Hiện nay nhiều mẹ thường cho bé ngậm ti giả và coi vật dụng này như người bạn đồng hành cùng con trong suốt những năm tháng đầu đời.
Hình ảnh các bạn nhỏ ngậm ti giả ở siêu thị, công viên, nơi công cộng đã không còn quá xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, khi cho bé ngậm ti giả các mẹ đã thực sự hiểu được lợi ích và tác hại của hành động này hay chưa? Có nên cho bé ngậm ti giả hay không?
Chúng ta hãy sẽ tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Lợi ích của việc cho trẻ ti giả
Như các mẹ đã biết, trẻ em thường có thói quen mút tay từ những năm tháng đầu đời, hành động này là do phản xạ bú mút đã được hình thành ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ.
Vì lý do trên, nhiều mẹ đã cho con sử dụng ti giả như một phương pháp đảm bảo vệ sinh và giúp bé không phải mút tay.
Ngoài ra, kiểu dáng và cấu tạo của ti giả rất giống ti mẹ, khi không thể cho bé bú thì đây được coi là cứu cánh cho các mẹ, bé sẽ không khóc và quấy nhiễu, mẹ có thêm thời gian tranh thủ làm việc khác.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, ngậm ti giả không chỉ giúp bé cảm thấy thoái mái, dễ ngủ, ngủ lâu hơn mà còn hạn chế nguy cơ đột tử khi ngủ. Lý do là vì ti giả sẽ tạo ra một khoảng trống giữa quần áo, khăn quấn, chăn gối… để giúp trẻ dễ thở hơn và không bị ngạt.
2. Tác hại của việc cho bé ngậm ti giả
Cho bé ngậm ti giả trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của răng, gây vẩu răng cửa, làm lệch khớp cắn và làm cho hàm răng của trẻ không khít về sau.
Ngậm ti giả cũng làm lưỡi của bé ở tư thế thấp, có xu hướng đưa ra phía trước, làm hở miệng và hàm dưới, nhìn khá xấu.
Khi bé ngâm ti giả quá nhiều cũng đồng nghĩa với lượng nước bọt tiết ra nhiều hơn và bé sẽ có nhiều cao răng hơn. Cùng với đó là hành động bú mút liên tục sẽ khiến cho không khí tràn vào cơ thể, gây ra hiện tượng đầy hơi.
Cuối cùng, ngậm ti giả trong thời gian dài khiến trẻ bị phụ thuộc vào vật dụng này, nếu không có ti giả bé sẽ khó chịu, khóc lóc, không chịu ngủ. Thậm chí có nhiều bé còn nghiện ti giả hơn ti mẹ và đây là điều không mẹ nào mong muốn.
3. Một số lưu ý khi cho bé ngậm ti giả
Nếu mẹ đã quyết định cho bé ngậm ti giả thì cần lưu ý về thời điểm và thời gian sử dụng.
Khi bé được 4 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho bé ngậm ti giả để con cảm thấy thoải mái hơn và cũng là tránh nguy cơ đột tử khi ngủ nhưng cũng không nên lạm dụng và phụ thuộc hoàn toàn vào nó.
Khi bé lớn hơn, mẹ cần hỗ trợ và hướng dẫn bé cai ti giả để tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con.
Trước tiên mẹ cần quản lý thời gian ngậm ti giả nhưng hãy để bé tự quyết định việc này. Nếu bé tiếp nhận thì không sao còn nếu kháng cự thì cũng không nên bắt ép. Mẹ có thể thử lại vào thời điểm khác hoặc tôn trọng sở thích của bé và bỏ ti giả đi.
Ngoài ra, mẹ không nên để bé ngậm ti giả thay vì bú mẹ. Tất nhiên, trong những hoàn cảnh bất đắc dĩ, phải để bé chờ bú thì ti giả thực sự hữu ích, còn trong hoàn cảnh bình thường, mẹ nên cho bé bú ngay khi có nhu cầu và chỉ ngậm ti giả lúc bé no.
Trước những giấc ngủ ngắn, mẹ hãy thử cho bé ngậm ti giả, nếu ti bị rơi ra trong lúc ngủ, mẹ không nên cố đặt lại vào miệng bé. Nếu bé tỉnh giấc giữa chừng mẹ hãy vỗ về, dỗ dành để bé nín và ngủ lại… nếu con vẫn khóc thì cho bú mẹ hoặc dùng ti giả.
Nhiều mẹ sợ rơi, thường dùng dây để buộc ti giả rồi quàng vào cổ con thế nhưng hành động rất nguy hiểm, có thể khiến trẻ bị ngạt khi cố kéo sợi dây. Tốt nhất mẹ hãy gắn vào quần áo của bé bằng sợi dây buộc núm ti giả cho trẻ sơ sinh để đảm bảo an toàn cho con.
Cuối cùng, các mẹ tuyệt đối không được làm sạch ti giả bằng cách cho vào miệng mút, làm như vậy vi khuẩn từ miệng mẹ sẽ lây sang con. Có một số mẹ thì lại nhúng núm ti vào nước ép hoa quả hoặc nước đường để bé thích thú hơn thế nhưng làm vậy sẽ khiến trẻ có nguy cơ sâu răng về sau.
Khi đã quyết định cho bé ngậm ti giả mẹ hãy mua những sản phẩm có nhãn mác và ghi rõ độ tuổi sử dụng bởi vì nếu cho trẻ lớn ngậm ti giả dành cho trẻ nhỏ thì rất có thể bé sẽ nuốt luôn núm ti và nghẹt thở.
Không nên chọn núm ti chứa Bisphenol A, chất này sẽ làm cho hệ sinh dục và não của trẻ phát triển không bình thường. Bên cạnh đó, mẹ nên chọn ti giả có lỗ thông khí trên phần đế, núm ti có hình dạng đối xứng để giúp bé giữ ở vị trí ngậm thích hợp.
Cuối cùng, luôn giữ núm ti sạch sẽ bằng cách thường xuyên rửa với nước ấm và thay thế ti mới khi có vết rách nhỏ hoặc bị cũ mòn.
4. Thời điểm nào nên dừng ngậm ti giả?
Trong quá trình ngậm ti giả, nếu quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây thì hãy ngừng cho bé ngậm ti giả, ít nhất là cho đến lúc vấn đề đã được giải quyết
- Thứ nhất: việc bé ngậm ti giả làm giảm số lần bú cũng như thời gian bú của bé: Ví dụ như trẻ sơ sinh nên bú ít nhất 8-12 lần mỗi ngày, bé nhà mẹ ngậm ti giả lại bú mẹ ít hơn 8 lần chẳng hạn.
- Thứ 2: bé gặp khó khăn trong việc ti mẹ. Lúc này, rất có thể bé đã thích ngậm ti giả hơn bú mẹ.
- Thứ 3: bé không tăng cân hoặc tăng chậm so với chuẩn.
- Thứ 4: sữa mẹ có chiều hướng ít đi. Điều này có nghĩa là bé thích ngậm ti giả và ít ti mẹ nên lượng sữa tiết ra cũng ít đi. Trong trường hợp này, mẹ cần cho bé ti nhiều hơn để kích thích sữa về và không cho bé ngậm ti giả nữa.
- Thứ 5: bé có hiện tượng tưa lưỡi và viêm tai giữa thì nên ngừng vì một số nghiên cứu khoa học cho thấy bệnh viêm tai giữa ở trẻ có liên quan đến việc ngậm ti giả.
Với ưu điểm là giúp trẻ giảm nguy cơ đột tử trong lúc ngủ, mẹ có thể cho bé ngậm ti giả đến khi 1 tuổi. Tuy nhiên, khi mà những tác hại của việc ngậm ti giả bắt đầu xuất hiện thì mẹ nên cho bé cai.
Hầu hết trẻ em sẽ tự bỏ ti giả trong giai đoạn từ 2 đến 4 tuổi, thế nhưng có một số bé lại cần phải có sự trợ giúp của cha mẹ để bỏ thói quen này.
Vậy cách cai ti giả như thế nào?
- Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi: mẹ hãy quấn bọc bé, đu đưa, hát hoặc cho bé nghe nhạc êm dịu kết hợp massage, đây được coi là phương pháp hiệu quả nhất để thay thế cho việc ngậm ti giả.
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: mẹ hãy dùng đồ chơi hoặc những món đồ thân thiết với bé để đánh lạc hướng mỗi khi con đòi ngậm ti giả.
- Trẻ từ 3 tuổi trở lên: trẻ ở độ tuổi này sẽ cai ti giả dễ hơn vì bé đã có nhận thức rõ ràng.
Có 1 cách khá hay đó là: mẹ hãy thử tổ chức một nghi lễ để tiễn biệt “người bạn” ti giả của bé hoặc chơi trò bán hàng để bé lấy ti giả của mình đổi lấy đồ chơi, bánh kẹo.
Cùng với những hoạt động trên, mẹ hãy kết hợp giải thích cho bé hiểu vì sao con không được ngậm ti giả nữa, làm như vậy chắc chắn bé sẽ nghe lời và tạm biệt người bạn đồng hành bao lâu nay.
5. Lời kết
Đó là toàn bộ chia sẻ của mình về việc có nên cho bé ngậm ti giả hay không. Nhìn chung, cái gì cũng có mặt lợi và mặt hại của nó, ti giả cũng vậy, quan trọng là mẹ phải biết cách sử dụng sao cho đúng để bé yêu luôn khỏe mạnh.
Chúc mẹ và bé thật vui, thật khỏe với ti giả. Cảm ơn mẹ đã đọc bài viết!