bảo trâm blog logo

Những điều ít ai nói về hành trình mang thai và làm mẹ

hành trình mang thai
Chia sẻ bài viết

Mẹ cảm thấy thế nào khi biết tin mình có thai?

Lần đầu tiên cầm chiếc que thử thai với 2 vạch cảm xúc của mẹ thế nào? Là vui mừng, là lo lắng, sợ hãi, hay hoang mang tột độ?

Dù là gì chăng nữa thì cũng xin chúc mừng.

Bởi vì từ khoảnh khắc ấy, mẹ biết rằng: có một sinh linh bé bỏng đang nằm trong cơ thể mình –  điều đó thật tuyệt vời và ý nghĩa.

Hành trình mang thai luôn kỳ diệu, chắc chắn mẹ sẽ muốn tìm hiểu thật nhiều về những triệu chứng, biểu hiện và những vấn đề thường gặp trong suốt quá trình này.

Bằng nhiều cách khác nhau, từ sách vở, báo chí, từ kinh nghiệm của những người đã từng mang thai mẹ sẽ biết được nhiều thứ, nhưng có những điều chỉ có mẹ mới cảm nhận được cho dù người khác có nói hàng trăm lần đi chăng nữa.

Đau bụng kinh đã là gì, ốm nghén còn đáng sợ hơn.

Là phụ nữ, ai cũng phải trải qua những cơn đau bụng kinh từ nhẹ đến nặng và nó khiến mẹ cảm thấy thực sự mệt mỏi.

Đến khi mang thai mẹ có thấy vui vì chu kỳ kinh sẽ tạm ngưng trong một thời gian dài hay không?

Không, đừng mừng vội, vì ốm nghén sẽ còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần.

Dĩ nhiên, số ít phụ nữ mang thai không có biểu hiện ốm nghén. Nếu thuộc nhóm người đó thì xin chúc mừng, mẹ đã may mắn có được hành trình mang thai đỡ vất vả hơn những mẹ khác.

hành trình mang thai

Cũng giống như cơn đau bụng kinh, có người đau ít, có người đau nhiều. Tuy nhiên, nếu kỳ kinh chỉ diễn ra trong 5 đến 10 ngày thì ốm nghén sẽ kéo dài ít nhất là 1 tháng.

Thông thường, ốm nghén sẽ bắt đầu từ tuần thứ 6 của thai kỳ và kết thúc vào tuần thứ 15, thế nhưng cũng có trường hợp kéo dài suốt thai kỳ.

Ốm nghén nhẹ sẽ khiến mẹ xây xẩm mặt mày, mất ngủ, ăn không ngon và mệt mỏi. Còn nặng hơn, mẹ sẽ không thể ăn gì và mệt mỏi đến mức không thể hoạt động bình thường.

Mẹ sẽ trở nên sợ hãi những mùi vị mà trước đây mình từng yêu thích và sẽ ở trong toilet thường xuyên hơn để giải quyết những cơn buồn nôn chực chờ bất cứ lúc nào.

Chính vì sự khó chịu, mệt mỏi kéo dài nên những người đã từng mang thai thường ít khi kể chi tiết với mẹ, bởi đôi khi họ cũng không muốn nhắc lại quá nhiều về cơn ác mộng mang tên “ốm nghén“.

Vì vậy, khi bước vào hành trình mang thai, hãy chuẩn bị tinh thần đối mặt với ốm nghén mỗi ngày các mẹ nhé!

Những nỗi lo thường trực khi mang thai thì sao?

Tâm lý của mẹ sẽ trở nên nhạy cảm hơn, dễ cáu gắt hơn. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, mẹ sẽ nhận ra mình tinh tường hơn trong suốt quá trình mang thai.

Chỉ một cử động nhỏ của con, mẹ cũng có thể cảm nhận được. Thậm chí mẹ sẽ phân biệt được đâu là tiếng dạ dày đang sôi, đâu là âm thanh mà thiên thần bé bỏng đang tạo ra.

Điều này tuy có lợi cho việc kiểm tra sức khỏe thai nhi nhưng sẽ mang đến cho mẹ tâm lý căng thẳng thường trực.

Mẹ luôn cảm thấy lo lắng, liệu con có khỏe không, con đang làm gì vậy, sao hôm nay con ít đạp vậy?

Mỗi ngày trôi qua với hàng ngàn câu hỏi trong đầu sẽ khiến mẹ không có nhiều thời gian thư giãn như trước kia nữa.

Đau đẻ và đau sau sinh thì sao?

Các bà mẹ thường hỏi nhau rằng: “Sinh con có đau không?”.

Người bảo đau lắm, người bảo đau nhưng không đến nỗi nào, có người lại bảo đau khủng khiếp!!!

Nhưng có khi nào mọi người đã quên mất rằng những cơn đau sau sinh cũng rất tệ.

Vì rất ít người cảnh báo, vì khó nói hay vì cơn đau của mỗi người là khác nhau?

Kể cả sinh thường hay sinh mổ thì đây là cảm giác mà tất cả phụ nữ đều phải trải qua.

hành trình mang thai

Bản thân mình có thể chịu đau để sinh thêm vài em bé nữa nhưng nghĩ đến đau sau sinh thì lại cảm thấy rất khó khăn.

Tất nhiên, mình không muốn gây sự sợ hãi cho các mẹ đang chuẩn bị mang thai đâu nhưng một chút kiến thức về đau sau sinh sẽ giúp mẹ dễ dàng đối phó hơn.

Và đây:

Đau trong lúc chuyển dạ là cơn đau sinh lý và nó thường kết thúc sau khi bé chào đời. Tuy nhiên, cơ thể mẹ cần khá nhiều thời gian để phục hồi và đó chính là lý do mẹ phải trải qua những cơn đau sau sinh.

Mỗi người sẽ có biểu hiện khác nhau nhưng về cơ bản gồm những cơn đau sau:

Đau do co thắt dạ con. Đây là biểu hiện của tử cung đang trở về vị trí cũ và nó thường diễn ra sau khoảng 6 tiếng kể từ khi sinh.

Cơn đau này gần giống với đau chuyển dạ. Ở mức độ nhẹ, mẹ sẽ thấy bụng lâm râm hoặc có cảm giác như khi em bé đạp.

Ở mức độ cao hơn, đau do co thắt dạ con giống y như cơn đau chuyển dạ và mẹ sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu, thậm chí còn không thể nằm duỗi thẳng chân khi ngủ.

Thứ 2, đó là đau do táo bón, khó tiểu. Đây là cơn đau mà tất cả các mẹ sau sinh đều phải trải qua. Dù sinh thường hay sinh mổ, hệ bài tiết của mẹ sau khi sinh sẽ phải đối diện với vấn đề này.

Đau do táo bón, khó tiểu khiến cơ thể vô cùng nặng nề do thức ăn và nước bị tích tụ. Khi cố gắng bài tiết, cơn đau này thậm chí còn làm mẹ phải chảy nước mắt.

Vì vậy, hãy bổ sung men vi sinh, nước, chất xơ cho cơ thể để giảm thiểu những cơn đau sau sinh mẹ nhé!

Cuối cùng là đau do cương sữa. Nuôi con bằng sữa mẹ là điều vô cùng thiêng liêng và là giải pháp dinh dưỡng tốt nhất cho bé.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu, đa số các mẹ sẽ phải làm quen với việc tiết sữa, cùng với đó là một số vấn đề như cương sữa, tắc sữa, nấm đầu ti, áp xe…

Đau do cương sữa, tắc sữa có thể gây sốt và làm mẹ mất ngủ, đau nhức thường xuyên. Vì vậy, mẹ nên tìm hiểu về việc điều hòa tuyến sữa để có thể biện pháp xử lý, từ đó hạn chế các cơn đau sau sinh.

Mẹ sẽ cảm thấy lạ lẫm khi nhìn thấy con

Đây là điều mà chẳng ai nói cho mẹ biết trong suốt quá trình mang thai vì mọi người luôn nghĩ rằng: mẹ sẽ là người gần gũi và thân thuộc với con nhất vì đã nuôi dưỡng suốt 9 tháng 10 ngày.

Thế nhưng, khi bé chào đời, suy nghĩ đó nhiều khi không còn đúng nữa.

Cho dù mẹ có hình dung về con hàng ngàn lần qua ảnh siêu âm, hay tưởng tượng khuôn mặt con trong suốt thời gian mang thai thì khi chào đời con có thể sẽ không giống như những gì mẹ nghĩ.

Mẹ sẽ cảm thấy xa lạ với con?

Mẹ sẽ tự hỏi rằng liệu con có đúng là sinh linh mà mình đã mang trong bụng suốt 9 tháng 10 ngày qua hay không?

hành trình mang thai

Điều này nghe có vẻ vô lý và cả vô tình nữa nhưng thực tế là như vậy đó, rất nhiều bà mẹ sau khi sinh đã thú nhận cảm giác này là có thật.

Nhiều mẹ phải mất thời gian khá lâu mới có thể chấp nhận con trong một hình hài hoàn toàn lạ lẫm so với tưởng tượng.

Nhưng đừng quá lo lắng!

Mẹ sẽ dần quen với con và phải quên đi những hình dung trước đó  để đón nhận một sinh linh bằng xương bằng thịt đã ra đời.

Học làm mẹ lại từ đầu sau khi sinh.

Tại sao lại là “học lại từ đầu” sau khi sinh?

Kể từ khi biết mình mang thai cho đến lúc sinh con, dù ít hay nhiều ai cũng phải tìm hiểu về những kiến thức, kinh nghiệm làm mẹ, tức là đang học làm mẹ.

Nhưng mỗi em bé là một cá thể khác biệt, mẹ sẽ cảm thấy những kiến thức học trước đó sẽ không còn nhiều ý nghĩa, hoặc nếu có thì hiện thực cũng rất khác so với những gì mẹ tưởng tượng.

Và lúc này, hành trình làm mẹ sẽ được học lại từng phút, từng giây thông qua việc nuôi nấng và chăm sóc con hàng ngày.

Lời kết

Đó là 5 điều ít ai nói về hành trình mang thai và làm mẹ. Mình xin nhấn mạnh rằng, cho dù có những điều lạ lẫm và khó khăn, nhưng hành trình làm mẹ vẫn là hành trình tuyệt vời và thiêng liêng nhất trong cuộc đời của một người phụ nữ.

Chúc mẹ hạnh phúc và bình an trong suốt hành trình đó!

Nội dung khác

Nhận thông báo
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận

Xin chào ! Mình là Oanh

"Kẻ đứng sau" Bảo Trâm Blog
Bảo Trâm Blog mẹ và bé
error:
0
Mình rất muốn nghe ý kiến của bạn về bài viết này !x