bảo trâm blog logo

Khi nào nên tập cho bé bú bình?

Khi nào nên tập cho bé bú bình?
Chia sẻ bài viết

Sau một thời gắn bó với ti mẹ, đã đến lúc bé phải tập bú bình. Việc này không chỉ giúp bé tự lập hơn mà còn giúp mẹ có thêm thời gian dành cho bản thân và công việc khác, đặc biệt là những mẹ phải trở lại với guồng quay công việc sau thời gian nghỉ sinh.

Vậy thời điểm nào nên tập cho bé bú bình? Lợi ích và tác hại của việc này là gì? Cách tập bú bình ra sao?

Bài viết này sẽ giúp mẹ giải đáp những thắc mắc trên!

Vì sao nên tập cho bé bú bình?

1. Lợi ích

Hầu hết các bé đều bú mẹ trong những tháng đầu đời, sau khoảng thời gian này vì lý do công việc mẹ không thể cho bú trực tiếp mà phải chuyển sang bú bình.

Việc tập cho bé bú bình sẽ giúp mẹ có thêm thời gian làm việc khác mà không lo con bị đói hay thiếu sữa. Lúc này, ông, bà, bố… sẽ là người cho bé ăn.

Khi nào nên tập cho bé bú bình?

Khi bé đã quen với việc bú bình mẹ sẽ thảnh thơi và đỡ vất vả hơn, mẹ cũng không phải vội về đúng giờ để cho bé ăn vì đã có người khác giúp rồi.

Ngoài ra, mỗi khi đưa bé đi chơi mẹ cũng không phải cho con bú giữa chốn đông người vì đã có bình sữa ở bên.

Việc để bố, ông, bà hay người thân cho bé bú cũng là cơ hội để bé gắn kết tình cảm với mọi người hơn, thay vì trước đó chỉ biết mỗi mẹ.

Cuối cùng, tập cho bé bú bình sẽ có lợi khi mẹ tắc sữa hoặc bị ốm phải uống kháng sinh hoặc cách ly với bé. Những lúc như vậy chắc chắn mẹ không thể cho con bú và bình sữa là giải pháp hữu hiệu nhất.

2. Tác hại

Giữa mẹ và bé luôn có một sợi dây gắn kết vô hình và nó đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của bé cũng như kích thích sữa mẹ tiết ra nhiều hơn. Vì vậy, cho bé bú bình quá sớm sẽ làm giảm sự gần gũi giữa mẹ và bé.

Một điều nữa mẹ cần phải biết đó là: khi đã quen bú bình thì bé sẽ ít bú mẹ hơn. Điều này là do lượng sữa chảy ra khi bú bình thường nhiều hơn bú mẹ, nếu đang trong cơn đói mà cho ti mẹ thì bé sẽ khó chịu và cáu gắt vì mút được ít sữa hơn.

Khi nào nên tập cho bé bú bình?

Sữa mẹ nằm trong bình chắc chắn không thể sạch bằng sữa bú trực tiếp. Khi vắt sữa cho vào bình không khí sẽ xâm nhập và khiến bé bị đầy hơi, nôn trớ, thậm chí là nhiễm khuẩn. Chính vì vậy, mẹ nên mua những loại bình sữa làm từ chất liệu an toàn và có van thông khí.

Cuối cùng, việc phải vắt (pha) sữa vào bình rồi đem đi hâm nóng chắc chắn sẽ mất công và tốn thời gian hơn so với ti trực tiếp.

Nhìn chung, tác hại của việc cho bé bú bình chủ yếu là do bé bú quá sớm, vì vậy mẹ cần thực hiện công việc này vào thời điểm hợp lý, và chúng ta sẽ tìm hiểu điều đó trong phần tiếp theo nhé!

Khi nào nên tập cho bé bú bình?

Thực tế thì ngay sau khi sinh bé đã có thể bú bình được rồi vì thời điểm này các bé đã có phản xạ bú mút.

Tuy nhiên, mẹ không nên làm như vậy, trừ trường hợp mẹ không có sữa hoặc không thể cho con bú.

Thời điểm thích hợp nhất để tập cho bé bú bình là khi bé được 2-3 tháng tuổi trở lên. 

