Là người cha, người mẹ ai cũng muốn con phát triển toàn diện, cả về thể chất lẫn trí tuệ. Bên cạnh yếu tố di truyền, sự chăm sóc, giáo dục của gia đình thì dưỡng chất là một phần không thể thiếu cho sự phát triển của não bộ.
Não bộ trẻ em đã bắt đầu hình thành và phát triển ngay từ khi trong bụng mẹ, đến khi bé chào đời bộ phận này còn phát triển mạnh mẽ hơn.
Cho nên việc bổ sung các loại thực phẩm tốt cho trí não sẽ tối ưu hóa khả năng ghi nhớ, tiếp thu và ảnh hưởng trực tiếp đến trí thông minh của bé.
Vậy những thực phẩm nào tốt cho trí não của trẻ? Hãy cùng mình tìm lời giải đáp thông qua bài viết này nhé !
1. Top 10 thực phẩm tốt cho trí não của trẻ
1.1 Trứng
Không chỉ tốt cho trí não trẻ em, trứng còn là thực phẩm tuyệt vời dành cho tất cả mọi người. Trứng chứa nhiều protein, vitamin B, mega 3, i-ốt và đặc biệt là choline – dưỡng chất quan trọng để xây dựng màng tế bào não, giúp tăng cường trí nhớ.
Choline có nhiều trong lòng đỏ trứng và nó là thành phần chính của màng tế bào mà cơ thể sử dụng để tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng.
Cho nên, choline đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ thai nhi và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, choline còn cải thiện chức năng tâm thần và phát triển trí nhớ của trẻ nhỏ.
Trứng là thực phẩm khoái khẩu của phần lớn trẻ em thế nhưng mẹ cần lưu ý cho bé ăn một lượng vừa đủ và phải nấu chín. Trong trứng chứa nhiều chất béo, nếu ăn quá nhiều sẽ gây đầy bụng, khó tiêu….
Trẻ ở mỗi độ tuổi sẽ ăn một lượng trứng khác nhau:
- Trẻ 6 – 7 tháng: mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà, ăn 2 lần/tuần.
- Trẻ 8 – 12 tháng: mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà, ăn 3 lần/tuần.
- Trẻ 1 – 2 tuổi: 3-4 quả/tuần và ăn cả lòng trắng
Để đảm bảo các dưỡng chất còn nguyên vẹn mẹ hãy luộc trứng cho bé ăn, không nên chiên, rán.
1.2. Sữa
Sữa quan trọng với trẻ nhỏ như thế nào chắc mẹ đã biết rồi phải không?
Đúng vậy, sữa mẹ là nguồn dưỡng chất số 1 giúp trẻ phát triển trí não. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú đến khi 2 tuổi sẽ phát triển toàn diện hơn trẻ không được hưởng nguồn dưỡng chất quý giá này.
Trong sữa mẹ chứa nhiều DHA, các loại vitamin A, D, E…đây là những thành phần quan trọng để xây dựng và hoàn thiện não bộ, phát triển hệ thần kinh, phát triển võng mạc, nâng cao khả năng ghi nhớ của trẻ.
Nếu không có sữa cho bé bú, mẹ có thể sử dụng các loại sữa công thức có thành phần tượng tự như sữa mẹ để tăng cường trí não cho bé.
Ngoài ra, các chế phẩm từ sữa như: sữa chua, pho mát…cũng có lợi cho sự phát triển mô não và dây thần kinh.
1.3. Cá biển
Cá hồi, cá thu, cá ngừ….là thực phẩm tốt cho trí não trẻ em. Trong cá biển hay các loại cá béo chứa lượng lớn Omega 3, đây là axit béo không no mà cơ thể không tự sản xuất được và là thành phần thiết yếu hình thành nên màng tế bào não.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: trẻ có chế độ ăn giàu Omega 3 sẽ tinh anh hơn và thể hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra kỹ năng so với trẻ có chế độ ăn ít Omega 3.
Để tăng lượng DHA trong sữa, mẹ nên ăn nhiều cá trong giai đoạn cho con bú. Đến tuổi ăn dặm, hãy cho bé ăn ít nhất 2 bữa cá mỗi tuần và chế biến thành nhiều món khác nhau để con ăn ngon miệng hơn.
