bảo trâm blog logo

Nước ép để được bao lâu?

Nước ép để được bao lâu?
Chia sẻ bài viết

Nước ép để được bao lâu?

Cách bảo quản như thế nào?

Làm sao để biết nước ép đã bị hỏng hay chưa?

Trong bài này mình sẽ chia sẻ một số kiến thức về nước ép rau củ quả để giúp bạn có phương pháp sử dụng thức uống này hợp lý hơn.

Lưu ý: mình chỉ nói về nước ép tươi tự làm thôi nhé, chúng ta sẽ không đề cập đến nước ép đóng chai bán sẵn.

Những yếu tố quyết định hạn sử dụng của nước ép

Trước khi đi tìm câu trả lời cho “Nước ép để được bao lâu?” bạn cần biết được những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng và hạn sử dụng của nước ép.

1. Loại trái cây, rau củ

Mỗi loại rau củ quả sẽ có thời hạn sử dụng khác nhau vì tính thực vật của chúng hoàn toàn khác nhau. Nước ép rau thường dễ xuống màu và vị, trong khi đó những loại nước ép gừng, nước ép chanh thì thời gian xuống màu/vị sẽ lâu hơn.

Nước ép để được bao lâu?

Theo nhiều nghiên cứu, rau củ quả có độ pH thấp (tính acid) thì thời gian bảo quản sẽ lâu hơn trái cây, rau củ có độ pH cao (tính kiềm). Ví dụ: nước ép táo sẽ có thời gian bảo quản lâu hơn nước ép cà rốt.

Để biết độ pH của thực phẩm, hãy VÀO ĐÂY để kiểm tra.

2. Chất lượng rau củ quả

Uống nước ép chế biến từ rau củ quả tươi không chỉ ngon, giàu dưỡng chất mà thời gian bảo quản còn lâu hơn so với những nguyên liệu héo úa hoặc để quá lâu.

Trước khi có ý định làm nước ép, hãy kiểm tra xem có tươi không, từ lúc thu hoạch đến khi đưa vào làm nước ép là bao lâu?

Nước ép để được bao lâu?

Như chúng đã biết, rau củ quả sẽ phải trải qua nhiều công đoạn mới đến tay người dùng, từ khi ngắt xuống, mang về nhà, cho vào tủ lạnh đến khi mang ra ép, quy trình đó diễn ra trong khoảng thời gian càng ngắn càng tốt, có như vậy nước ép mới tươi ngon và nhiều dưỡng chất.

Ngược lại, nếu bạn sử dụng rau củ quả cũ nát, vàng úa, héo…thì chất lượng nước ép sẽ rất thấp, nhanh oxy hóa, giảm thời hạn sử dụng và ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nước ép để được bao lâu?

Tất nhiên bạn không nên nhầm lẫn giữa rau củ quả tươi với loại được bảo quản bằng hóa chất, bên ngoài nhìn tươi ngon nhưng thực tế bên trong không còn nhiều dinh dưỡng, vì chúng được biến hóa bằng những hóa chất chuyên biệt.

Thực tế thì chúng ta không nhất thiết phải cân đo đong đếm về mức độ tươi của nguyên liệu, mình chỉ muốn nói với bạn rằng: chất lượng của rau củ quả sẽ quyết định 80% chất lượng nước ép, 20% còn lại nằm ở những yếu tố khác.

3. Thiết bị ép

Thiết bị để ép rau củ quả đóng vai trò rất quan trọng, nó không chỉ quyết định chất lượng nước ép mà cả thời gian bảo quản nữa. Một chiếc máy ép chất lượng, nhiều công nghệ chắc chắn sẽ có khả năng bảo toàn dưỡng chất tốt hơn so với máy ép rẻ tiền, ít chức năng, ít công nghệ.

Nước ép để được bao lâu?

Ví dụ: nước ép chế biến từ máy ép chậm sẽ ngon hơn, nguyên chất hơn và thời gian bảo quản lâu hơn so với máy ép nhanh vì 2 thiết bị này có cơ chế hoạt động khác nhau. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy đọc >>> Nên mua máy ép chậm hay máy ép thường?

Nếu không có máy ép thì có thể dùng dụng cụ ép thủ công nhưng chắc chắn chất lượng nước ép sẽ không cao.

4. Môi trường

Có 2 yếu tố từ môi trường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước ép, đó là: nhiệt độ và ánh sáng

  • Nhiệt độ: nhiệt độ càng cao thì thời gian bảo quản nước ép càng ngắn. Ngoài ra, việc di chuyển và thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm cho nước ép biến chất, không giữ được lâu. Ngưỡng nhiệt thích hợp để bảo quản nước ép được lâu là dưới 5 độ C.
  • Ánh sáng: càng để gần ánh nắng thì nước ép càng dễ bị biến chất, tuổi thọ ngắn. Đây cũng là lý do tại sao nhà sản xuất thường cho nước ép vào chai thủy tinh tối màu, không chỉ hạn chế ánh sáng xuyên qua mà còn ngăn nước ép lên men.

5. Vệ sinh

Trong quá trình ép, nếu tay và dụng cụ chế biến không sạch chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và thời hạn sử dụng nước ép.

Cụ thể ở đây là giai đoạn sơ chế, cắt, gọt, rửa, nguyên liệu chạm vào dao, máy móc, dụng cụ chứa nước ép (chai, cốc). Chỉ cần một trong những yếu tố trên không đảm bảo vệ sinh thì chắc chắn nước ép sẽ có chất lượng kém.

Vì vậy, để nước ép bảo quản được lâu bạn cần đảm bảo mọi thứ phải sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn xâm nhập. Đây cũng là lý do tại sao nước ép đóng chai bằng máy không sử dụng chất bảo quản có thời hạn lâu hơn nước ép tự làm.

6. Sự kết hợp

Mặc dù mỗi loại rau củ quả có thời hạn sử dụng khác nhau nhưng trong một số trường hợp nếu kết hợp chúng với nhau sẽ làm tăng thời gian bảo quản.

Ví dụ: thêm chanh vào nước ép trái cây hoặc kết hợp nho với lựu  không chỉ giúp nước ép có tuổi thọ lâu mà còn tăng hương vị.

Nước ép để được bao lâu?

Sau khi biết được những yếu tố quyết định đné chất lượng và thời gian bảo quản, bạn đã có đáp án cho câu hỏi “Nước ép để được bao lâu?” rồi đúng không?

Thực tế thì không có con số chính xác về thời hạn bảo quản nước ép vì tính chất của mỗi loại nguyên liệu là hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng…

Với nước ép được chế biến từ máy ép chậm và đặt trong điều kiện nhiệt độ dưới 5 độ C thì thời gian bảo quản là 48 tiếng (2 ngày). Một số loại nước ép có thể bảo quản lên tới 72 tiếng hoặc lâu hơn nếu được cấp đông.

Trong khi đó, nước ép chế biến từ máy ép thường (hay còn gọi là máy ép nhanh, máy ép ly tâm) có thời gian bảo quản 24 tiếng với nhiệt độ dưới 5 độ C. Riêng nước ép được làm từ dụng cụ ép thủ công thì thời gian này ngắn hơn, nên sử dụng trong ngày.

Nước ép để được bao lâu?

Nhìn chung, bảo quản chỉ là biện pháp tạm thời dành cho những người bận rộn, tốt nhất bạn nên uống ngay sau khi chế biến và chỉ ép với số lượng ít để giảm nguy cơ nước ép bị hỏng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong trường hợp bắt buộc phải bảo quản thì trước khi uống cần quan sát xem nước ép có vấn đề gì không, từ màu sắc, mùi hương, bọt… nếu có hiện tượng bất thường tức là nước ép đã bị hỏng, oxy hóa và vi khuẩn xâm nhập. Lúc này, thùng rác là lựa chọn tốt nhất ?

Cách bảo quản nước ép

Đã bao giờ bạn tự hỏi: cùng một loại nước ép, cùng bảo quản trong nhiệt độ và thời gian giống nhau mà nước ép của người ta thơm ngon, còn của mình thì hỏng chưa?

Đó là do bạn chưa cách chế biến và bảo quản !

Để bảo quản nước ép tươi lâu và giữ được giá trị dinh dưỡng, hãy làm như sau:

  • Bước 1: Ngay từ khâu chọn nguyên liệu bạn cần đảm bảo rau củ quả phải tươi, xanh. Tuyệt đối không được làm nước ép từ trái cây rau củ héo úa, dập nát và chứa thuốc trừ sâu, chất bảo quản.
  • Bước 2: Trước khi ép hãy rửa sạch nguyên liệu và để ráo nước, bàn tay, dụng cụ ép cũng cần vệ sinh sạch sẽ.
  • Bước 3: Sau khi ép, nếu có nhu cầu bảo quản thì hãy đổ nước ép vào chai thủy tinh tối màu có nắp kín, chú ý đổ đầy miệng chai để giảm thiểu tối đa lượng không khí trong chai. Không nên dùng chai nhựa vì acid trong trái cây sẽ phản ứng với nhựa và sinh ra những chất độc hại.
  • Bước 4: Tiếp theo, hãy cho chai nước ép vào tủ lạnh ngay sau khi ép. Nếu để quá lâu ở bên ngoài nước ép sẽ bị ảnh hưởng bởi không khí, nhiệt độ, ánh sáng –> nhanh lên men và dễ hỏng. Nếu bảo quản ở ngăn đá thì không được để chung với thực phẩm khác như thịt, cá…tránh nhiễm khuẩn chéo.
  • Bước 5: Nếu để nước ép ở ngăn mát thì hãy để bớt lạnh rồi uống, còn bảo quản ở ngăn đá thì hãy cho nước ép xuống ngăn mát để rã đông. Tuyệt đối không được rã đông nước ép bằng lò vi sóng hoặc nước (nóng, lạnh), hành động này sẽ làm giảm mùi vị và dưỡng chất có trong nước ép.

Nước ép để được bao lâu?

Đó là cách bảo quản nước ép được lâu. Tuy nhiên, mình vẫn muốn bạn chú ý thêm một số vấn đề sau:

  • Nước ép sau khi chế biến hãy sử dụng ngay nếu có thể.
  • Nên dùng máy ép chậm để chế biến nước ép, loại máy này không chỉ giúp bảo quản được lâu hơn mà chất lượng nước ép cũng tươi ngon hơn so với máy ép thường >>> Top 5 máy ép chậm giá rẻ dưới 2 triệu đồng 
  • Nước ép tươi bảo quản trong ngăn mát (trên 5 độ) thì không nên để quá 24 tiếng, một số loại có thể bảo quản lâu hơn nhưng cũng không quá 72 tiếng (3 ngày).
  • Không được nấu nước ép, hành động này sẽ làm mất chất dinh dưỡng và làm giảm thời gian bảo quản.

Cách nhận biết nước ép bị hỏng

Để nhận biết được nước ép bị hỏng bạn cần dựa vào 2 yếu tố: phẩm chất nước ép và cảm quan.

  • Phẩm chất nước ép: đây là những thứ mà chúng ta không thể cảm nhận được, cụ thể là hàm lượng dinh dưỡng, các dưỡng chất trong nước ép còn ít hay nhiều hay đã biến đổi hoàn toàn.
  • Cảm nhận: nhìn, ngửi và nếm thử.

Khi nước ép bị hỏng sẽ có hiện tượng xuống màu, hương vị chỉ cần ngửi thôi là đã cảm thấy không thể uống được rồi. Ngoài ra, nước ép bị hỏng sẽ có hiện tượng nhớt và thay đổi kết cấu (vón, phân tầng).

Nước ép để được bao lâu?

Còn về khía cạnh dưỡng chất có còn hay không thì chúng ta không thể biết được, chỉ biết rằng: với mỗi loại nước ép thì tỉ lệ dưỡng chất sẽ bị giảm dần theo thời gian. Nhìn chung, để biết được hàm lượng dưỡng chất có trong nước ép cần phải có máy móc kiểm tra.

Vì vậy hãy cảm nhận nước ép bằng các giác quan bạn nhé !

Đã có một lần mình làm nước ép ổi và để quên trong ngăn mát tủ lạnh đến 7 ngày, sau khi mang ra thì bị xuống màu và vị, cảm nhận rõ nó bớt tươi và không còn nhiều dưỡng chất, tuy nhiên mình vân uống mà bụng dạ không bị làm sao cả.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra tiêu chuẩn về bảo quản nước ép không qua xử lý là 7 ngày, ở một nước Châu Âu là 3-5 ngày.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu thế giới, chúng ta nên uống nước ép trong vòng 3 ngày tính từ lúc chế biến, đây là khoảng thời gian để nước ép vẫn giữ được màu sắc, hương vị và dưỡng chất, còn 7 ngày là ngưỡng an toàn.

Lời kết

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn trả lời được câu hỏi: Nước ép để được bao lâu?

Hãy chú ý tới các yếu tố mà mình đã nói ở mục đầu tiên vì thời gian bảo quản có thể xuống rất thấp hoặc thậm chí là vài chục phút nếu như không đáp ứng được bất kỳ yếu tố nào.

Dù thế nào đi chăng nữa, mình vẫn muốn nói bạn rằng: hãy uống nước ép ngay sau khi chế biến, đó là thời điểm tốt nhất để thưởng thức đồ uống hấp dẫn này.

Cuối cùng, chúc bạn mạnh khỏe với những nước ly thơm ngon và bổ dưỡng. Nếu có thắc mắc gì hãy comment phía dưới, mình sẵn sàng giải đáp. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết !

Nội dung khác

Nhận thông báo
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận

Xin chào ! Mình là Oanh

"Kẻ đứng sau" Bảo Trâm Blog
Bảo Trâm Blog mẹ và bé
error:
0
Mình rất muốn nghe ý kiến của bạn về bài viết này !x