Ngày chủ nhật, mình tính nghỉ ngơi không viết lách gì và dành thời gian chơi với Gấu Mèo nhưng cuối cùng vẫn phải mở Blog viết vài dòng với tâm trạng không vui chút nào…. tâm trạng về dạy dỗ con cái…
1. Câu chuyện buồn
Sáng nay thức dậy với tinh thần phơi phới vì bé Mèo đã khỏi ốm sau mấy ngày sốt mọc răng. Vẫn như mọi khi, xách cặp lồng ra chợ mua đồ ăn sáng cho 2 con thì gặp chuyện thực sự buồn.
Lúc mua đồ, quán kế bên có một cặp mẹ con đang cãi nhau, cậu bé chừng 7 – 8 tuổi, đeo kính, bị khuyết tật một bên mắt, người mẹ chắc tầm 30, ăn mặc khá sang trọng. Không hiểu chuyện gì mà cậu bé liên hồi quát:
– ĐCMM, tao không đi.
– MM, đánh chết cha mày giờ, tao không đi.
…….
Đi kèm những lời khó nghe là hành động đánh, đấm, húc đầu và kết thúc là nguyên một bát nước canh cậu hắt vào mẹ. Người mẹ thấy vậy chỉ đứng yên và cố hạ giọng, năn nỉ con về.
Không chỉ mình mà những người xung quanh thực sự sốc trước hành động của cậu bé, tiếng xì xào bắt đầu vang lên:
– Chiều nó lắm, giờ nó bố láo.
– Con với cái mất dạy.
– Thằng này nó láo lắm bla..bla…
Chứng kiến một hồi, cảm thấy như kim đâm vào tim, buồn lắm, dù cậu bé không phải con hay người thân của mình. Không thể chịu được cảnh tượng đó, mình vội vã trả tiền ra về. Từ chợ về nhà khá gần nhưng hôm nay thấy quãng đường đó thật xa, hình ảnh vừa gặp cứ luẩn quẩn trong tâm trí.
Về đến nhà mình vẫn tự hỏi: Tại sao lại như thế? Tại sao một cậu bé 7-8 tuổi có thể buông những lời cay độc và tục tĩu với chính người mẹ ruột như vậy?
Khi viết ra những dòng chữ này mình đã bình tâm trở lại và hiểu rằng: tất cả những hành động, lời nói của cậu bé có lẽ đều xuất phát từ chính người mẹ, từ cách dạy dỗ con.
Thông qua mẹ, mình biết cậu bé đó ở xã bên, bị dị tật một mắt từ nhỏ, bố đi làm xa 1 năm về vài lần. Nhà có điều kiện kinh tế mà cậu lại không được lành lặn như bao đứa trẻ khác nên mẹ rất chiều.
Chung quy lại, để một đứa trẻ hình thành tính cách như vậy vẫn chỉ ở 2 chữ “dạy con” và “chiều con” . Đây cũng là vấn đề bao đời nay các bậc làm cha làm mẹ luôn băn khoăn: dạy dỗ con cái như thế nào để chúng thành người?
Bản thân mình cũng có con, muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất nhưng chưa bao giờ mình có khái niệm chiều con, để con thích gì được nấy. Về kỹ năng dạy dỗ con cái không phải là hoàn hảo, mình cũng tìm hiểu và học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau để từng ngày hoàn thiện hơn.
Cha mẹ sinh con trời sinh tính, câu nói đó có thể đúng nhưng chắc chắn không bao giờ đúng 100%. Tính cách con người được hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau, xã hội, hoàn cảnh sống, bạn bè xung quanh…nhưng mình nghĩ, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là cha mẹ. Nếu cha mẹ không quan tâm đến con, hiểu con, biết con nghĩ gì thì việc dạy dỗ sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Cha mẹ dù làm gì hay như thế nào thì mục đích cuối cùng vẫn chỉ vì con cái, nhưng thực tế xã hội hiện nay nhiều bậc cha mẹ vì quá bận rộn, mải mê kiếm sống mà quên đi suy nghĩ và cảm nhận của con.
Họ cho con đầy đủ vật chất, sống trong nhung lụa, giàu có nhưng đó chỉ là một nửa của sự yêu thương, một nửa còn lại là vun đắp cho tâm hồn của trẻ thì họ chưa từng làm.
Dần dần trái tim đứa trẻ trở lên vô cảm và chai sạn với chính người đã sinh ra chúng, người đã mang nặng đẻ đau, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ khi còn bé thơ.
…và hình ảnh cậu bé sáng nay là minh chứng rõ nhất.
2. Con hư – đâu là nguyên nhân?
Chiều con quá mức sẽ dẫn đến việc dạy dỗ con cái không đúng cách và hậu quả là tạo ra một đứa trẻ hư, theo mình thì có một số trường hợp sau:
? Nhà con một: nhiều gia đình chỉ có một con, không chỉ nhà giàu mà ngay cả những gia đình kinh tế bình thường, thậm chí là nghèo cũng chiều con hơn mức bình thường vì cha mẹ luôn nghĩ rằng “chỉ có một mình nó, cố gắng cho con mọi thứ để bằng bạn, bằng bè”.
Vì thế, con đòi hỏi bất cứ thứ gì cha mẹ cũng đáp ứng, dù là những đòi hỏi vô lý nhất. Khi cha mẹ đã sa vào tình cảnh chiều con bằng mọi cách thì họ đâu còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ về những biện pháp dạy dỗ nữa.
