Vậy là bé yêu của chúng ta đã được 3 tuổi, nhưng bỗng nhiên bạn nhỏ trở nên khó tính, thích ăn vạ, thích làm theo ý mình, thậm chí là ném đồ và hỗn hào với người lớn.
Mẹ đừng lo lắng quá, bởi vì bé đang bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 đấy!
Đây là giai đoạn mà hầu như trẻ nào cũng gặp, vì vậy hãy thời gian tìm hiểu, giải quyết cùng con và trong bài viết này mình sẽ giúp mẹ làm điều đó.
1. Nguyên nhân
Khi được 3 tuổi, trẻ bắt đầu hình thành ý thức về bản thân, biết mình là trai hay gái, biết nhận thức về thế giới xung quanh.
Lúc này, bé yêu nhà bạn đã tự ý thức về bản thân và nảy sinh ý muốn phân biệt mình với người khác. Trẻ bắt đầu thích nghe những đánh giá và nhận xét về mình, đặc biệt là rất thích được khen.
Cái “tôi” của trẻ rõ ràng nhất khi bé muốn tự làm mọi việc, muốn có quyền đối với mọi vật xung quanh, muốn trở thành người lớn ngay tức khắc và không muốn ai can thiệp vào hoạt động cá nhân.
Mong muốn được làm người lớn, được độc lập là động lực thúc đẩy cái “tôi” của trẻ lên 3 phát triển.
2. Biểu hiện
Mỗi bé sẽ trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 với những biểu hiện khác nhau, nhưng tựu chung lại đều tập hợp những biểu hiện sau:
- Phản ứng tiêu cực: Bé sẽ nói “không” với mọi thứ mà người lớn yêu cầu. Ví dụ như: không ăn, không uống, không ngủ, không thay đồ, không cất đồ chơi, …
- Bướng bỉnh: Bé thích làm theo ý mình dù biết điều đó là sai nhưng vẫn phải làm cho bằng được. Tất cả chỉ vì tính hiếu thắng và muốn khẳng định bản thân. Ví dụ như: đi dép trái, mặc quần áo dài khi trời nóng, không chịu đội nón khi ra đường…
- Chống đối: Bé sẽ làm trái lời cha mẹ hoặc thích làm những điều bị ngăn cấm. Khi không đạt được, bé sẽ phản kháng bằng cách khóc lóc, gào thét, mè nheo…
- Vô lễ và ích kỷ: một số bé sẽ có biểu hiện vô lễ hoặc đánh người lớn. Cùng với đó là thói quen không muốn chia sẻ cùng ai, muốn mọi thứ thuộc về mình…
Khủng hoảng tuổi lên 3 là hiện tượng phổ biến và có tính tạm thời, tình trạng này sẽ dần mất đi khi trẻ lớn lên, nhưng không ít bậc cha mẹ lo lắng, sợ con hư nên đã cư xử không khéo léo, lâu ngày dẫn đến chấn thương tâm lý.
3. Cách xử lý khi bé khủng hoảng tuổi lên 3
Khi trẻ rơi vào trạng thái này, cha mẹ cũng khủng hoảng theo con, stress, buồn bực và lo lắng… Nhưng như vậy không khác nào bạn đang bắt con gánh chịu áp lực lớn, trong khi con mới là người cần được giúp đỡ để cân bằng tâm lý.
Nhiều phụ huynh có xu hướng chọn một trong hai cách giải quyết đó là đàn áp hoặc chiều chuộng.
Theo các chuyên gia tâm lý, chiều chuộng theo “yêu sách” của trẻ chỉ khiến chúng càng lấn tới. Còn đàn áp là cách giáo dục phản khoa học và sẽ khiến cho tình hình tồi tệ hơn.
Vì vậy, khi thấy bé có dấu hiệu của khủng hoảng tuổi lên 3 cha mẹ cần bình tĩnh, không nên bực tức rồi dồn sang con, như vậy sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn, không khí gia đình căng thẳng, không ai kiểm soát được cảm xúc.
Một trong những biểu hiện thường gặp của khủng hoảng tuổi lên 3 đó là bé luôn muốn làm trái lời cha mẹ hoặc thích làm những điều bị ngăn cấm.
Khi không đạt được điều mình muốn, bé sẽ phản kháng bằng cách khóc lóc, gào thét, mè nheo… để đạt được mục đích.
Những lúc như thế này, cha mẹ không nên quát nạt hay đánh con, như vậy sẽ tạo cho bé tâm lý không được yêu thương. Thế nhưng nếu cứ thay nhau dỗ dành thì bé sẽ càng lấn tới.