Nếu bé không thích mùi vị cá tự nhiên, mẹ có thể bổ sung Omega 3 bằng dầu cá. Tuy nhiên, dùng các loại thực phẩm tự nhiên thì vẫn tốt hơn, vì thế hãy tập cho con ăn cá từ nhỏ mẹ nhé !
1.4. Thịt
Để bé phát triển toàn diện thì thịt là thực phẩm tốt cho trí não mẹ không nên bỏ qua. Trong thịt chứa nhiều protein, chất béo và khoáng chất cần thiết cho não bộ.
Mẹ có thể cho bé ăn thịt lợn, bò, gà…Thịt bò chứa nhiều vitamin B12, sắt, kẽm…ngoài khả năng tăng cường thể chất chúng còn kích thích não bộ, ổn định hệ thần kinh và nâng cao sự tập trung.
Giai đoạn cho con bú, mẹ nên ăn các loại thịt để tăng dưỡng chất trong sữa mẹ. Đến khi ăn dặm, hãy bổ sung các loại thịt trong khẩu phần ăn của bé, giúp bé phát triển toàn diện hơn.
1.5. Rau xanh
Bên cạnh những thực phẩm trên thì rau xanh là không thể thiếu cho sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ. Rau xanh chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là rau có lá màu xanh đậm như cải xoăn, cải bó xôi rất giàu folate, vitamin và các chất chống oxy hóa, bảo vệ não bộ khỏi tác hại của các gốc tự do, giúp trí não minh mẫn hơn.
Rau bina, rau diếp, măng tây…là nguồn axit folic tuyệt vời, giúp phục hồi và duy trì tế bào cũng như hình thành ADN.
Nhìn chung, rau xanh là thực phẩm thiết yếu cho não bộ của trẻ, vì vậy hãy cho bé ăn rau mỗi ngày.
Nếu bé không thích rau mẹ hãy bổ sung bằng cách thêm rau vào trứng hoặc chế biến cùng món ăn khác một cách khéo léo.
1.6. Trái cây
Trái cây hay các loại quả mọng như: cam, quýt, táo, mận, lựu… là thực phẩm tốt cho trí não vì chúng chứa nhiều vitamin C, giúp não bộ luôn tỉnh táo và khỏe mạnh.
Vitamin C còn có khả năng bảo vệ và chống suy giảm tinh thần, hỗ trợ sức khỏe não bộ. Đây cũng là chất chống oxy hóa, ngăn ngừa tác hại của các gốc tự do và giữ cho các tế bào não khỏe mạnh.
Ngoài ra, các loại quả có màu sắc nổi bật như cà chua, bí đỏ, ớt chuông…cũng là nguồn cung cấp vitamin và chất xơ cho não bộ phát triển và ngăn ngừa táo bón.
Mẹ nên lựa chọn các loại trái cây sạch để tránh nguy cơ từ thuốc trừ sâu và hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
1.7. Các loại hạt
Hướng dương, óc chó, hạt bí, quả hạch, đậu phộng…là những loại hạt chứa nhiều Omega 3, 6, vitamin B6, E. Đây là những dưỡng chất giúp tâm trạng tốt hơn và giữ cho hệ thần kinh khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ.
Ví dụ như hạt bí chứa nhiều magiê nên rất cần thiết cho khả năng ghi nhớ, học tập; sắt, kẽm hỗ trợ truyền tín hiệu thần kinh, nếu trẻ thiếu hụt những khoáng chất này sẽ bị suy giảm chức năng não bộ.
Mẹ chỉ nên cho bé ăn các loại hạt khi đã được xay nhuyễn và khi bé được 1 tuổi trở lên, tránh bị hóc.
1.8. Ngũ cốc
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp glucose cho não bộ để tạo ra năng lượng và nó là thực phẩm tốt cho trí não mà mẹ không nên bỏ qua.
Ngũ cốc chứa nhiều chất xơ và các vitamin nhóm B, giúp điều hòa nồng độ đường huyết và là thành phần không thể thiếu cho hệ thần kinh khỏe mạnh.
