bảo trâm blog logo

Trẻ biếng ăn phải làm sao? Nguyên nhân, biểu hiện, giải pháp

Trẻ biếng ăn phải làm sao?
Chia sẻ bài viết

Biếng ăn luôn là “vấn nạn” mà nhiều mẹ đang nuôi con nhỏ gặp phải. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà còn tác động xấu đến tâm lý người mẹ.

Vậy chúng ta phải làm gì khi trẻ biếng ăn? Nguyên nhân và biểu hiện của tình trạng này là gì?

Hãy cùng mình tìm lời giải đáp qua bài viết này nhé!

1. Biếng ăn là gì?

Khái niệm biếng ăn được hiểu là trẻ không chịu ăn đủ số lượng thức ăn cần thiết và khiến cho bữa ăn kéo dài trên 30 phút, thậm chí là hàng tiếng đồng hồ.

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Tình trạng biếng ăn diễn ra phổ biến ở trẻ từ 1- 6 tuổi. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp trẻ biếng ăn thường do tâm lý, chỉ một số ít là do bệnh lý.

Vì vậy, các mẹ đừng quá lo lắng khi thấy con biếng ăn, hãy bình tĩnh để có cách xử trí phù hợp nhất.

2. Nguyên nhân trẻ biếng ăn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn nhưng dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất.

2.1. Thực đơn nhàm chán

Nhiều mẹ thường có thói quen cho con ăn đi ăn lại 1-2 món, chính điều này khiến trẻ trở nên biếng ăn hơn.

Khi mà thực đơn hàng ngày quá giống nhau, dù bé có ham ăn đến mấy thì cũng chuyển sang ngán ngẩm. Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn.

2.2. Không hợp khẩu vị

Chúng ta thường có suy nghĩ áp đặt lên con trẻ. Tuy nhiên, món mẹ thích không có nghĩa là bé cũng thích. Việc lên thực đơn với đầy đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng, thế nhưng trẻ em thì chưa thể nhận thức được điều này.

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Khi được ăn những món hợp khẩu vị bé sẽ ăn nhiều hơn và ngược lại, nếu cha mẹ cố ép, lâu ngày sẽ tạo áp lực cho con và kết quả là biếng ăn.

2.3. Sức khỏe không tốt

Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em, khi sức khỏe có vấn đề thì sẽ không muốn ăn. Vì vậy, khi bé đang bị bệnh, hoặc cơ thể khó chịu sẽ dẫn đến chán ăn.

Nếu bé có biểu hiện biếng ăn, mẹ hãy quan sát và theo dõi sức khỏe của con, xem có bị sốt, ho hay đau ở đâu không. Sau khi tìm ra nguyên nhân, hãy đưa bé đi khám bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.

Một số bệnh có thể dẫn đến biếng ăn như:

  • Trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa như: đầy bụng, khó tiêu…đ ây có thể là những biểu hiện của loạn khuẩn đường ruột hoặc cơ thể thiếu men tiêu hóa, từ đó dẫn đến cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng.
  • Trẻ mắc các bệnh hô hấp như: viêm phế quản, viêm amidan, viêm họng.
  • Trẻ bị nhiễm giun sán, nhiễm bệnh do virus hay vi khuẩn gây ra (ho, sốt, bệnh tai mũi họng…)
  • Trẻ mọc răng, nướu sưng tấy, thành ra việc nhai nuốt sẽ khó khăn hơn.

Thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh, uống sắt hoặc dùng vitamin A, D quá liều cũng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.

2.4. Nhiều bữa phụ, ăn vặt

Có rất nhiều mẹ thường cho bé ăn bữa phụ trước bữa chính chỉ khoảng 1-2 tiếng, điều này khiến trẻ no bụng và không còn cảm giác đói khi đi vào bữa chính.

Thường xuyên ăn vặt như: bánh, kẹo, trái cây, nước ngọt… cũng là nguyên nhân làm trẻ không muốn ăn. Ngoài ra, những món ăn vặt còn tác động xấu đến sức khỏe của trẻ, mẹ nên chú ý.

2.5. Ép trẻ ăn

Đây là tình trạng rất phổ biến ở những mẹ đang nuôi con nhỏ. Vì sợ con đói, thiếu hụt dinh dưỡng nên ra sức ép trẻ ăn, kể cả khi con đã no.

Tình trạng trên nếu diễn ra trong thời gian dài, tâm trí trẻ sẽ hình thành nỗi sợ hãi, cứ đến bữa ăn là trốn tránh, không muốn ăn vì sợ mẹ quát nạt, thúc ép.

Các mẹ hãy nhớ rằng: khi đói, bé sẽ tự ăn và ăn theo nhu cầu, không nên thúc ép trẻ.

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

2.6. Mất tập trung khi ăn

Hiện nay, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh các ông bố bà mẹ bật tivi, điện thoại để dụ con ăn, một số khác thì lại có thói quen đưa đi ăn rong. Những hành động này là hết sức sai lầm.

Việc ăn rong hay xem tivi, điện thoại sẽ khiến trẻ không tập trung vào bữa ăn, lâu dần sẽ giảm cảm giác thèm ăn, dẫn tới biếng ăn.

2.7. Không khí nhàm chán

Với trẻ em, việc tạo hứng thú khi ăn uống rất quan trọng. Vì vậy, mẹ không nên để bé ăn riêng một mình mà hãy cho ăn cùng bữa với các thành viên trong gia đình. Điều này giúp bé ăn ngon miệng hơn vì không cảm thấy đơn độc.

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

2.8. Tâm lý

Nhiều mẹ thấy con ăn ít hơn các bạn đồng trang lứa nên ra sức ép bé ăn, lâu ngày khiến bé mang tâm lý sợ hãi, nhưng mẹ biết không?

Những vấn đề về tâm lý có nguy cơ gây ra chứng rối loạn ăn uống ở trẻ nhỏ, bé sẽ không xác định được món nào nên ăn, món nào nên bỏ hoặc ăn quá nhiều, dẫn đến thừa cân, béo phì. Nguy hiểm hơn, những đứa trẻ biếng ăn thường dễ chán nản, khó kiềm chế cảm xúc và luôn bị ám ảnh về việc ăn uống.

Ngoài ra, khi tinh thần ức chế hay căng thẳng do những vấn đề xảy ra trong cuộc sống cũng khiến trẻ nảy sinh tâm lý chán ăn, ví dụ như: bị điểm kém, xích mích với bạn bé, cha mẹ mắng…

2.9. Di truyền

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: di truyền cũng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.

Những trẻ sinh ra bởi ông bố, bà mẹ có tiền sử mắc các bệnh như: viêm khớp, viêm đại tràng, suy thận có nguy cơ biếng ăn cao hơn những trẻ có bố mẹ bình thường.

Thật may là trẻ biếng ăn do yếu tố di truyền chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít.

3. Biểu hiện của trẻ biếng ăn

Khi rơi vào tình trạng biếng ăn, trẻ sẽ có những biểu hiện sau:

  • Ăn rất ít hoặc chỉ ăn một số món nhất định, thậm chí có bé chỉ ăn 1-2 thìa là nhè ra, không muốn ăn nữa.
  • Không muốn ăn những món ăn mới hoặc không ăn tất cả các loại thức ăn.
  • Ngậm thức ăn trong miệng, không chịu nhai và nuốt.
  • Ăn lâu, ăn chậm, bữa ăn thường kéo dài trên 30 phút. Lượng thức ăn nạp vào người ít hơn trẻ cùng độ tuổi.
  • Nhìn thấy mẹ dọn thức ăn ra là trốn tránh.
  • Khi ăn luôn có biểu hiện nhăn nhó, không chịu há miệng, thậm chí là quấy khóc.
  • Không tăng cân trong vòng 3 tháng.

4. Hậu quả của việc trẻ biếng ăn

Nếu tình trạng biếng ăn không được khắc phục kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể như sau:

Suy dinh dưỡng

Như chúng ta đã biết, ăn uống giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất từ thực phẩm, nhờ đó mà duy trì được thể trạng, năng lượng và nâng cao hệ miễn dịch.

Nếu trẻ biếng ăn trong thời gian dài sẽ bị thiếu chất, chậm phát triển chiều cao và cân nặng, còi xương, suy dinh dưỡng. Cơ thể dần mất năng lượng, hoạt động kém và mệt mỏi.

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Biếng ăn sẽ làm cho các vi chất trong cơ thể mất cân đối, thành ra dễ mắc bệnh hơn những trẻ ăn uống bình thường. Điều này là do hệ miễn dịch bị suy yếu, sức đề kháng kém, mất khả năng miễn nhiễm trước một số bệnh nhẹ.

Đây cũng là lý do tại sao trẻ biếng ăn thường dễ mắc các bệnh viêm nhiễm như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp… và có làn da thô ráp, tóc khô, dễ bị dị ứng.

Kém hấp thu

Biếng ăn kéo dài sẽ làm cho hệ tiêu hóa hoạt động kém đi, từ đó dẫn đến rối loạn và kém hấp thu.

Ngoài việc cho bé ăn uống đầy đủ chất, cha mẹ có thể bổ sung thêm lợi khuẩn thông qua các thực phẩm như men vi sinh, sữa chua, siro ăn ngon cho bé…

Rối loạn tăng trưởng

Trẻ trong giai đoạn từ 1-6 tuổi có nhu cầu dinh dưỡng rất cao. Khi biếng ăn, lượng dưỡng chất trong cơ thể bị thiếu hụt dẫn đến tình trạng rối loạn tăng trưởng, chậm phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Ví dụ như:

  • Thiếu vitamin B1 có thể gây phù nề chân tay, tê liệt.
  • Thiếu vitamin A dẫn đến thị lực kém.
  • Thiếu sắt có nguy cơ thiếu máu.
  • Thiếu canxi dẫn đến còi xương.

Vì vậy, ăn uống đầy đủ với một thực đơn khoa học sẽ giúp trẻ tăng trưởng toàn diện hơn.

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Ảnh hưởng tâm sinh lý

Biếng ăn kéo dài còn ảnh hưởng tới tâm sinh lý và tính cách của trẻ. Những bé biếng ăn lâu ngày thường có biểu hiện trầm cảm, ngại giao tiếp, ít nói và thu mình trước những sự vật, sự việc xung quanh.

Ngoài ra, chỉ số EQ của trẻ biếng ăn cũng thấp hơn bình thường. Trẻ khó thích ứng với môi trường xung quanh, khả năng giao tiếp hạn chế và không thể hòa đồng với bạn bè, đám đông.

Để tránh trường hợp này, mẹ nên cho bé ăn các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm, sắt, đồng….

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Chậm phát triển trí não

Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, biếng ăn kéo còn tác động tiêu cực tới não bộ của trẻ nhỏ.

Những trẻ biếng ăn thường có chỉ số phát triển trí tuệ rơi vào khoảng 96 điểm, thấp hơn 14 điểm so với những đứa trẻ ăn uống bình thường.

Vì vậy, khi biếng ăn trí não của trẻ sẽ chậm phát triển, mất khả năng tập trung, trí nhớ kém và suy giảm tính nhạy bén.

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

5. Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Để khắc phục tình trạng biếng ăn mẹ nên kiên trì và cần có sự phối hợp của những thành viên khác trong gia đình. Với những bé đã đi học thì nhà trường và cô giáo cũng phải trợ giúp để bé có thể bắt kịp đà tăng trưởng.

Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ.

5.1. Đa dạng thực đơn, chế biến hấp dẫn

Mẹ hãy xây dựng một thực đơn đa dạng và khoa học với đầy đủ các nhóm dưỡng chất tùy theo độ tuổi. Việc này không chỉ giúp bé được ăn uống đủ chất mà còn tạo cảm hứng cho con với bữa ăn.

Để có thể chế biến ra những món ăn hấp dẫn, mẹ hãy quan sát và nắm bắt sở thích của bé. Phải làm sao cho món ăn vừa ngon, vừa đẹp mắt, mục đích là để kích thích sự thèm ăn của trẻ.

Ví dụ như mẹ có thể trang trí và tạo hình các loại rau củ quả, cơm, trứng…thành hình gương mặt ngộ nghĩnh, ô tô, hoa lá…chắc chắn bé sẽ thích và ăn được nhiều hơn.

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Hãy nhớ rằng: một thực đơn nhàm chán, lặp đi lặp lại sẽ làm cho trẻ dần trở nên biếng ăn!

5.2. Không ép bé ăn, hãy ăn trong vui vẻ

Ép ăn chính là con dao giết chết cảm xúc ăn uống của trẻ nhỏ. Hành động này nếu kéo dài sẽ tạo cho bé áp lực tâm lý cực lớn trước mỗi bữa ăn và hậu quả là gì chắc các mẹ cũng biết rồi đấy.

Cha mẹ hãy để con ăn theo nhu cầu, đừng ép khi bé đã no. Trong mỗi bữa ăn, mẹ hãy trò chuyện cùng con, các thành viên khác trong gia đình cũng tiếp sức bằng cách tạo không khí vui vẻ, thoải mái để bé chủ động ăn.

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

5.3. Giảm số bữa

Khi bé bắt đầu có dấu hiệu biếng ăn, mẹ hãy giảm bớt số lượng bữa phụ và tập trung vào bữa chính. Việc này là để trẻ không cảm thấy khó chịu khi ăn.

Tất nhiên, mẹ vẫn phải cho bé ăn đủ 3 bữa chính, nhưng bữa phụ hãy thay bằng các đồ ăn mà bé yêu thích, làm như vậy chắc chắn bé sẽ giữ được cảm xúc với việc ăn uống.

5.4. Hạn chế ăn vặt

Trẻ em thì luôn thích ăn vặt. Bánh kẹo, bim bim, nước ngọt…luôn là những đồ ăn khoái khẩu và thu hút các bé. Tuy nhiên, ăn vặt quá nhiều sẽ khiến trẻ ngang dạ, không có cảm giác đói bụng và tất nhiên là không còn muốn ăn trong bữa chính.

Những món ăn vặt kể trên cũng không có lợi cho sức khỏe và tạo cảm giác no giả, trong khi thực chất bé vẫn đang đói và thiếu chất.

Chính vì vậy, mẹ nên hạn chế cho bé ăn vặt để duy trì cảm hứng của con.

5.5. Không ăn quá lâu

Khi con không chịu ăn, rất nhiều mẹ thường có thói quen đưa đi rong. Hành động này sẽ khiến cho bữa ăn dài hơn, thức ăn bị biến chất và trẻ ăn không còn ngon miệng.

Việc ăn quá lâu làm cho thời gian giữa các bữa bị thu hẹp, thức ăn chưa kịp tiêu đã phải ăn tiếp, thành ra chán ăn.

Hãy cố gắng cho bé ăn trong một khoảng thời gian vừa đủ, nếu không ăn hết thì đừng ép con mẹ nhé!

5.6. Thường xuyên vận động

Ngoài những biện pháp trên, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn. Cha mẹ có thể cùng con chơi thể thao, đạp xe, bơi lội….Vận động sẽ giúp trẻ tiêu hao nhiều năng lượng trong cơ thể, từ đó tạo cảm giác thèm ăn và ăn ngon hơn.

Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Với những bé còn nhỏ, mẹ hãy masage cho con để hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn và hạn chế các chứng bệnh liên quan.

5.7. Không xem điện thoại, tivi khi ăn

Cha mẹ không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi hoặc vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại…Việc này sẽ khiến trẻ mất tập trung, ăn trong vô thức và không cảm nhận được hương vị của thực phẩm.

5.8. Một số cách khác

Ngoài những cách trên, mẹ hãy áp dụng một số biện pháp sau để hạn chế tình trạng biếng ăn ở trẻ.

  • Tẩy giun cho bé định kỳ 6 tháng/lần. Nhiễm giun sán cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.
  • Tuyệt đối không được dùng thức ăn làm phần thưởng, tránh để bé nảy sinh suy nghĩ: ăn là để được thưởng chứ không phải là ăn vì bé thích.
  • Với những bé lớn tuổi, mẹ hãy cho con tham gia vào quá trình nấu ăn, ví dụ như: rửa rau, đánh trứng, bóc hành tỏi… Làm như vậy sẽ kích thích bé muốn ăn những đồ mà mình đã phụ giúp mẹ.
  • Chia nhỏ khẩu phần ăn để bé không bị ngán.
  • Bổ sung thêm các khoáng chất và vitamin thiết yếu bằng các loại thực phẩm chức năng nguồn gốc tự nhiên như: men vi sinh, siro ăn ngon cho bé, viên kẽm…

6. Lời kết

Trị biếng ăn cho bé là một cuộc chiến trường kỳ. Điều quan trọng nhất là mẹ phải kiên nhẫn và nắm bắt được nhu cầu của con để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhất.

Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp mẹ có thêm nhiều kiến thức để nuôi con tốt hơn. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn gì mẹ hãy comment phía dưới để chúng ta cùng nhau thảo luận nhé!

Cảm ơn mẹ đã đọc bài viết!

Nội dung khác

Nhận thông báo
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận

Xin chào ! Mình là Oanh

"Kẻ đứng sau" Bảo Trâm Blog
Bảo Trâm Blog mẹ và bé
error:
0
Mình rất muốn nghe ý kiến của bạn về bài viết này !x