Sau khi bé yêu chào đời, bên cạnh niềm hạnh phúc ngập tràn thì người mẹ sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác nhau.
Về sức khỏe, sau sinh cơ thể rất yếu nên cần được nghỉ ngơi, chăm sóc nhiều hơn, còn về tâm lí thì thường bất ổn và hay lo lắng.
Mẹ sau sinh nếu không được quan tâm đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần rất dễ rơi vào trạng thái buồn tủi, lo lắng và nặng hơn là trầm cảm sau sinh.
Vậy trầm cảm sau sinh là gì?
Chúng phải làm gì để phòng tránh và vượt qua nó?
Hãy cùng mình tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!
1. Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh hay còn gọi là trầm cảm hậu sản, đây là một dạng của bệnh trầm cảm, ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ và một số ít nam giới sau khi đứa trẻ ra đời.
Các báo cáo cho thấy: tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm sau sinh có độ biến thiên rất rộng, từ một vài cho đến hàng chục phần trăm, điều này là do tiêu chuẩn chẩn đoán ở các quốc gia không đồng nhất.
Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Hùng Vương, tỉ lệ phụ nữ sau sinh có dấu hiệu trầm cảm là 41%, còn theo báo cáo tại bệnh viện Từ Dũ con số này thấp hơn, khoảng 12,5%, trong đó 5,3% là trầm cảm thực sự.
Một nghiên cứu khác cho thấy, cứ 7 phụ nữ Mỹ thì có khoảng 1 người bị trầm cảm trước lúc có bầu, trong thời gian mang thai và sau khi sinh em bé.
Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng: một nửa số phụ nữ trầm cảm sau sinh đã từng trải qua cơn trầm cảm trước khi có bầu và trong suốt thời gian mang thai.
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và sự phát triển trí tuệ, thể chất đứa trẻ.
Ngoài ra, ở giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ cũng có nguy cơ cao bị trầm cảm, rối loạn khí sắc.
2. Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm sau sinh đó là: sinh lý, thể chất và tâm lý xã hội.
2.1. Trầm cảm do sinh lý
Quá trình từ khi mang thai đến khi sinh, hormone trong cơ thể thay đổi khá mạnh. Lượng hormone nữ và thể vàng tăng lên trong giai đoạn mang thai nhưng sau khi sinh sẽ giảm rất nhanh.
Sự giảm suy giảm hormone là nguyên nhân chủ yếu gây trầm cảm. Cũng có nghiên cứu cho rằng hormone vỏ thượng thận và hormone tuyến giáp suy giảm có thể cũng là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm.
2.2. Trầm cảm do thể chất
Những người đã từng mắc chứng bệnh này sẽ có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao gấp 3 đến 5 lần so với người bình thường.
Ngoài ra, những sản phụ ít tuổi, có tiền sử bệnh tâm lý như: căng thẳng, lo lắng cũng dễ bị trầm cảm sau sinh.
2.3. Trầm cảm do tâm lý xã hội
Như chúng ta đã biết, việc chăm sóc một đứa trẻ tốn rất nhiều công sức. Bé thường ngủ nghỉ và ăn uống không theo thời gian cố định nên người mẹ thường mệt mỏi, mất ngủ.
Sức khỏe và tinh thần suy nhược trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh.
Vấn đề tâm lý thích ứng do sự thay đổi thói quen sinh hoạt cũng là nguyên nhân phải kể đến. Chẳng hạn như sự thay đổi vai trò khi mà sản phụ trong thời gian mang thai đang là đối tượng được chăm sóc, bây giờ lại phải chăm sóc người khác nên sẽ cảm thấy rất áp lực.
Ngoài ra, với những người làm mẹ lần đầu sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và không biết làm sao cho tốt. Khi đó, nếu không có sự giúp đỡ từ người khác thì rất dễ nảy sinh tâm lý bị cô lập và thất vọng vô cùng.
Một số tâm lý dự cảm cá nhân như: em bé có phải là niềm mong đợi của sản phụ và gia đình hay không; sức khỏe, sự thay đổi của gia đình sau khi em bé ra đời; sự tăng cân và chuyển đổi công việc sau sinh….
Tất cả những yếu tố trên đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý sản phụ.
3. Biểu hiện trầm cảm sau sinh
Có nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh trầm cảm sau sinh, từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng thường phát triển trong vài tuần đầu, nhưng cũng có thể xuất hiện sau sinh khoảng 6 tháng. Cụ thể như:
- Tâm trạng chán nản và có biến động lớn.
- Khóc rất nhiều.
- Gặp khó khăn trong giao kết với em bé và thu mình tách biệt khỏi gia đình, bạn bè.
- Không thèm ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường.
- Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Lúc nào cũng mệt mỏi và cảm thấy cơ thể không có năng lượng.
- Giảm quan tâm, giảm niềm vui đối với các hoạt động trước đây đã từng thích thú.
- Hay khó chịu, tức giận.
- Lo sợ bản thân không phải là người mẹ tốt và có cảm giác vô dụng, xấu hổ, tội lỗi.
- Suy giảm khả năng suy nghĩ rành mạch, khả năng tập trung, khả năng đưa ra quyết định.
- Lo lắng và hoảng loạn nghiêm trọng.
- Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé.
- Thường nghĩ đến tự sát hoặc nghĩ về cái chết.
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa hội chứng Baby Blues với trầm cảm sau sinh. Hội chứng này thường kéo dài từ vài ngày đến 1, 2 tuần với các biểu hiện như:
- Tâm trạng lâng lâng, lo lắng, buồn bã, hay khóc lóc.
- Luôn có cảm giác quá tải, cáu gắt, khó tập trung.
- Có vấn đề với cảm giác thèm ăn.
- Khó ngủ.
Tuy nhiên, triệu chứng của trầm cảm sau sinh thường dữ dội và kéo dài hơn. Thậm chí nó ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc em bé và xử lý công việc thường ngày của sản phụ.
Mức độ nặng nhất của trầm cảm sau sinh đó là rối loạn tâm thần hay còn gọi là loạn tinh thần hậu sản, nhưng thật may là tình trạng này rất hiếm khi xảy ra.
Loạn tinh thần hậu sản thường phát triển trong tuần đầu sau sinh với những biểu hiện nghiêm trọng như:
- Nhầm lẫn, mất phương hướng.
- Suy nghĩ tiêu cực về em bé.
- Ảo giác, ảo tưởng.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Hoang tưởng.
- Cố gắng làm hại bản thân và em bé.
Rối loạn tâm thần sau sinh sẽ dẫn đến những suy nghĩ, hành động đe dọa ttính mạng sản phụ và em bé. Vì vậy, khi phát hiện bản thân hoặc người thân có các triệu chứng trên hãy lập tức liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời.
4. Cách khắc phục trầm cảm sau sinh
Nếu gia đình bạn có người bị trầm cảm sau sinh thì hãy đưa sản phụ đi khám để được nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc nhà tâm lý học.
Các bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức, giúp người bệnh nhận ra và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và hành vi của mình một cách dần dần.
Ngoài ra còn có liệu pháp tương tác để mọi người xung quanh hiểu và hỗ trợ người bệnh điều trị một cách hiệu quả nhất.
Sản phụ cũng nên kết hợp các biện pháp trị liệu như: tập thể dục hàng ngày, thư giãn, thực hiện các sở thích và cho tiếp xúc với mọi người nhiều hơn…
Sử dụng thuốc cũng là một trong những cách hiệu quả để điều trị bệnh trầm cảm sau sinh, thuốc sẽ tác động lên não bộ và điều chỉnh tâm trạng.
Loại thuốc này thường được sử dụng kết hợp với các liệu pháp kể trên để mang lại hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên việc dùng thuốc chống trầm cảm cần được xem xét và theo đúng chỉ định.
Một điều khá quan trọng nữa là mẹ nên cho con bú thường xuyên để việc điều trị diễn ra hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị nếu đang dùng thuốc thì phải dừng cho con bú để ko ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
Bên cạnh những phương pháp trên, bản thân người mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục.
Mẹ nên tin tưởng và kiên nhẫn vào khả năng cải thiện chứng trầm cảm của bản thân. Hãy lắng nghe cơ thể, đừng quá lo lắng mỗi khi đau hay mệt mỏi vì đây là trạng thái hoàn toàn có thể trải qua, còn nếu cứ lo lắng, mệt mỏi chứng trầm cảm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Hãy chăm sóc sức khỏe bằng việc ăn uống điều độ, bổ sung trái cây và rau xanh hằng ngày, đồng thời lắng nghe cảm xúc bản thân, thư giãn và làm những điều mình thích mẹ nhé!
5. Lời kết
Có thể nói, trầm cảm sau sinh chữa được hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Do đó hãy dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có.
Làm mẹ là một hành trình tuyệt vời với đầy đủ những cung bậc cảm xúc khác nhau. Các mẹ hãy trang bị cho mình thật nhiều kĩ năng và kiến thức, chuẩn bị đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần để có một hành trình đẹp nhất.
Hãy mạnh mẽ vượt qua chính mình, vượt qua những cảm xúc tiêu cực để mẹ khỏe, bé khỏe và cả nhà cùng vui.
Cảm ơn mẹ đã đọc bài viết!