Đây là thời điểm mà trẻ đã có khả năng nhận biết và thể hiện nhu cầu, sở thích một cách rõ rệt, nếu cho bé bú bình muộn hơn mốc thời gian này mẹ sẽ gặp khó khăn.

Khi nào nên tập cho bé bú bình?

Trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên đã có thể biết được đâu là ti mẹ, đâu là ti giả, biết được độ mềm cứng của ti và cảm nhận rõ lưu lượng sữa mỗi khi mút, đặc biệt là khi bé bước sang tháng thứ 3.

Nếu cho bé bú bình trước 2 tháng tuổi, trẻ sẽ quen và quên bú mẹ, còn nếu bú muộn hơn thì bé sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển sang bú bình.

Nhiều mẹ cho rằng: tập cho bé bú bình ở giai đoạn này là quá sớm vì sợ bé bú bình rồi sẽ bỏ bú mẹ.

Thực tế điều này không sai nhưng chắc chắn mẹ sẽ vất vả hơn. Trong trường hợp muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ hãy kết hợp song song giữa bú mẹ và bú bình.

Với những bé khó tính nếu không tập từ sớm thì sau này càng khó khăn hơn, lúc đó mẹ sẽ không có nhiều thời gian để làm công việc khác.

Trẻ từ 2 tháng tuổi đã đủ khả năng bú sữa bằng bình, từ lúc bắt đầu tập cho đến khi thành thạo sẽ mất 1 vài ngày, có bé thì 1-2 tuần, thậm chí cả tháng mới quen với việc bú bình. Mẹ chỉ cần kiên trì tập cho bé chắc chắn sẽ thành công.

Khi nguồn sữa đã ổn định mẹ hãy tập cho bé bú bình theo một lịch trình cố định và không dùng sữa công thức.

Mẹ nên vắt sữa vào bình cho bé bú, điều này không chỉ giúp con được hưởng trọn vẹn nguồn sữa mẹ mà còn giúp mẹ sản xuất sữa đều đặn hơn.

Khi nào nên tập cho bé bú bình?

Tập cho bé bú bình ở thời điểm này không ảnh hưởng nhiều đến thói quen bú mẹ nhưng sẽ phát sinh một số vấn đề như: căng sữa, rỉ sữa ra ngoài.

Những lúc như vậy mẹ nên chủ động vắt sữa và trữ trong tủ lạnh để khi đi vắng người khác vẫn có thể tập cho bé bú bình, mẹ cũng nên dùng miếng lót thấm sữa để hạn chế tình trạng sữa rỉ ra áo.

Tuyệt đối không được để căng sữa trong một thời gian dài, lâu ngày sẽ dẫn đến tắc tia sữa, thậm chí là áp xe vú.

Trong một số trường hợp đặc biệt mẹ vẫn có thể cho bé tập bú bình sớm hơn:

  • Trẻ sinh non hoặc trẻ không khỏe trong giai đoạn sơ sinh có thể bú bình khi sữa mẹ chưa về.
  • Trẻ có lượng đường trong máu thấp, cần bổ sung thêm calo.
  • Trẻ bị tụt cân.
  • Trẻ bị dị tật ở vùng miệng, khó nuốt, phản xạ hút nuốt có vấn đề.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Bình sữa silicone có tốt không?

Cách tập cho bé bú bình

Mẹ hãy nhờ bố hoặc ông bà tập cho bé bú bình, làm như vậy bé sẽ dễ chấp nhận thay đổi. Còn nếu mẹ là người thực hiện công việc này chắc chắn bé không chịu vì chỉ muốn ti mẹ mà thôi.

Khi tập, hãy để bé ngồi lên ghế có tay vịn hoặc bế trong tay kiểu nửa ngồi nửa nằm và đỡ đầu bé hướng hơi quay ra ngoài. Tuyệt đối không được để bé bú trong tư thế nằm ngửa, dễ bị sặc hoặc sữa chảy vào tai, nhiễm trùng tai.

Trước tiên, mẹ hãy đưa bình sữa cho bé cầm và nghịch một lúc để làm quen, sau đó đặt núm ti nhẹ nhàng lên môi, lúc này bé sẽ há miệng và ngậm, có thể bé chưa bú ngay nhưng hành động này giúp trẻ cảm nhận được mùi vị của sữa và dần quen với việc bú bình.