Trường hợp này ngoài những đáp ứng về vật chất có thể họ vẫn quan tâm đến tinh thần, suy nghĩ của con nhưng làm chưa tới hay có làm thì vẫn đứng trên phương diện chiều theo ý muốn của trẻ mà thôi.
? Cháu đích tôn: mặc dù đã là năm 2020 nhưng không khó để bạn bắt gặp những người còn giữ tư tưởng phải đẻ con trai và khi đã đẻ được con trai thì gần như họ sẽ chiều con. Nhất là khi đứa bé lại là “cháu đích tôn” thì ôi thôi, không riêng bố mẹ mà cả họ xúm lại chiều, cái gì cũng dành cho con hết.
Mình cực ghét quan niệm này, mặc dù có 2 cô con gái nhưng chưa bao giờ mình nghĩ phải đẻ được một cậu con trai. Chồng mình thì còn quyết liệt hơn, không đẻ nữa, mặc dù bên nhà chồng có 3 anh em chưa có cháu trai.
Khi đứa trẻ sinh ra với thân phận là “cháu đích tôn” thì việc dạy dỗ con sao cho đúng và hợp lý gần như bị bỏ qua, bởi chính cha mẹ đã nâng tầm quan trọng của đứa trẻ khi nó ra đời, dẫn đến chiều con hơn mức bình thường.
? Điều kiện kinh tế: không phải nhà nào giàu cũng chiều con, mình biết nhiều gia đình giàu có nhưng họ dạy con rất nghiêm khắc và đứa trẻ đó cũng rất ngoan.
Nhưng cũng không ít gia đình, bố mẹ vì mải mê kiếm tiền, tạo ra một nền tảng kinh tế vững chắc thì quên mất con mình. Họ đáp ứng hầu hết các yêu cầu về vật chất của con và gần như không bao giờ nói chuyện hay tâm sự với con, xem con đang nghĩ gì.
Một khi cha mẹ bận rộn và chỉ quan tâm đến nhu cầu vật chất của con thì làm sao có thể dạy con một cách tốt nhất được. Đây cũng là một hình thức chiều con quá đáng trong xã hội hiện nay.
? Nguyên nhân khác: sinh ra con bị khuyết tật hay dị tật nào đó. Cũng như cậu bé ở đầu bài viết, sinh ra đã mù một mắt nên bố mẹ cậu rất chiều. Điều này dễ hiểu vì họ muốn bù đắp cho những tổn thương về thân thể của con, để con được đầy đủ hơn so với những đứa trẻ khác.
Nghe thì hợp lý nhưng trong việc này cha mẹ còn thiếu sự tỉnh táo. Cá nhân mình cho rằng, không nên vì bất cứ lý do nào mà chiều con, thay vào đó hãy dạy dỗ làm sao để con cảm nhận được tình cảm của cha mẹ, khi đó bé sẽ có một trái tim đầy lòng yêu thương.
Như cậu bé kia, việc buông ra những lời mắng chửi đó chắc chắn là hệ quả của việc người mẹ đã chiều quá mức và dạy cậu không đúng cách từ thưở bé.
3. Dạy dỗ con cái như thế nào để chúng thành người tốt?
Sẽ chẳng ai có câu trả lời cho bạn đâu, bởi vì mỗi người có một cách dạy con khác nhau, mỗi đứa trẻ có một tính cách khác nhau và mỗi bậc cha mẹ lại có một suy nghĩ khác nhau, không ai giống ai.
Bạn có thể lên mạng tìm kiếm cách dạy con như thế này, cách dạy con như thế kia nhưng tất cả chỉ là một quy tắc chung chung, không phải gia đình nào hay đứa trẻ nào cũng áp dụng được.
Để dạy con, giúp con trở thành một đứa trẻ tốt, sống có tình cảm, mình nghĩ việc quan trọng nhất là ngay từ nhỏ quan tâm đến con nhiều hơn.
Nếu hiểu con, biết con đang nghĩ gì, trò chuyện với con nhiều hơn thì đến một thời điểm nào đó con sẽ xem chúng ta không chỉ là cha mẹ mà còn là người bạn trong suốt cuộc đời, lúc này thành công đã đến 1 nửa rồi đấy.
Bản thân mình chấp nhận không mua cho con thứ này, thứ kia, chấp nhận để con thiệt thòi về mặt vật chất một chút, nhưng mình không bao giờ chấp nhận sự im lặng tồn tại giữa cha mẹ và con cái.
Khi trẻ có thói quen nói chuyện và tâm sự với cha mẹ thì việc dạy chúng cực kỳ đơn giản, đâu cần phải áp dụng những cách phức tạp.
Con mình còn nhỏ và mình cũng không dám chắc sau này có thể dạy bé một cách hoàn hảo, hay bé có thể trở thành người tốt hay không, nhưng chắc chắn mọi phương pháp dạy con của mình sẽ dựa trên sự kết nối tinh thần giữa cha mẹ và con cái.
4. Lời kết
Thôi, đến đây mình tạm dừng vì khi trút ra những dòng tậm sự này thấy người nhẹ nhàng hơn. Có lẽ câu chuyện buổi sáng chỉ là điều không may xảy ra với cậu bé đó và người mẹ đó, hy vọng sau này cậu sẽ có những thay đổi tích cực hơn.
Bài viết này cũng không phải là hướng dẫn hay cẩm nang về cách dạy dỗ con cái, tất cả chỉ là suy nghĩ và chia sẻ của cá nhân mình. Mong rằng bạn đọc và cảm nhận được chút gì đó ở những đoạn văn ngu ngơ trên. Cảm ơn vì đã theo dõi !