Trong các loại ngũ cốc thì yến mạch là thực phẩm rất quen thuộc và bổ dưỡng cho não bộ. Yến mạch nguyên hạt sở hữu nhiều chất xơ, vitamin E, vitamin nhóm B, kali và kẽm, cung cấp năng lượng cho não bộ và đảm bảo cơ thể trẻ hoạt động ở mức tối ưu nhất.
1.9. Chocolate đen
Chocolate đen chứa flavonoids – hợp chất giúp tăng cường trí nhớ, độ nhạy bén của não bộ thông qua việc tăng máu lưu thông đến não.
Chocolate đen còn chứa caffeine, một chất kích thích não bộ hoạt động, giúp tăng cảm xúc, cải thiện sự tập trung. Bên cạnh đó, thực phẩm này còn kích thích sản sinh endorphin – chất giúp giải tỏa căng thẳng.
Tuy nhiên, với trẻ nhỏ thì không nên ăn nhiều chocolate đen, chỉ nên dùng 2–3g/ngày là đủ.
1.10. Tôm
Tôm cũng là loại thực phẩm tốt cho trí não của trẻ. Tôm chứa hàm lượng vitamin B12 rất cao và nó rất cần thiết cho sự phát triển của các tế bào thần kinh não, ngăn ngừa căn bệnh mất trí nhớ. Hơn nữa, tôm còn chứa nhiều axit béo Omega 3 nên rất tốt cho não bộ.
2. Những thực phẩm cần tránh
Bên cạnh những thực phẩm tốt cho trí não của trẻ thì có những món ăn nên hạn chế vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như trí thông minh của bé.
Đồ chiên rán, ăn nhanh
Đồ chiên rán, đồ chế biến sẵn thường là món khoái khẩu của bé nhưng lại chứa một lượng lớn các chất béo có hại và phá hủy các tế bào thần kinh trong não.
Điều này rất nguy hiểm vì từ 1-5 tuổi là giai đoạn não đang hoàn thiện và phát triển để hình thành tư duy và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Cho bé ăn quá nhiều đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, món chế biến sẵn là mẹ đang vô tình làm giảm trí thông minh của bé.
Đồ ngọt
Trẻ em thì bao giờ cũng thích đồ ngọt như: kẹo, bánh, cocacola….Tuy nhiên, những đồ ăn này không tốt cho não bộ và sức khỏe của bé.
Trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt sẽ dẫn đến tình trạng kém thông minh, không tập trung quá trình học tập, vui chơi. Nguy hiểm hơn, đồ ngọt còn khiến bé có cảm giác no lâu, không thèm ăn, lâu ngày sẽ dẫn đến biếng ăn và nguy cơ suy dinh dưỡng, chậm phát triển não bộ là vấn đề bé phải đối diện.
Ngoài ra, các chất tạo ngọt nhân tạo trong kẹo, bánh, kem…còn làm tổn thương não, suy giảm khả năng nhận thức, giảm độ nhạy bén, sáng tạo trong tư duy của bé.
Đồ ăn quá mặn
Xơ cứng động mạch, cao huyết áp là hậu quả của việc ăn quá mặn. Không chỉ vậy, những món ăn được nêm nhiều muối còn làm ảnh hưởng đến sự hoạt động của não bộ, dẫn đến thiếu máu, thiếu oxi và cuối cùng là não chậm phát triển.
Vì vậy, hạn chế cho bé ăn các món nhiều muối như: dưa muối, thịt muối, thịt hun khói…là cách tốt nhất giúp bé thông minh hơn.
Đồ nướng, đồ chín quá
Món thịt, cá…khi nướng hoặc tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ hình thành các gốc tự do, bé ăn những món này sẽ khiến não bị thoái hóa sớm và giảm trí thông minh.
Chính vì vậy, mẹ nên hạn chế cho bé ăn đồ nướng nhé!
3. Lời kết
Trên đây là những thực phẩm tốt cho trí não mà mẹ nên bổ sung vào khẩu phần ăn của bé mỗi ngày. Bên cạnh đó, mẹ hãy lưu ý đến những món ăn cần tránh để giúp con có một trí não khỏe mạnh và thông minh hơn.
Để bé vững bước trên con đường phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tình thần mẹ hãy cung cấp cho con một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng nhé.
Cuối cùng, chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh !