Lò vi sóng là thiết bị quen thuộc trong gian bếp gia đình Việt, nhờ tính tiện dụng nên ngoài hâm thức ăn thì những mẹ đang nuôi con nhỏ thường có thói quen hâm sữa bằng lò vi sóng.
Vậy hành động đó có tốt hay không? Lợi ích và tác hại của việc này là gì?
Chúng ta sẽ tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Có nên hâm sữa bằng lò vi sóng?
Câu trả lời là: KHÔNG
Không chỉ sữa mà tất cả các loại thực phẩm sau khi trải qua quá trình làm lạnh hoặc hâm nóng đều bị thay đổi về cấu trúc hóa học, đặc tính vật lý và thành phần dinh dưỡng.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) và Học viện nhi khoa Mỹ khuyến cáo: không nên hâm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng vì nhiệt lượng sữa sẽ không đều sau khi hâm, chỗ nóng chỗ lạnh.
Hành động này có nguy cơ làm bỏng trẻ và đặc biệt là làm hỏng sữa do các protein, vitamin bị phá hủy, chưa kể chai sữa cũng có thể phát nổ khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài.
Các bà mẹ thường có thói quen đựng sữa trong chai nhựa rồi bỏ vào lò vi sóng, khi gặp nhiệt độ cao các chất độc hại trong nhựa như BPA, phthalates, benzene, toluene… sẽ phân tán và hòa lẫn vào sữa, rất nguy hiểm.
Theo một nghiên cứu của tạp chí nhi khoa Mỹ khi tiến hành trên 22 mẫu thử, sữa được hâm trong lò vi sóng với khoảng thời gian chỉ 30 giây nhưng lượng vi khuẩn E-coli tăng lên gấp 18 lần so với trước đó.
Kể cả khi hạ nhiệt độ lò vi sóng xuống thấp vẫn làm giảm đáng kể hoạt động của lysozyme, một loại enzym có lợi trong sữa và kích thích vi khuẩn có hại tăng trưởng.
Nhưng chưa hết, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Agricultural and Food Chemistry đã chỉ ra rằng: nhiệt độ của lò vi sóng có thể làm mất 40% lượng vitamin B12 trong thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt như: bò, lợn.. và sữa mẹ hay sữa công thức cũng không ngoại lệ.
Lò vi sóng có chức năng chính là hâm thức ăn, nếu dùng để hâm sữa thì mùi thức ăn sẽ lẫn vào sữa và làm thay đổi hương vị, bé sẽ không muốn ăn, bỏ ăn, chán ăn.
Vì tất cả những cả lý do trên mẹ tuyệt đối không được hâm sữa bằng lò vi sóng.
Tác hại của lò vi sóng đối với phụ nữ mang thai
Không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ, lò vi sóng còn tác động xấu đến sức khỏe phụ nữ mang thai và thai nhi, cụ thể như sau:
Lò vi sóng là thiết bị phát ra sóng điện và bức xạ nhiệt, đặc biệt là những chiếc lò vi sóng cũ. Nếu thường xuyên tiếp xúc với bức xạ này có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng đến cấu trúc ADN và suy dinh dưỡng trẻ em.
Khi rò rỉ, sóng điện của lò vi sóng sẽ phát ra bán kính lên tới 12cm, đặc biệt là những sản phẩm đã cũ hoặc bị hỏng, phụ nữ mang thai đứng gần rất nguy hiểm, lâu ngày có thể dẫn đến sảy thai, dị tật thai nhi.
Ngoài ra, nếu mẹ thường xuyên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 thì không nên hâm bằng lò vi sóng.
Thiết bị này có thể làm mất đến 40% lượng vitamin B12 trong thực phẩm, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin B12 trong thời gian mang thai và đây là một trong những nguyên nhân gây khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.
Có nên dùng lò vi sóng hâm thức ăn cho trẻ?
Mẹ không nên dùng lò vi sóng để hâm sữa nhưng với thức ăn thì có thể dùng.
Về bản chất, thức ăn cho trẻ cũng giống như thức ăn người lớn, tuy nhiên trong quá trình hâm mẹ cần chú ý một số vấn đề sau:
Luôn đựng thức ăn bằng bát/đĩa thủy tinh hoặc sành sứ mỗi khi hâm, tuyệt đối không dùng vật liệu bằng nhựa hay kim loại.
Thức ăn khi hâm bằng lò vi sóng thường có nhiệt độ không đều, chỗ nóng vừa, chỗ nóng quá nên trước khi cho bé ăn mẹ hãy kiểm tra cẩn thận, tránh con bị bỏng. Tốt nhất mẹ nên đổ thức ăn sang một chiếc bát khác, trộn đều, để nguội rồi cho bé ăn.
Trước khi hâm hãy đậy kín thức ăn bằng nắp thủy tinh để tránh mất nước và chỉ hâm một lần duy nhất. Nếu bé ăn không hết thì bỏ, tuyệt đối không được hâm đi hâm lại, đồ ăn sẽ bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là ngộ độc.
Một số thực phẩm cho bé không nên dùng lò vi sóng để hâm hoặc làm nóng:
- Súp lơ xanh: loại rau này nếu hâm bằng lò vi sóng sẽ bị mất đến 97% chất chống oxy hóa. Vì vậy, mẹ nên hấp cho con ăn, với cách này chỉ mất khoảng 11% chất chống ôxy hóa, thấp nhất trong các hình thức nấu ăn.
- Trái cây đông lạnh: theo một công trình nghiên cứu tại Nga, trái cây khi được rã đông bằng lò vi sóng thì những chất có lợi sẽ bị chuyển hóa thành chất gây ung thư, cụ thể ở đây là gaclactacside và glucoside. Vì vậy, với loại thực phẩm mẹ nên để tự rã đông bằng cách để xuống ngăn mát hoặc trong môi trường nhiệt độ phòng.
- Thịt đông lạnh: thịt là thực phẩm khó rã đông nhất, khi nhiệt độ tăng đột ngột từ 4,5 tới 60 độ C, vi khuẩn trong thịt bắt đầu sinh sôi, nếu không nấu ngay sẽ rất nhanh bị thiu. Theo một nghiên cứu tại Nhật Bản, dùng lò vi sóng để rã đông thịt trong 6 phút có thể làm mất 50% lượng vitamin B12 trong thịt. Vì vậy, mẹ hãy rã đông thịt bằng cách chuyển xuống ngăn mát để qua đêm hoặc ngâm trong nước.
Công dụng chính của lò vi sóng là hâm nóng, nếu cháo hay thức ăn của bé đã được nấu chín, để trong tủ lạnh thì trước khi ăn mẹ có thể dùng lò vi sóng để hâm lại. Còn với những thức ăn có tính chất chế biến như xào, nấu thì mẹ nên dùng bếp để nấu lại.
Cách hâm sữa an toàn và hiệu quả
Cho dù bé uống sữa mẹ hay sữa công thức thì mẹ cũng không nên hâm bằng lò vi sóng mà hãy áp dụng những phương pháp hâm sữa khác.
Có một cách hâm sữa cho bé rất an toàn, tiện lợi mà không quá tốn kém đó là sử dụng máy hâm sữa, vừa tiết kiệm thời gian công sức, vừa đảm bảo chất lượng dinh dưỡng trong sữa.
Với thiết bị này, mẹ chỉ cần đặt bình vào máy, cắm điện và điều chỉnh nhiệt độ theo nhu cầu, chỉ vài phút sau bé đã có ngay một bình sữa để tu ti.
Nếu không có máy hâm sữa, mẹ hãy ngâm bình sữa vào bát nước ấm trong vài phút cho đến khi sữa đạt độ ấm thích hợp.
Lời kết
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của mình về việc có nên hâm sữa bằng lò vi sóng hay không?
Tóm lại, vì bất cứ lý do gì cha mẹ cũng không nên hâm sữa bằng lò vi sóng, hành động này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng sữa mà còn gây tác động xấu đến sức khỏe khỏe của mẹ.
Cha mẹ chỉ nên dùng lò vi sóng để hâm thức ăn cho bé nhưng hãy chú ý một số điều mình đã nói ở trên nhé.
Cuối cùng, nếu có thắc mắc hay góp ý gì về nội dung bài viết, mẹ vui lòng bình luận phía dưới. Cảm mẹ đã theo dõi bài viết, chúc mẹ và bé luôn mạnh khỏe!