Nên mua nồi ủ hay nồi nấu chậm?
Mình chắc chắn rằng đó là thắc mắc của rất nhiều người, đặc biệt là những bà nội trợ hay mẹ đang nuôi con nhỏ.
Có thể nói, đây là 2 thiết bị gia dụng rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, vì chúng có nhiều điểm tương đồng nên không biết chọn loại nào cho phù hợp.
Nếu đang rơi vào hoàn cảnh đó thì hãy ở lại đây để cùng mình tìm ra đáp án bạn nhé!
1. Nồi ủ là gì?
Nồi ủ hay còn gọi là nồi chân không hay nồi giữ nhiệt. Nồi ủ được cấu tạo bởi 3 bộ phận:
- Vỏ nồi
- Lòng nồi
- Nắp nồi

Vỏ nồi gồm 2 lớp, ở giữa là một khoảng chân không, cấu tạo này nhằm mục đích cách nhiệt với môi trường bên ngoài và giữ nhiệt thức ăn bên trong lòng nồi.
Còn lòng nồi là nơi chứa thức ăn và bạn sẽ phải dùng bộ phận này để nấu trực tiếp trên bếp, khi thức ăn chín thì đặt lòng nồi vào nồi, đậy nắp rồi ủ.
Nồi ủ thường có 2 nắp, nắp của lòng nồi và một chiếc nắp cách nhiệt có nhiệm vụ không cho nhiệt thoát ra ngoài.
Nồi ủ làm chín và giữ ấm thức ăn bằng chính nhiệt lượng phát ra từ món ăn đó, nhờ vậy mà món ăn sẽ mềm ngon hơn.
Với nguyên lý trên, nồi ủ không cần dùng điện mà vẫn đảm bảo món ăn chín đều, không hao hụt dưỡng chất, đảm bảo chất lượng và luôn ấm nóng trong thời gian dài (8 – 10 tiếng).
Nồi ủ thích hợp để nấu các món hầm và canh, ví dụ như: nấu cháo, súp, hầm khoai, canh thịt, canh rau củ… Riêng món canh, khi nấu bằng nồi ủ thì phần nước sẽ không bị đục, phần nhân không bị nát. Đó cũng là lý do tại sao người ta thường sử dụng nồi ủ để nấu nước dùng hủ tiếu, phở, bún, bánh đa…
Một số loại nồi ủ phổ biến phải kể đến như: nồi ủ cháo, nồi ủ trân châu, nồi ủ sữa chua, nồi ủ bột… tất cả đều rất tiện lợi.
Do không dùng điện nên nồi ủ rất an toàn khi sử dụng. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, nhiệt lượng từ thức ăn không thể tỏa ra ngoài nên hạn chế tối đa tình trạng bỏng. Bạn chỉ cần chú ý một chút khi lấy thức ăn ra khỏi nồi là được.
Không dùng điện cũng giúp bạn tiết kiệm một khoản không nhỏ. Nồi sẽ nấu chín thức ăn và tiếp tục ủ nóng trong vòng 8-10 tiếng. Tất cả những gì bạn cần làm đó là: nấu thức ăn chín vừa phải bằng lòng nồi, cho vào nồi ủ và đi làm việc khác.
Sử dụng nồi ủ bạn không cần phải đảo thức ăn như nấu bằng những nồi khác, món ăn không bị cháy khét hay quá nhừ. Ngoài ra, lòng nồi ủ thường làm bằng inox 304 nên không sinh chất độc lẫn vào thức ăn, tuyệt đối an toàn với sức khỏe.
Tuy thời gian nấu khá lâu nhưng nếu biết sử dụng thì nồi ủ rất tiện lợi. Ví dụ như buổi sáng bạn cho thức ăn nấu vừa chín vào rồi ủ rồi đi làm, đến tối về thì món ăn đã chín, rất hợp lý và tiện ích phải không nào?
Món ăn được nấu bằng nồi ủ luôn đảm bảo chất lượng, chín mềm. Riêng món canh thì phần nước sẽ trong, còn phần nhân không bị nát. Ngoài ra, nồi ủ còn hạn chế việc hâm đi hâm lại thức ăn và không lo ôi thiu.
Cuối cùng, nồi ủ thường có kích thước vừa phải, trọng lượng nhẹ, không dây rợ lằng nhằng… tiện mang theo trong mỗi chuyến du lịch, dã ngoại.
Ngay từ cái tên đã nói lên nhược điểm của nồi ủ. Do nguyên lý hoạt động là ủ để làm chín và giữ ấm thức ăn nên sản phẩm này không phù hợp trong những hoàn cảnh phải nấu nhanh để dùng ngay.
Nồi ủ chỉ có thể chế biến được các món ăn đã được làm nóng sẵn, bạn phải đun nóng thực phẩm trên bếp trước rồi mới cho vào nồi ủ, khá lích kích.
Nồi chỉ thích hợp dùng để nấu các loại thực phẩm mềm như cháo, khoai, thịt… Với những nguyên liệu cứng và cần thời gian lâu như xương, chân giò… thì không nên dùng nồi ủ. Nếu dùng thì phải nấu chín nguyên liệu trước, lúc này nồi ủ gần như chỉ có nhiệm vụ giữ ấm.
Hầu hết các loại nồi ủ trên thị trường đều có dung tích từ 5-7 lít, phù hợp với những gia đình đông thành viên, nếu một mình hoặc chỉ có 2 người thì không nên mua nồi ủ, rất lãng phí.
Nồi ủ có nhiều mức giá khác nhau, dao động từ vài trăm nghìn cho đến 7 triệu đồng, tùy thương hiệu và dung tích.
2. Nồi nấu chậm là gì?
Nồi nấu chậm (tên tiếng Anh: crock-pot, slow cooker). Sản phẩm này có cấu tạo gồm 4 bộ phận chính:
- Vỏ nồi
- Lòng nồi
- Nắp nồi
- Thanh gia nhiệt
Nồi nấu chậm hoạt động dựa trên nguyên lý sử dụng nhiệt phát ra từ thanh gia nhiệt để làm nóng thành nồi, sau đó từ từ truyền nhiệt lên lòng nồi và chín thức ăn bên trong.
Nồi nấu chậm là thiết bị dùng điện để sinh nhiệt và bạn có thể điều chỉnh mức nhiệt theo yêu cầu từng món ăn.
Loại nồi này thích hợp để nấu cháo, các món hầm, ninh xương….nói chung là chế biến các nguyên liệu cứng, cần nấu trong thời gian dài.
Do sử dụng phương pháp chưng cách thủy nên món ăn nấu bằng nồi nấu chậm sẽ giữ nguyên hương vị tự nhiên, chín mềm và không bị nát.
Là thiết bị điện nên nồi nấu chậm không tiết kiệm bằng nồi ủ. Tuy nhiên, công suất nồi chỉ khoảng 100-400W nên không quá tiêu tốn điện nặng. Để hoàn thành một món ăn, nồi nấu chậm mất khoảng 2-8 tiếng, tùy loại nguyên liệu và mức nhiệt điều chỉnh.
Phần lòng nồi được làm từ inox, gốm, sứ tự nhiên, hợp kim… Đây đều là những vật liệu an toàn, đã được loại bỏ tạp chất và xử lý oxy hóa nên không sinh chất độc hại khi gặp nhiệt độ cao.
Tuy nhiên, do phải dùng điện để hoạt động nên nồi nấu chậm không an toàn như nồi ủ. Ngoài ra, trong quá trình nấu nhiệt vẫn tỏa ra xung quanh, dễ bị bỏng nếu chạm vào.
Đúng như tên gọi, nồi nấu chậm không phù hợp để nấu ăn ngay. Tuy nhiên, lợi thế của loại nồi này so với nồi ủ đó là có thể hẹn giờ nấu theo ý muốn.
Khi nồi hoạt động bạn có thể đi làm việc khác hoặc hẹn giờ từ đêm hôm trước, sáng hôm sau thức dậy sẽ có món dùng ngay.
Nồi nấu chậm có dung tích nhỏ hơn nồi ủ (0.5 – 4 lít) và giá cũng mềm hơn, khoảng 300k đến 4 triệu đồng, tùy thương hiệu, tính năng, dung tích.
XEM CÁC LOẠI NỒI Ủ TRÊN SHOPEE
3. Nên mua nồi ủ hay nồi nấu chậm?
Trước khi đi đến quyết định nên mua nồi ủ hay nồi nấu chậm mời bạn xem bảng so sánh.