Vì vậy, cha mẹ hãy áp dụng kỹ thuật “phớt lờ”, không nhìn trẻ mà chăm chú vào công việc khác. Dần dần bé sẽ nhận thức được rằng việc ăn vạ không có tác dụng và sẽ không mè nheo nữa, hoặc cha mẹ có thể chuyển sang vấn đề khác tạo sự chú ý để bé quên vấn đề mà mình đang quan tâm.
Nếu bé không chịu thực hiện theo yêu cầu của cha mẹ, thay vì ra lệnh, hãy khéo léo để bé có quyền lựa chọn. Chẳng hạn như: “con muốn uống sữa hay ăn xúc xích”, “con muốn mặc áo màu xanh hay màu đỏ?”.
Khi được quyền lựa chọn, bé sẽ cảm thấy hài lòng và vui vẻ hơn.
Khi lên ba, trẻ bắt đầu ý thức về khả năng của mình và nảy sinh nguyện vọng tự làm mọi việc, muốn chứng tỏ rằng: con có thể làm được.
Đây là cơ hội tốt để khuyến khích trẻ tự lập bằng cách để con tự mặc quần áo, tự xúc ăn, tham gia phụ giúp việc nhà theo khả năng, ví dụ như: giúp mẹ nhặt rau, lấy nước cho bố… Với sự định hướng của người lớn, dần dần trẻ sẽ làm tốt công việc được giao và hình thành thói quen tự lập.
Cha mẹ không nên sợ bé làm hỏng mà không cho con tự làm. Điều này sẽ khiến trẻ mất đi tính tự lập, dần dần tạo thói ỷ lại.
Khi bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 trẻ sẽ muốn mua những món đồ yêu thích. Nếu luôn được đáp ứng thì mặc nhiên bé sẽ nghĩ rằng cứ đòi là được, nếu không sẽ tiếp tục “làm mình làm mẩy” đến khi được đáp ứng thì thôi.
Vì vậy cha mẹ cần có thái độ dứt khoát để bé hiểu rằng: không phải cứ ăn vạ là sẽ giải quyết được vấn đề.
Với những món đồ hợp lý, mẹ có thể mua con bằng cách tích lũy điểm thưởng mỗi ngày khi có hành vi tốt. Cứ như vậy, bé sẽ hiểu lý lẽ và biết rằng món quà đó là do sự nỗ lực, cố gắng của bản thân.
Với hành vi vô lễ, khi không hài lòng bé sẽ giơ tay đánh, trợn mắt, quát tháo, thậm chí là nói láo với người lớn. Trong hoàn cảnh này cha mẹ phải hết sức bình tĩnh, không nên đánh mắng bé mà cần bày tỏ thái độ nghiêm khắc, yêu cầu trẻ dừng hành vi. Có thể xử phạt bằng cách không cho đi chơi hoặc không kể chuyện cho bé nghe.
Yêu thương nhưng nghiêm khắc, luôn nhất quán trong cách dạy con là cách tốt nhất để giúp con hạn chế hành vi vô lễ.
Trẻ trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 thường muốn mọi thứ xung quanh đều thuộc về mình, cái gì cũng là “của con”, không cho ai đụng vào và không muốn ai gần gũi với người mà bé gắn bó.
Với biểu hiện này, cha mẹ cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn giải thích cho bé hiểu cái nào là của con, cái nào là của người khác, cái nào là của chung…
Quan trọng hơn, mẹ phải xây dựng mối quan hệ “gắn bó an toàn” để bé tin tưởng và đồng thời làm gương cho con thông qua sự quan tâm đến từ những người xung quanh, tạo cơ hội để con hướng đến sự chia sẻ.
Khủng hoảng tuổi lên 3 – trẻ sẽ có thay đổi về tâm lý kết hợp với những hành vi chống đối. Ba mẹ cần đánh giá đúng và có cách cư xử phù hợp với con, dần dần những phản ứng tiêu cực sẽ nhanh chóng qua đi.
Tuy nhiên, không vì vậy mà cha mẹ coi thường, nếu không hành động kịp thời và cư xử đúng mực thì nó sẽ là một phần nhân cách của trẻ sau này.
Ngoài ra, ba mẹ cần phân biệt được tính bướng bỉnh và sự kiên trì của trẻ để đưa ra những phương pháp giáo dục phù hợp nhất.
4. Lời kết
Không phải đứa trẻ nào cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3. Có những bé rất ngoan, nghe lời bố mẹ và trải qua giai đoạn 3 tuổi êm đềm.
Dù bé nhà bạn có rơi vào trường hợp nào đi chăng nữa thì hãy yêu thương và nghiêm khắc với con. Đặt ra những giới hạn cần thiết là cách giúp con tự lập, tự tin và có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Chúc các mẹ tìm ra những phương pháp tốt nhất để cùng con bước qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3. Cảm ơn mẹ đã theo dõi bài viết!