt nẻ. Tình trạng này khiến cho da mặt bạn trở nên thô ráp và để lộ các khuyết điểm như: xỉn màu, nếp nhăn, thiếu sức sống…
Một dấu hiệu nữa là sau khi rửa mặt khoảng 30 phút bạn sẽ cảm nhận được da thô ráp và sần sùi, kèm theo triệu chứng đau rát. Khi tiếp xúc với thời tiết quá lạnh hay quá nóng xuất hiện những vảy nhỏ li ti, cảm thấy ngứa và khó chịu.
Những người sở hữu da khô thường có lỗ chân lông nhỏ nên ít nổi mụn nhưng khi cười thường xuất hiện nếp nhăn ở trán, khóe miệng. Chính vì thế, tốc độ lão hóa của da khô diễn ra nhanh hơn so với loại da khác.
3. Nguyên nhân dẫn đến da khô
Có 2 nguyên nhân dẫn đến da khô là: tác nhân bên trong và tác nhân bên ngoài.
Tác nhân bên trong
Tác nhân bên trong chủ yếu do thói quen sinh hoạt, uống ít nước và không cấp ẩm khi da có dấu hiệu mất nước. Ngoài qua, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt cũng khiến cho da thiếu sức sống và bị khô.
Các loại vitamin, khoáng chất trong thực phẩm (rau củ quả) rất cần thiết cho quá trình cân bằng độ ẩm trên da, nếu không bổ sung kịp thời da sẽ thô ráp và thiếu sức sống.
Tuổi tác cũng là nguyên nhân khiến da khô. Như chúng ta đã biết, qua tuổi 25 lượng collgen trong cơ thể bắt đầu giảm và tái tạo chậm, làm da mất tính đàn hồi, căng và khô.
Collagen là chất kết dính các tế bào da với nhau, hỗ trợ quá trình trao đổi chất trên da, giúp da săn chắc và mượt mà hơn. Nếu thiếu hoạt chất này da sẽ nhanh khô, sần sùi và thiếu tính tự nhiên, quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn.
Di truyền và nội tiết tố trong cơ thể cũng là nguyên nhân khiến da khô. Yếu tố di truyền chúng ta phải chấp nhận còn rối loạn nội tiết cần phát hiện và điều trị sớm.
Nội tiết tố giữ vai trò điều hòa sự ổn định của cơ thể và da. Những ai có nội tiết tố bình thường sẽ sở hữu làn da căng mịn và rạng rỡ.
Ngược lại, nếu nội tiết tố biến động sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới da, cụ thể là da mặt khô, xuất hiện nhiều nếp nhăn và thâm nám, gương mặt trở lên thiếu sức sống.
Tác nhân bên ngoài
Hầu hết những tác nhân bên ngoài đến từ môi trường và cách chăm sóc da chưa đúng.
Mỗi khi trời lạnh, hanh khô hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ khiến da khô. Thói quen ngồi trong phòng điều hòa quá lâu hoặc ngồi đối diện luồng gió quạt máy cũng là nguyên nhân, kể cả khi thời tiết bình thường.
Có rất nhiều người thường rửa mặt bằng nước nóng, việc này hết sức sai lầm. Nước nóng khiến lỗ chân lông mở rộng và làm mất tuyến bã nhờn, da trở nên thô ráp, bong tróc và nhanh lão hóa.
Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng hay dùng mỹ phẩm không phù hợp với da sẽ gây kích ứng, mẩn đỏ, dần dần da trở nên sần sùi và khô ráp. Chính vì vậy, hãy phân biệt da mặt của bạn thuộc tuýp nào rồi dùng mỹ phẩm cho phù hợp.
Uống ít nước, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên ăn các món rán, nướng cũng là nguyên nhân dẫn đến da khô. Vì vậy, hãy uống nhiều nước cấp ẩm cho da và cơ thể.
Đừng quên các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho da như: vitamin A, E, B2, chất béo, kẽm…làn da sẽ cảm ơn bạn nhiều lắm đấy !
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng da khô đó là thiếu ngủ, hay buồn phiền, stress. Không riêng da mà các bộ phận kahcs trên cơ thể đều cần chủ nhân có một tâm lý thoải mái, vui tươi thì chúng mới khỏe mạnh được.
4. Bí quyết chăm sóc da mặt khô
Nếu sở hữu làn da khô bạn cần chăm sóc nó hàng ngày. Ở phần này mình sẽ chia sẻ với bạn 10 bước chăm sóc da mặt khô và có thể thực hiện ngay tại nhà, không cần đến những phương pháp tốn kém khác.
4.1. Tẩy trang sạch sẽ
Sau mỗi lần trang điểm, tẩy trang sạch sẽ là bước bắt buộc với người da khô để loại bỏ lớp phấn son, vi khuẩn bám trên da sau 1 ngày dài. Da mặt thông thoáng là tiền đề cho các bước chăm sóc tiếp theo.
Hãy dùng nước tẩy trang chuyên dụng sau đó thấm vào một miếng bông rồi chấm nhẹ lên da, lớp trang điểm sẽ nhanh chóng bị loại bỏ.
4.2 Rửa mặt
Rửa mặt là công việc chúng ta vẫn làm hàng ngày, nhưng với da khô không thể áp dụng cách rửa mặt thông thường. Bởi vì làn da này dễ bị bong tróc và dính bụi bẩn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Bạn cần tuân thủ các bước rửa mặt sau:
- Rửa mặt bằng nước nóng là sai lầm phổ biến trong cách chăm sóc da mặt mà nhiều người đang mắc phải vì nước nóng sẽ khiến da khô hơn. Hãy dùng nước ấm, bạn sẽ thấy thư giãn và thoải mái hơn nhiều.
- Rửa thật nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh làm tổn thương da
- Rửa mặt 2 lần/ngày. Nếu sử dụng máy rửa mặt thì chọn mức rung nhẹ và không dí mạnh vào da.
Muốn biết chi tiết hơn về rửa mặt thế nào là đúng, bạn có thể đọc rửa mặt đúng cách – 5 bước ai cũng làm được !
4.3. Dùng sữa rửa mặt
Với da khô hãy dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ và có độ PH trung tính. Sữa rửa mặt đảm bảo 2 yếu tố trên sẽ không phá hủy kết cấu tế bào da, tăng khả năng giữ ẩm và dầu tự nhiên trên da.
Nên chọn sữa rửa mặt có độ PH = 5,5 hoặc thấp hơn, thích hợp với da khô, tránh kích ứng da.
4.4 Dùng nước cân bằng da
Mặc dù đã rửa mặt tỉ mỉ và cẩn thận nhưng chưa thể loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn. Chất bẩn vẫn còn sót lại ở sâu trong lỗ chân lông. Vì vậy bạn cần dùng thêm nước cân bằng da (toner) để tối ưu hiệu quả làm sạch.
Nước cân bằng da không chỉ loại bỏ chất bẩn mà còn cấp ẩm và kiểm soát độ PH trên da. Chọn toner có chức năng dưỡng ẩm như: toner hoa hồng, toner trà xanh…Tránh toner chứa cồn, nó làm cho da thô ráp và nhạy cảm hơn.
Đây là bước tăng hiệu quả làm sạch trong quy trình chăm sóc da mặt khô, bạn không nên bỏ qua.
4.5. Tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết sẽ loại bỏ lớp sừng, mảng bám và vẩy da chết, trả lại làn da mịn màng. Không những thế, khả năng hấp thụ dưỡng chất của da sẽ tăng lên đáng kể.
Nên sử dụng các dòng máy rửa mặt nổi tiếng như: Foreo, Pebble Lisa… hoặc các loại mỹ phẩm, mặt nạ tự nhiên để tẩy tế bào chết.
Chú ý chỉ tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần để có hiệu quả cao nhất, nếu lạm dụng da sẽ mỏng đi, kích ứng và khô thêm.
4.6. Đắp mặt nạ
Đắp mặt nạ là bước tiếp theo sau khi tẩy tế bào chết, giúp bổ sung dưỡng chất và cấp ẩm cho da khô.
Nhìn chung, chẳng có phương pháp nào nhanh và hiệu quả bằng đắp mặt nạ, chi phí cũng không tốn kém. Có 2 loại mặt nạ được sử dụng chăm sóc da mặt khô, đó là mặt nạ tự nhiên và mặt nạ giấy.
- Mặt nạ tự nhiên: có tác dụng cấp ẩm cho da, đặc biệt là da khô. Dùng thường xuyên da bạn sẽ ẩm ướt và căng mịn hơn. Cái hay là bạn có thể tự làm bằng cách nguyên liệu tự nhiên như: dưa leo, mật ong, cà chua…
- Mặt nạ giấy: tác dụng tương tự như mặt nạ tự nhiên. Nên dùng mặt nạ giấy 2-3 lần/tuần để da được cấp ẩm đều đặn hơn.
4.7. Dùng xịt dưỡng ẩm
Xịt dưỡng ẩm chứa nhiều dưỡng chất có lợi và cấp ẩm ngay lập tức cho da. Đối với da khô đây là sản phẩm không thể thiếu, nó giúp da căng mướt mà mịn màng hơn.
Xịt dưỡng ẩm dùng mọi lúc mọi nơi vì nó cấp ẩm ngay lập tức. Bạn có thể dùng ngay sau bước toner hoặc xen kẽ giữa các bước dưỡng da để tăng hiệu quả.
4.8. Bổ sung dầu
Như đã nói ở trên, ngoài thiếu nước thì thiếu dầu cũng là nguyên nhân dẫn đến da khô. Do đó, bạn cần bổ sung dầu bằng những loại serum dầu.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng cần kiểm soát lượng dầu nếu không da sẽ thừa dầu, mặt lúc nào cũng bóng loáng thì thật xấu xí.
Không chỉ bổ sung dầu mà những loại serum trên thị trường hiện nay còn có chức năng kích thích da tiết dầu nhiều hơn, da không còn khô nữa.
Có thể bổ sung dầu bằng các nguyên liệu như: dừa, oliu. Đây là những chế phẩm tự nhiên an toàn và thân thiện với da khô.
4.9. Dưỡng da ban đêm
Sau khi cấp ẩm và bổ sung dầu bạn cần khóa chặt những dưỡng chất đó bằng cách sử dụng mặt nạ ngủ. Đây là bước cuối cùng trong toàn bộ quy trình chăm sóc da mặt khô.
Mặt nạ ngủ khóa chặt dưỡng chất và kiểm soát độ ẩm trên da, sáng mai thức dậy bạn sẽ thấy da rạng rỡ và mềm mịn hơn.
Mình biết có nhiều người thường bỏ qua bước này, điều đó là không nên chút nào. Tuy không thuộc tuýp da khô nhưng trước khi ngủ mình thường dùng mặt nạ ngủ để kết thúc quá trình chăm sóc da vào buổi tối. Cảm giác dễ chịu và yên tâm hơn rất nhiều.
4.10. Dùng kem chống nắng
Với những cô nàng da khô, dùng kem chống nắng là điều bắt buộc mỗi khi ra ngoài. Như đã biết, ánh nắng mặt trời chứa các tia UV có hại cho da, phá hủy kết cấu và hút nước trên da, làm da khô ráp.
Vì vậy hãy nhớ thoa kem chống nắng khi ra ngoài, tránh những tổn thương không mong muốn. Nên dùng kem chống nắng có chỉ SPF = 30 hoặc cao hơn để bảo vệ da một cách toàn diện.
5. Những lưu ý khác
Đó là toàn bộ quy trình chăm sóc da mặt khô, chỉ cần áp dụng đúng và đủ chắc chắn làn da khô sẽ nhanh chóng rời xa bạn. Ngoài các bước chăm sóc da bạn cần chú ý những vấn đề sau:
Ăn uống đầy đủ và sinh hoạt lành mạnh
Như đã nói ở trên, chế độ ăn phù hợp, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cho quá trình chăm sóc da hiệu quả hơn.
Nên uống nhiều nước để cung cấp cho cơ thể và làn da, không sử dụng các loại đồ uống có cồn như: rượu bia, cà phê… Thường xuyên tập thể dục thể thao, duy trì lối sống lành mạnh. Buổi tối nên đi ngủ sớm và không thức đêm. Chỉ như vậy bạn sẽ sớm nhận ra những thay đổi tích cực của da.
Dùng mỹ phẩm phù hợp
Với làn da khô, mỹ phẩm phù hợp là điều tối quan trọng. Sử dụng các loại mỹ phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc và không thích hợp sẽ gây ra hậu quả ngoài ý muốn.
Bạn nên chọn những thương hiệu mỹ phẩm có tiếng, xuất xứ rõ ràng và mua ở địa chỉ uy tín, có kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, hãy chú ý tới các chỉ số có trong mỹ phẩm như độ PH, SPF…
6. Lời kết
Đó là toàn bộ quy trình chăm sóc da mặt khô mình muốn chia sẻ với bạn. Cá nhân mình tuy không thuộc tuýp da khô nhưng hàng ngày vẫn áp dụng một số phương pháp để da khỏe đẹp hơn. Hy vọng nội dung trên có ích với bạn, giúp bạn cải thiện làn da khô tốt hơn.
Cuối cùng, nếu có kinh nghiệm trong việc chăm sóc da mặt khô bạn vui lòng chia sẻ thêm để mọi người cùng biết nhé. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết !
NỘI DUNG KHÁC: