bảo trâm blog logo

Trẻ bị thủy đậu cần làm gì?

trẻ bị thủy đậu cần làm gì
Chia sẻ bài viết
[buzzsprout episode=’8881134′ player=’true’]

Trẻ bị thủy đậu cần làm gì?

Thủy đậu – căn bệnh mà có lẽ ai cũng bị một lần trong đời, kể cả người lớn lẫn trẻ em, đến khi có vắc xin thì tỷ lệ người mắc bệnh mới giảm xuống, nhưng cũng không ngăn ngừa hoàn toàn, có người tiêm vắc xin vẫn bị.

Điển hình là bé Gấu nhà mình, lúc hơn 2 tuổi cũng bị thủy đậu, mặc dù trước đó đã tiêm vắc xin. Suốt thời gian bệnh mình rất lo lắng và thương xót con vì thủy đậu phát ra ngoài cơ thể nhìn rất sợ.

Cũng may là mình tìm hiểu khá nhiều về căn bệnh này do hồi sinh viên đã từng “dính”, đi kèm với đó là những kinh nghiệm của mẹ và bà truyền lại, cho nên bé Gấu chỉ mang bệnh trong thời gian ngắn và nhanh chóng hồi phục.

Không khó để các bạn tìm được thông tin về bệnh thủy đậu trên internet (xem TẠI ĐÂY) vì thế mình không nói lại về nguyên nhân, triệu chứng hay dấu hiệu của căn bệnh này mà chỉ chia sẻ quá trình mình chăm sóc như thế nào để bé nhanh khỏi và hồi phục sức khỏe một cách sớm nhất. Mời bạn theo dõi !

1. Cách ly bé

Việc đầu tiên mình làm đó là cách ly bé với môi trường bên ngoài. Lúc bắt đầu có dấu hiệu của bệnh mình đã cho nghỉ học.

Như các bạn đã biết, bệnh này lây lan rất nhanh, chỉ cần bé ho hay nói chuyện là có thể lây cho người khác, đặc biệt là những người chưa từng bị bệnh này vì virus thủy đậu có trong nước bọt.

Tiếp theo là đồ dùng sinh hoạt, những vật dụng như chén bát, khăn mặt, bàn chải đánh răng…của bé đều được để riêng ra một chỗ, kể cả quần áo của bé khi thay ra mình cũng giặt riêng, bằng một chiếc chậu riêng chứ không giặt bằng máy như mọi khi.

2. Vệ sinh cá nhân

Không ít người luôn nghĩ rằng: bị thủy đậu thì phải kiêng gió và kiêng nước, điều này chỉ đúng một nửa.

Người bị thủy đậu phải kiêng gió vì lúc này hệ miễn dịch xuống rất thấp, nếu ra gió có thể bị cảm lạnh, nhất là vào những ngày mùa đông.

Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là bạn đặt bé trong phòng kín mít, việc này khiến bé cảm thấy bí bách, đặc biệt mùa hè bé sẽ nóng và chảy mồ hôi làm nhiễm khuẩn tại các vết phỏng, bạn hoàn toàn có thể dùng quạt như bình thường, không sao đâu.

Về kiêng nước thì đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thử nghĩ mà xem, người bình thường 3,4 hôm không tắm đã cảm thấy khó chịu như thế nào rồi mà đây bé đang bị thủy đậu, mụn lở loét khắp người. Không tắm, không lau chùi, không vệ sinh sẽ dẫn đến nhiễm trùng vết thương, bệnh càng nặng thêm.

chăm sóc trẻ bị thuy đậu đúng cách
Chăm sóc bé đúng cách khi bị thủy đậu

Khi mụn bắt đầu xuất hiện trên cơ thể bé Gấu, mình chủ động vệ sinh và tắm cho con bằng nước ấm trong thời gian ngắn và trong phòng kín gió. Khi tắm xong mình lau khô người và cho con mặc những bộ quần áo thoáng mát.

Thấy nhiều mẹ còn tắm lá cho trẻ bị thủy đậu, mình thì nói không với hành động này. Bởi vì da của trẻ em rất mỏng và nhạy cảm, dễ bị tổn thương, nhiễm khuẩn, mà trên các loại lá thì vi khuẩn rất nhiều, chưa kể thuốc bảo vệ thực vật. Cho dù bạn rửa sạch và đun sôi thì chưa chắc đã diệt được hết vi trùng.

Một vấn đề khác đó là tính chất của lá, ví dụ như lá bàng hay lá chè xanh, 2 loại lá này rất chát, khi tiếp xúc với các nốt phỏng sẽ gây cho bé cảm giác xót. Còn lá tre thì lông rất nhiều, gây ngứa trên da.

Tóm lại, không nên tắm lá cho bé trong thời gian bị thủy đậu, ngày xưa các cụ dùng phương pháp này vì không có thuốc và khoa học công nghệ chưa phát triển, còn bây giờ tất cả đều được chứng minh bằng y khoa, không thiếu gì cách để bạn chăm sóc bé mà cứ phải tắm lá.

Ngoài ra mình còn đeo găng tay cho bé để con không gãi, tránh làm vỡ các nốt phỏng và lây ra xung quanh. Mình nghĩ cách này chỉ cần áp dụng với những bé dưới 2 tuổi, còn những bé lớn hơn, đã biết nói thì bạn hãy cắt ngắn móng tay sau đó dặn bé không được gãi và chú ý đến hành động của con.

3. Trẻ bị thủy đậu dùng thuốc gì?

Nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ có chi chít nốt thuốc xanh trên người thì gần như có thể kết luận bé đang bị thủy đậu, đó là thuốc xanh methylen, có tác dụng ngăn ngừa bội nhiễm khuẩn, sát trùng và nhanh khô vết phỏng.

Mình cũng bôi cho Gấu nhưng không bôi một cách tùy tiện, chỉ khi vết phỏng vỡ ra mình mới bôi. Theo mình biết thì bôi khi nốt phỏng chưa vỡ không có tác dụng gì, các bạn cũng không nên chọc vỡ, vì trên một vùng da có nốt mới phát ban, có nốt đang phỏng, có nốt đã vỡ, nếu bạn cố tình chọc ra thì sẽ lây sang vùng xung quanh và đặc biệt là để lại sẹo, hãy để nốt phỏng vỡ một cách tự nhiên sau đó bôi thuốc.

trẻ bị thủy đậu cần làm gì
Sử dụng thuốc một cách hợp lý và theo chỉ định của bác sĩ

Trong suốt thời gian bé Gấu bị thủy đậu, bé cũng sốt nhưng không cao cho nên mình không dùng thuốc. Mẹ mình cũng dặn tuyệt đối không được cho bé uống thuốc aspirin (thuốc giảm đau hạ sốt) vì thuốc này có thể dẫn đến suy gan, nếu sốt cao thì dùng paracetamol theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên bôi một số loại thuốc mỡ như: tetaxiclin, penixilin và thuốc đỏ.

Quay trở lại với thuốc xanh methylen, khi nốt phỏng vỡ ra mình lấy một chiếc tăm bông sau đó chấm thuốc lên. Khoảng 1,2 ngày sau nốt phỏng đóng vẩy thì mình dùng thêm thuốc trị ngứa vì bé cứ kêu ngứa ở những vết đó.

Các bạn lưu ý, với những mẹ có bé dưới 6 tháng tuổi mà bị thủy đậu thì tuyệt đối không được dùng thuốc trị ngứa mà trong thành phần có chứa phenol nhé.

4. Ăn uống

Trong suốt thời gian bị thủy đậu mình đặc biệt chú trọng đến vấn đề ăn uống, việc này giúp con có đầy đủ dinh dưỡng và sức khỏe để chống chọi với căn bệnh khó chịu này. Có 2 vấn đề mình quan tâm đó là nên và không nên ăn gì?

Nên ăn

Yếu tố đầu tiên mình thay đổi trong mỗi bữa ăn đó là cho bé ăn nhạt hơn, đồ ăn chủ yếu là những thứ mềm và mát vì mình đã từng mắc thủy đậu cho nên cảm nhận được quá trình mang bệnh việc ăn uống trở lên rất khó khăn. Ngoài ra, mình hạn chế cho bé ăn thịt mà tăng cường các loại rau xanh có chứa vitamin A và vitamin C như: cà rốt, súp lơ…

Mẹ hãy nhớ, trẻ bị thủy đậu không thích ăn những thức ăn dạng thô cứng. Vì vậy hãy nấu các món dạng lỏng như cháo hay súp bé sẽ dễ nuốt hơn, ví dụ như: cháo đậu xanh, đậu đỏ, cháo gạo lứt… Bên cạnh đó, thực phẩm chứa nhiều kẽm, canxi, magiee giúp bé nhanh hồi phục hơn, như các loại hạt, ngũ cốc..

Mình thì nấu cháo gạo lứt kèm súp lơ xanh, ngày 4 bữa nhỏ (sáng, trưa, chiều, tối), mặc dù bé đau và khóc nhiều nhưng vẫn cố gắng cho bé ăn hết. Cũng may bé khá thích uống ngũ cốc yến mạch cho nên 1 ngày vẫn dụ được 2 cốc.

Các mẹ hãy nhớ, cho bé uống nước đầy đủ mỗi ngày, nước sôi để nguội hoặc nước ép trái cây cũng được.

Không nên ăn

Trẻ bị thủy đậu cực kỳ kị với thức ăn nhiều dầu mỡ và cay nóng như gừng, ớt, tỏi, hành…bởi nó gây nhiệt miệng và tăng nguy cơ bội nhiễm ở các vết phỏng. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo như sữa, bơ hay các loại thịt cũng là nguyên nhân khiến vết ban kéo dài, lâu lành hơn.

Bạn cũng không nên cho bất cứ loại hải sản nào vào thức ăn của bé, hải sản sẽ gây thêm ngứa và dị ứng cho bé trong thời kỳ này. Ngoài ra còn một số thực phẩm bạn cần chú ý, như:

  • Đồ nếp: xôi, bánh chưng, bánh bao… sẽ khiến vết phỏng mưng mủ.
  • Thực phẩm chứa nhiều axit: cam, chanh, bưởi, bánh quy, bánh cacao…gây tổn thương vùng da bị phỏng, tạo thành sẹo sau khi khỏi.
  • Các loại thịt tính nóng như thịt gà cũng nên kiêng, giảm nguy cơ bội nhiễm vết thương.

Cuối cùng là nhục quế hay còn gọi là quế, chắc nhiều mẹ không lạ gì loại cây này. Đây là thực phẩm đại kị với căn bệnh thủy đậu, chỉ cần bé ăn gì đó có một chút quế thôi là bệnh sẽ trở lên trầm trọng hơn rất nhiều vì quế có tính đại nhiệt và tổn hại âm chất trong cơ thể trẻ.

5. Kết luận

Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm của mình áp dụng với bé trẻ bị bệnh thủy đậu. Cá nhân mình thấy những phương pháp trên rất hiệu quả, bạn chỉ cần thực hiện đúng là được. Nhờ vậy mà bé Gấu nhà mình hồi phục khá nhanh, tính từ lúc bắt đầu có dấu hiệu bệnh cho đến lúc khỏi chỉ khoảng 9 ngày (thường thì trên 10 ngày).

Sự nguy hiểm của thủy đậu như thế nào chắc các mẹ đã biết, căn bệnh này có thể dẫn đến những biến chứng như viêm màng não, co giật, nhiễm khuẩn máu…

Vì vậy, khi trẻ bị thủy đậu mẹ hãy chăm sóc con một cách chu đáo và khoa học nhé. Tuyệt đối không nghe người khác mách bài thuốc này, bài thuốc kia để trị bệnh, thế kỷ 21 rồi chỉ nghe theo khoa học thôi các mẹ ạ.

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho các mẹ những thông tin hữu ích về cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu. Nếu có thắc mắc hay góp ý gì vui lòng để lại bình luận phía dưới !

Nội dung khác

Nhận thông báo
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận

Xin chào ! Mình là Oanh

"Kẻ đứng sau" Bảo Trâm Blog
Bảo Trâm Blog mẹ và bé
error:
0
Mình rất muốn nghe ý kiến của bạn về bài viết này !x