Nội dung bài viết là chia sẻ cá nhân, không phải lời khuyên hay hướng dẫn !
Trong xã hội hiện nay, không khó để bạn bắt gặp hình ảnh một đứa trẻ cầm điện thoại trên tay, tập trung xem và không để ý đến những gì đang diễn ra xung quanh. Không chỉ nơi công cộng như quán ăn, quán cafe, công viên, khu vui chơi… mà ngay trong chính căn nhà bạn có lẽ hình ảnh đó diễn ra thường xuyên, từng ngày từng giờ.
Với cá nhân mình, đó thực sự là một hình ảnh đáng buồn, đáng suy ngẫm cho cả một thế hệ tương lai sau này. Bởi hậu quả của việc cho trẻ sử dụng điện thoại với cường độ cao đã được báo đài nói rất nhiều. Những căn bệnh như tự kỷ, trầm cảm, thị lực kém… là điều mà không bậc cha mẹ nào muốn xảy ra với con mình.
Nhưng làm sao để tình trạng đó không xảy ra?
Thực tế thì chẳng có cách nào để cấm hoàn toàn một đứa trẻ tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng…trong thời buổi công nghệ 4.0 hiện nay. Chúng ta chỉ có thể hạn chế và nhắc nhở con sử dụng sao cho hợp lý.
Mình cũng có con nhỏ, cũng cho con xem điện thoại, nhưng với kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, mình biết làm thế nào để con xem một cách hợp lý nhất, làm sao để con tiếp xúc với thiết bị công nghệ mà vẫn giữ được sức khỏe và tâm sinh lý phát triển bình thường.
Tất cả mình xin chia sẻ trong bài viết này !
1. Tác hại của điện thoại đối với trẻ em
Trước khi vào vấn đề chính, mình muốn nhắc lại một lần nữa về tác hại của điện thoại đối với trẻ em. Việc này có lẽ bạn đã nghe, đã đọc quá nhiều rồi, nhưng bạn đã hiểu và đã có hành động cụ thể để ngăn ngừa nó xảy ra với con mình chưa?
Thôi không vòng vo Tam Quốc nữa. Thực tế thì điện thoại chẳng có tác hại gì đối với trẻ em, vấn đề ở chỗ là cách chúng ta cho trẻ sử dụng như thế nào?
Nếu vài ngày bạn mới cho con xem một lần và xem những nội dung tốt thì ngược lại điện thoại trở thành vật có ích, giúp trẻ tiếp cận với công nghệ, biết thêm nhiều kiến thức. Nhưng mình chắc chắn rất ít người làm được việc đó, trừ những ai không có smartphone.
Vì bận rộn, kèm theo con nghịch, quấy phá khiến cha mẹ không thể làm việc nên họ thường đưa điện thoại cho con và không quan tâm con xem cái gì, trong thời gian bao lâu.
Chính vì bạn quá chú tâm vào công việc cá nhân cho nên đã vô tình đặt con mình vào một thế giới riêng, một thế giới chỉ có con và chiếc điện thoại cùng những nội dung mà bạn không thể kiểm soát nổi.
Dần dần như thế tạo thành thói quen trong thời gian dài, đến một thời điểm nào đó, hậu quả bắt đầu xảy ra và hậu quả đó chính là tác hại của việc cho trẻ xem điện thoại quá nhiều. Cụ thể như sau:
Ảnh hưởng đến sức khỏe
❌ Giảm thị lực: Điện thoại là thiết bị phát ra cường độ ánh sáng mạnh kèm theo những tia bức xạ có hại cho mắt, mà trong độ tuổi này mắt trẻ em còn rất yếu, chưa hoàn thiện. Cho nên việc để trẻ nhìn vào màn hình điện thoại một thời gian dài sẽ dẫn đến suy giảm thị lực và kéo theo các bệnh về mắt.
Theo mình biết, có trường hợp cha mẹ hay cho con xem điện thoại trong bóng tối nhiều còn dẫn đến mù mắt, cực kỳ nguy hiểm.
❌ Ảnh hưởng cột sống: Việc đưa điện thoại cho con xem trong nhiều tư thế (ngồi, nằm…) khác nhau trong thời gian dài ảnh hưởng tới cột sống, lưng, cổ…
❌ Ung thư não và chậm phát triển, kém thông minh: Các nhà khoa học đã chứng minh, không chỉ với trẻ em mà ngay cả người lớn nếu sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ khiến cho các khối u phát triển trong não và có thể dẫn tới ung thư.
Đặc biệt, khả năng hấp thu bức xạ phát ra từ điện thoại của trẻ em lớn hơn nhiều lần so với người lớn, từ đó dẫn đến trẻ chậm phát triển và kém thông minh hơn so với các bạn đồng trang lứa.
❌ Vi khuẩn: Điện thoại là thiết bị chúng ta sử dụng nhiều lần trong ngày và ở những môi trường khác nhau, cho nên có rất nhiều vi khuẩn, đến khi trẻ cầm vào nguy cơ nhiễm khuẩn dẫn các bệnh về tiêu hóa là rất cao. Nói chung điện thoại là vật rất bẩn?
❌ Các bệnh về tim mạch: Cũng giống như ung thư não, sử dụng điện thoại quá nhiều thì bức xạ phát ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch của trẻ, dẫn đến rối loạn chức năng tim mạch.
Ảnh hưởng tới tâm sinh lý
Đây là ảnh hưởng lớn nhất mà hiện nay rất nhiều gia đình đang gặp phải. Việc cho trẻ xem điện thoại quá nhiều sẽ dẫn đến nghiện, làm giảm khả năng tập trung vào những công việc khác như học tập, vui chơi.
Ngoài ra, việc bạn không kiểm soát được nội dung mà trẻ xem có thể khiến trẻ bắt chước những hành vi xấu, ảnh hưởng tiêu cực tới nhân cách và gây hậu quả khôn lường.
Mình từng nghe câu chuyện về một đứa trẻ vì xem quá nhiều phim siêu nhân, siêu anh hùng và bé nghĩ mình cũng có thể phóng lửa, bay nhảy, nhào lộn… giống như nhân vật đó, cho nên đã nhảy từ tầng 2 xuống sân, rất may là không ảnh hưởng tới tính mạng.
Trầm cảm, tự kỷ, ít nói…vì xem điện thoại quá nhiều, chắc bạn đã nghe rồi đúng không? Nguyên nhân của việc này đó là khi trẻ đã “nghiện” rồi thì điện thoại gần như là vật bất ly thân, chúng chỉ tập trung duy nhất vào những nội dung đang phát trên chiếc điện thoại mà không thèm quan tâm đến việc khác.
Việc không nói, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong thời gian dài sẽ dẫn đến trầm cảm, rối loạn phản ứng, thiếu tập trung và dần dần là tự kỷ.
- Có thể bạn quan tâm: Làm gì khi bé sốt mọc răng?
Bạn chỉ cần làm một phép thử, cầm điện thoại và xem trong khoảng 1-2 giờ liên tục, khi đứng dậy đã thấy đầu óc chao đảo rồi chứ đừng nói đến trẻ em, khi mà hệ thần kinh cũng như thể trạng của chúng chưa phát triển hoàn thiện thì làm sao chịu nổi.
Đừng đổ lỗi cho việc ” bố/mẹ quá bận rộn, không thể chơi với con mãi được” hay “con khóc quá, đưa điện thoại cho xem để con nín”, “con không chịu ăn, đưa điện thoại cho nó xem”…. Mọi việc đều có cách giải quyết hết, chẳng qua bạn chưa tìm hiểu và hành động mà thôi.
Tình cảm gia đình sụp đổ
Như đã nói ở phần trên, khi trẻ đã cầm điện thoại lên thì chúng gần như không nói, không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Việc dành phần lớn thời gian ở nhà để xem điện thoại đâu chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn khiến trẻ không giao tiếp với bất kỳ ai. Vậy tình cảm giữa con với cha mẹ nằm ở đâu khi chúng không nói, không rằng.
Để tạo dựng một mối quan hệ nào đó trẻ cần phải giao tiếp, nói chuyện và có những hoạt động cụ thể, dần dần sẽ tạo ra một sợi dây gắn kết vô hình giữa trẻ và những người xung quanh. Khi để con xem điện thoại quá nhiều tức là bạn đã xây một bức tường ngăn cách giữa cha mẹ và con cái.
Có những gia đình khi đi đâu hay ở chính ngôi nhà của họ, bố một chiếc điện thoại, mẹ một chiếc điện thoại và con cũng một chiếc điện thoại, tất cả cùng ngồi xem và không ai nói với nhau câu nào, đó chẳng phải là một “gia đình ma” hay sao?
Cho nên hãy đặc biệt chú ý tới vấn đề này, sự tiếp xúc giữa trẻ với những người thân là cực kỳ quan trọng, nó không chỉ giúp trẻ phát triển trí não mà quan trọng hơn là tình cảm giữa các thành viên trong gia đình sẽ trở lên gắn bó hơn.
2. Làm thế nào để cho trẻ xem điện thoại đúng cách?
Trong phần này mình quay trở lại với vấn đề chính của bài viết ngày hôm nay. Làm thế nào để cho trẻ xem điện thoại đúng cách?
Những điều chuẩn bị viết ra đây đều được mình đã và đang áp dụng với bé Gấu (chị) và rất thành công, còn bé Mèo (em) vì còn nhỏ nên mình chưa cho tiếp xúc với điện thoại cũng như các thiết bị công nghệ khác như tivi, máy tính bảng, máy quay phim…
✅ Đầu tiên là độ tuổi tiếp xúc với smartphone. Theo các chuyên gia trên thế giới thì không nên cho trẻ dưới 16 tuổi sử dụng điện thoại, nhưng quả thực trong xã hội hiện nay thì điều đó gần như là không thể vì 16 tuổi đã bước vào độ tuổi thiếu niên, bảo đến độ tuổi này mới cho dùng điện thoại thì khó, quá khó.
Bản thân mình chỉ cho con tiếp xúc với smartphone khi đã trên 2 tuổi. Bé Gấu lúc hơn 2 tuổi nhìn thấy bố mẹ cầm điện thoại cũng khá tò mò và tỏ ý muốn xem nhưng mình không đồng ý ngay mà dần dần qua thời gian mới để cho bé hiểu vật đó là điện thoại. Còn bé Mèo dưới 2 tuổi nên mình cấm hoàn toàn, chỉ nhìn thấy bé vô tình cầm điện thoại là thu lại ngay.
✅ Đến khi bé Gấu biết xem điện thoại và tivi thì mình cho phép con xem không quá 30 phút một ngày. Nhiều người sẽ nghĩ thời gian này là ít, thực tế không phải vậy. Thời gian cả ngày của bé chủ yếu là ở trường mầm non, tối về mới có điều kiện để xem và không phải ngày nào cũng cho bé xem 30 phút, ngày có ngày không, thậm chí 3, 4 ngày bé mới xem một lần.
✅ Không bao giờ mình xem điện thoại lâu trước mặt con, vì bé thấy là sẽ đòi. Ngoài ra, mình luôn chủ động tránh những tình huống có thể khiến cơn ham muốn tivi, điện thoại của bé nổi lên, ví dụ như khi bật tivi, bao giờ mình cũng vào thẳng những kênh thời sự, tin tức và không để bé thấy biểu tượng của Youtube hay trò chơi.
Bên cạnh đó, mỗi khi về nhà, ngoài vợ chồng mình thì các thành viên khác trong gia đình luôn trò chuyện hoặc dẫn bé đi chơi quanh xóm chứ không để bé một mình.
✅ Chẳng bao giờ mình dùng điện thoại để dỗ con ăn, kể cả con khóc không chịu ăn thì cũng kệ, cứ cố đút là sẽ ăn, dần thành quen. Hành động dỗ con ăn bằng điện thoại được rất nhiều bậc cha mẹ áp dụng, điều này không tốt chút nào vì nó tạo thói quen xấu cho trẻ, cứ như vậy đến khi cho con ăn lại phải mở tivi, điện thoại lên thì thật là tai hại. Nếu bạn đang làm thế thì hãy dừng lại.
✅ Trong quá trình xem, nếu có việc gì cần con ngừng thì mình không thu điện thoại một cách bất chợt mà từ từ dẫn dắt bé đến một vấn đề khác, sau đó mới lấy lại điện thoại, ví dụ như: “con ơi, ra mẹ cho cái này hay lắm”, “hôm nay đi học có phiếu bé ngoan không”, “con ơi, đi chơi với mẹ nhé”… Làm như vậy để trẻ không khó chịu khi đang say mê với một video hay trò chơi nào đó, bé sẽ không khóc và hờn trách mẹ.
✅ Về nội dung xem, luôn để ý bé xem cái gì. Mình chủ động tải ứng dụng Youtube Kids và một số ứng dụng dạng vừa học vừa chơi như Monkey Junior để bé có thể xem và tiếp cận với những nội dung sạch nhất. Bên cạnh đó, người lớn luôn là người bật tivi, chọn video cho bé xem, đã vài lần tỏ vẻ không thích nhưng với sự cương quyết của mình thì bé cũng chịu.
✅ Cuối cùng là cho dù có bận công việc cá nhân hay bé quấy khóc đòi mẹ đến mấy mình vẫn cố gắng sắp xếp công việc để không phải đưa điện thoại cho con. Trường hợp bất khả kháng, không còn cách nào khác mình cũng chỉ chịu bật tivi cho con xem một lúc, theo mình xem tivi đỡ hại hơn nhiều so với điện thoại.
Đó, trên đây là toàn bộ các biện pháp mình áp dụng cho con tiếp xúc với điện thoại, còn kết quả như thế nào mời bạn đọc phần kết nhé !
3. Lời kết
Đến đây có lẽ các bạn sẽ tò mò xem bé Gấu nhà mình phản ứng với những biện pháp trên như thế nào đúng không? Tất nhiên là bé hoàn toàn bình thường, ít đòi xem điện thoại, thời gian ở nhà bé chủ yếu dành để chạy nhảy, chơi với người lớn, các bạn trong xóm, thậm chí là chơi với những con vật trong nhà (chó, mèo).
So với những bạn cùng độ tuổi thì bé nhỏ con hơn nhưng nhanh nhẹn và thông minh hơn khá nhiều, nói gì hiểu liền. Đặc biệt là rất thích hát, khi được hơn 3 tuổi bé đã nhiều lần đứng trên sân khấu và biểu diễn trước hàng trăm người như ở đám cưới, lễ khai giảng hay hội trại hè.
Mình chỉ muốn nói rằng: việc cho trẻ xem điện thoại quá sớm và quá nhiều sẽ dẫn đến những hệ quả rất nguy hiểm. Thậm chí có thế thay đổi một đứa trẻ từ bình thường sang tự kỷ, trầm cảm và nhiều biến chứng khác.
Mình đã chứng kiến không ít trường hợp các bậc cha mẹ phải đưa con đi điều trị các bệnh về tâm sinh lý vì cho con xem điện thoại, tivi quá nhiều.
Vì thế ngay lúc này, nếu bạn đang như vậy thì hãy dừng lại ngay để cho con có một tuổi thơ ý nghĩa và trọn vẹn hơn. Không có công việc nào, lý do nào quan trọng hơn sự phát triển toàn diện của con đâu bạn ạ.
Cuối cùng, mình xin gửi tới các bạn bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Kevin Phạm có tên “Những đôi mắt đang chết dần” để chúng ta hiểu được sự nguy hại khi cho trẻ xem điện thoại quá nhiều.















Chúc bạn có những phương pháp tốt nhất trong việc cho con tiếp xúc với điện thoại và các thiết bị công nghệ. Nếu có góp ý hay kinh nghiệm gì, bạn vui lòng để lại bình luận phía dưới.
Cảm ơn đã đọc những chia sẻ trên ! Chúc bạn một ngày tốt lành !