Nấu cháo tưởng chừng đơn giản thế nhưng bạn có chắc rằng mình đã làm tốt công việc này chưa?
Làm sao để nấu cháo nhanh nhừ mà vẫn đảm bảo hương vị và dưỡng chất vốn có?
Nếu chưa có câu trả lời thì đừng bỏ qua một số mẹo dưới đây bạn nhé!
1. 10 cách nấu cháo nhanh nhừ Mẹ nên áp dụng ngay
Có nhiều cách để nấu cháo nhanh nhừ, mẹ hãy đọc và tham khảo xem cách nào phù hợp thì làm theo nhé!
1.1. Ngâm gạo
Đây là cách đơn giản nhất và rất hiệu quả. Trước khi nấu bạn hãy ngâm gạo trong khoảng 30 phút cho đến 1 tiếng. Nếu muốn cháo nhanh nhừ hơn nữa thì có thể ngâm 4-6 tiếng, thậm chí là qua đêm. Việc ngâm qua đêm sẽ khiến gạo nở bung hạt và hút nước.

Ngâm gạo trước khi nấu không chỉ giúp cháo nhanh nhừ mà còn tiết kiệm năng lượng (điện, gas) và thời gian nấu.
Ngâm xong bạn chỉ cần chuẩn bị các nguyên liệu cho thêm vào cháo như rau củ, thịt cá… là được. Chắc chắn món cháo của bạn sẽ rất nhừ và thơm ngon.
Tuy nhiên, cách này không phù hợp trong những tình huống gấp gáp vì phải mất thời gian ngâm.
1.2. Nấu sôi và ủ
Sau khi vo gạo hãy cho vào nồi và nấu sôi trong khoảng 10 phút, sau đó đậy vung, tắt bếp 10 phút. Việc này nhằm đích ủ cháo, giúp cháo nhừ dần khi vẫn còn nóng.
Hết 10 phút bạn lại bật bếp lên và lặp lại quy trình trên khoảng 3 lần, đến khi chín cháo sẽ rất nhừ và nhuyễn.
Nhược điểm của cách này là phải mất công canh thời gian và thao tác nhiều lần.
1.3. Rang gạo
Vo gạo xong hãy để ráo nước hoàn toàn, sau đó bắc lên bếp và rang. Rang cho đến khi hạt gạo chuyển từ màu trắng đục sang trắng trong là được. Xong xuôi, mang gạo đi nấu như bình thường. Rang gạo trước khi nấu không chỉ giúp cháo nhanh nhừ mà còn không bị nát, vữa.
Lý giải cho hiện tượng này: khi gặp nhiệt độ cao ở môi trường khô hạt gạo sẽ cứng lại và được định hình, dù nấu trong thời gian dài vẫn giữ nguyên hạt, không bị vỡ.
Đây là cách nấu cháo nhanh nhừ được các cửa tiệm thường xuyên áp dụng, cháo có mùi thơm, nhuyễn nhưng không bị vữa.
1.4. Thêm muối
Muối mà có thể giúp cháo nhanh nhừ sao?
Đúng vậy, đây là cách không nhiều người biết đâu nhé!
Sau khi vo gạo, cho vào nồi ninh khoảng 10 phút bạn hãy thêm một ít muối vào cháo. Muối không chỉ giúp cháo nhanh nhừ mà còn rút ngắn thời gian nấu xuống chỉ còn 1 nửa.
Tuy nhiên, với cách này bạn cần nêm nếm gia vị thật chuẩn, tránh cháo quá mặn. Cũng đừng quên khuấy đều để cháo không vón vục và cháy bạn nhé!
1.5. Nấu nhỏ lửa
Cho gạo và nước vào nồi hãy nấu sôi và đậy vung lại, sau đó tắt bếp khoảng 15 phút. Hết thời gian trên, tiếp tục nấu nhưng hạ nhỏ lửa, chắc chắn cháo sẽ nhừ và thơm hơn.
1.6. Nấu bằng bình ủ
Buối tối trước khi đi ngủ hãy vo gạo cho vào bình ủ, đổ nước sôi rồi đậy nắp lại. Sáng hôm sau thức dậy bạn đã có ngay một bát cháo nhừ mà không phải chờ đợi quá lâu.
Lúc này việc của bạn chỉ là cho thịt, cá, rau củ… vào cháo rồi bắc lên bếp, khuấy đều trong 5 phút là được.