Đặc điểm | Nồi ủ | Nồi nấu chậm |
Nguyên lý | Không dùng điện. Làm chín và giữ ấm bằng chính nhiệt lượng tỏa ra từ món ăn đã được nấu trước đó. | Dùng điện. Thanh gia nhiệt làm nóng thành nồi rồi truyền nhiệt vào lòng nồi để làm chín thức ăn bên trong. |
Thời gian nấu | 8 – 10 tiếng. Không cần đảo thức ăn trong suốt quá trình nấu | 2 – 12 tiếng. Có nhiều tính năng tiện ích như: hẹn giờ, giữ ấm, chỉnh nhiệt độ |
Món ăn phù hợp | Nấu cháo, súp, canh rau củ | Nấu cháo, ninh xương, canh, hầm… |
Chất liệu lòng nồi | Inox | Inox, gốm, sứ, hợp kim |
Dung tích | 5-7 lít | (0.5 – 4 lít) |
Giá | 400k – 7 triệu đồng | 300k – 4 triệu đồng |
Cả 2 loại nồi đều có một điểm chung đó là: không phù hợp để nấu ăn ngay.
Vậy nên mua nồi ủ hay nồi nấu chậm?
Mình sẽ chia thành 2 trường hợp sau:
- Chọn nồi ủ khi gia đình bạn có đông thành viên, cần dùng những món ăn trong khoảng thời gian dài mà không lo nguội hay ôi thiu, vì loại nồi này có khả năng giữ nhiệt cực tốt.
- Chọn nồi nấu chậm khi bạn chỉ có 1 mình hoặc gia đình 2-3 người. Đặc biệt, nồi này rất thích hợp với những mẹ đang nuôi con nhỏ, dùng để nấu cháo cho bé. Ngoài ra, nếu gia đình bạn có nhu cầu đa dạng về món ăn thì nồi nấu chậm cũng là lựa chọn thích hợp hơn.
Thật khó để đánh giá loại nào tốt hơn, tất cả phụ thuộc vào nhu cầu và mục đích sử dụng của bạn.
4. Mình đã chọn loại nào?
Phải mất khá nhiều thời gian để mình đưa ra quyết định mua nồi ủ hay nồi nấu chậm, cuối cùng mình đã chọn nồi nấu chậm.
Và đây là lý do:
Là mẹ của 3 nhóc tì nên mình cần một chiếc nồi nấu cháo cho bé với kích thước nhỏ gọn và đáp ứng được nhu cầu chăm sóc dinh dưỡng cho các con.
Thực tế thì gia đình có 5 người, nhưng mình mua nồi nấu chậm chỉ để phục vụ “đội tiểu yêu”, nếu chọn nồi ủ thì dung tích quá lớn, chắc chắn sẽ lãng phí.

Không chỉ cháo, nồi nấu chậm còn giúp mình ninh xương, hầm gà, hầm chân giò… đây là điều mà nồi ủ rất khó làm được.
Tất nhiên, chất lượng món ăn nấu bằng nồi nấu chậm rất tuyệt, cháo chín nhừ, canh xương ngọt thơm, gà thì mềm… chưa kể còn cả tá chức năng như hẹn giờ, giữ ấm, chỉnh nhiệt độ, chế độ nấu cho từng món riêng.
Ngoài ra, với nồi nấu chậm mình chỉ việc cho thực phẩm, cắm điện, chọn chế độ, thế là xong. Trong khi đó, nếu dùng nồi ủ phải mất công nấu qua 1 lần rồi mới cho vào nồi, nghĩ đã thấy mệt.
Về tiền điện thì chẳng đáng bao nhiêu cả. Chiếc nồi nấu chậm của mình công suất chỉ 200W nên hóa đơn hàng tháng thay đổi không đáng kể.
Tóm lại, theo quan điểm của mình thì nồi nấu chậm có quá nhiều ưu điểm so với nồi ủ và mình hoàn toàn hài lòng với quyết định đã đưa ra.
Nồi nấu chậm xứng đáng là “kẻ được chọn”.
5. Kết luận
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của mình về nồi ủ và nồi nấu chậm. Nhìn chung, mỗi loại sẽ có ưu điểm và nhược điểm trên, chọn loại nào phụ thuộc vào nhu cầu, mục đích sử dụng và túi tiền của bạn.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn mua được nồi ưng ý và nấu nhiều món ngon cho cả gia đình. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!