Nếu bé không hợp tác, tỏ thái độ khó chịu, khóc lóc… mẹ hãy tạm ngưng và thử lại sau. Tuyệt đối không được ép bé mẹ nhé!

Khi bé đã chịu ngậm, mẹ hãy giữ nghiêng bình để sữa tràn đầy cổ bình và núm ti. Hành động này có tác dụng ngăn bé nuốt không khí, tránh đầy bụng, nôn trớ.

Khi nào nên tập cho bé bú bình?

Trong quá trình tập cho bé bú bình hãy chú ý tới nhiệt độ sữa vì có bé thích sữa ấm (như sữa mẹ) có bé lại thích lạnh hơn một chút.

Ngoài ra, núm ti và bình sữa cũng là yếu tố quyết định bé có chịu bú bình hay không. Mẹ hãy thử nhiều loại núm ti khác nhau, xem bé thích loại mềm hay cứng rồi đưa ra lựa chọn cuối cùng.

Tốt nhất mẹ nên chọn những loại bình sữa, núm ti mô phỏng giống bầu vú mẹ để tạo cảm giác gần gũi, bé sẽ dễ làm quen hơn.

Khi bé bú, hai mẹ con hãy trò chuyện với nhau để tạo không khí thoải mái và gần gũi. Đây cũng là khoảng thời gian để mẹ thể hiện tình yêu với con, đồng thời giúp mẹ và bé hiểu nhau hơn.

Còn nếu mẹ mang tâm lý lo lắng hay vội vàng thì chắc chắn bé cũng có cảm giác tiêu cực và không chịu bú bình.

Khi nào nên tập cho bé bú bình?

Một số lưu ý

Trong quá trình tập cho bé bú bình mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không cho bé bú bình trước 2 tháng tuổi. Điều này không chỉ khiến bé quên ti mẹ mà còn làm mẹ có nguy cơ mất sữa hoặc làm trẻ có khớp ngậm không đúng.
  • Tập vào ban ngày và vào thời điểm bé vui vẻ, dễ chịu nhất.
  • Nên tập vào lúc bé hơi đói hoặc buồn ngủ, lúc này phản xạ bú mút của trẻ sẽ lên cao và dễ dàng hợp tác.
  • Mẹ cần kiên trì tập cho bé, không được tỏ thái độ cáu gắt hay la mắng bé, làm như vậy bé sẽ sợ và càng không chịu bú bình.
  • Khi tập nên đánh lạc hướng bé nhìn xung quanh, không nhìn vào bình sữa hoặc phía mẹ.

Khi nào nên tập cho bé bú bình?

Trong trường hợp bé nhất quyết không chịu bú bình mặc dù mẹ đã làm mọi cách thì hãy cho bé uống bằng thìa hoặc bình tập uống có tay cầm. Với những bé 6 tháng tuổi trở lên đã có thể uống sữa bằng cốc nhỏ được rồi.

Thực tế có rất nhiều bé đã chuyển thẳng từ bú mẹ sang uống bằng cốc và bỏ qua giai đoạn bú bình, với những bé này mẹ sẽ vất vả hơn nhưng chỉ cần bé chịu uống là tốt rồi.

Bé chịu ăn, được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ mới điều quan trọng nhất, mẹ vất vả chút cũng không sao.

Lời kết

Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp mẹ có thêm kiến thức và kinh nghiệm tập cho bé bú bình. Công việc này tuy không quá khó khăn nhưng mẹ cần kiên trì để bé làm quen với bình sữa. Khi đã thành công chắc chắn mẹ sẽ nhàn hơn và có nhiều thời gian dành cho bản thân.

Chúc mẹ thành công, chúc bé luôn khỏe mạnh. Nếu có thắc mắc gì mẹ hãy comment phía dưới nhé!

Nội dung khác

Nhận thông báo
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận

Xin chào ! Mình là Oanh

"Kẻ đứng sau" Bảo Trâm Blog
Bảo Trâm Blog mẹ và bé
error:
0
Mình rất muốn nghe ý kiến của bạn về bài viết này !x