1.7. Thêm nước
Muốn nấu cháo nhanh nhừ bạn hãy đổ nước vào nồi trước, sau đó cho gạo, theo tỷ lệ 3 nước 1 gạo (cháo trắng) và 4 nước 1 gạo nếu nấu cháo thịt cá, hải sản, rau củ…
Tỷ lệ trên không chỉ giúp cháo nhanh nhừ mà còn rất vừa ăn, không quá lỏng, không quá đặc.
2. Làm sao để cháo không bị trào
Trào là hiện tượng thường gặp khi nấu cháo. Do gạo là tinh bột nên không tan trong nước lạnh, khi nhiệt độ tăng cao, nước trong nồi nóng lên sẽ hòa tan tinh bột và tạo thành dung dịch keo hơi, hay còn gọi là hồ tinh bột.
Khi sôi, hơi nước bốc lên nhưng lại bị hồ tinh bột ngăn lại và ức chế. Vì vậy, luồng hơi nước này sẽ đẩy lớp hồ tinh bột lên cao rồi trào ra ngoài.
Muốn nấu cháo không bị trào bạn hãy làm theo một số cách sau:
- Vặn nhỏ lửa: đây là cách đơn nhất. Cháo bị trào do đun dưới nhiệt độ cao nên bạn chỉ cần vặn nhỏ lửa sau khi sôi. Hãy duy trì mức nhiệt thấp đến khi nồi đã cạn nước và chuyển sang hỗn hợp sệt.
- Đặt thìa gỗ lên thành nồi: đặt một chiếc thìa gỗ hoặc đũa tre lên thành nồi thì khi sôi cháo sẽ không trào ra ngoài.
- Thêm dầu ăn: khi cháo bắt đầu sôi hãy thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn vào nồi và khuấy đều, làm như vậy không chỉ tránh trào mà còn giúp cháo thơm ngon và đẹp mắt hơn.
- Dùng cơm để nấu cháo: cách này không chỉ giải quyết được tình trạng trào mà còn giúp cháo nhanh nhừ hơn. Lưu ý trước khi nấu hãy dùng nước lạnh dội qua cơm để cháo không bị cháy, khê.
3. Một số lưu ý khi nấu cháo
Ngoài những cách nấu cháo nhanh nhừ, khi chế biến bạn cần biết một số mẹo sau:
- Không khuấy quá nhiều: trong quá trình nấu nếu khuấy quá nhiều sẽ khiến cháo bị vữa, tách nước. Vì vậy, chỉ nên khuấy vài lần để cháo không bị khê cháy.
- Không nấu cháo bằng nước lạnh: chúng ta thường có thói quen đổ gạo trực tiếp vào nước lạnh rồi đun sôi. Thế nhưng việc này sẽ khiến cháo bị đứng nồi và rất nhanh khê. Tốt nhất, bạn nên nấu cháo bằng nước đã đun sôi để hạn chế tình trạng trên.
- Không cho tất cả nguyên liệu cùng một lúc: nếu cho gạo và các nguyên liệu khác (thịt, cá, rau, củ…) vào cùng một lúc sẽ dẫn hiện tượng thứ chín, thứ sống, gạo chưa kịp nhừ thì thịt cá đã nát, thành ra món cháo sẽ mất hương vị và chất dinh dưỡng. Hãy xào chín nhân trước, khi cháo nhừ mới cho vào nồi đun cùng.
- Không vo gạo quá kỹ: vo gạo là để loại bỏ bụi bẩn bám trên hạt gjo, thế nhưng vo quá nhiều sẽ cuốn trôi lớp cám và các chất dinh dưỡng trên vỏ gạo.
- Kết hợp gạo tẻ và gạo nếp: sẽ giúp cho cháo sánh dẻo và có mùi thơm đặc trưng.
4. Lời kết
Trên đây là một số bí quyết giúp bạn nấu cháo nhanh nhừ. Tất nhiên, bạn có thể kết hợp vài cách cùng một lúc hoặc áp dụng 1 cách duy nhất đều được.
Ngoài ra, để cháo thơm ngon, đẹp mắt và kích thích vị giác thì hãy thêm một ít dầu ăn vào bạn nhé.
Chúc bạn thành công và chế biến ra những bát cháo chất lượng cho cả gia đình!