Hiện tượng trẻ sơ sinh hay vặn mình, rướn người, rặn è è khi ngủ thường xảy ra trong giai đoạn từ 5 – 6 tuần tuổi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhưng nhìn chung đây là một biểu hiện sinh lý bình thường, trên 4 tháng tuổi sẽ tự hết.
Vậy tại sao trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ, nguyên nhân và biểu hiện của tình trạng này là gì?
Chúng ta sẽ tìm hiểu ngay bây giờ nhé!
1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, hầu hết các bé sau khi sinh đến khi vài tuần tuổi đều có biểu hiện vặn mình khi ngủ.
Hiện tượng này là do bé chưa quen với cuộc sống mới ở bên ngoài tử cung. Khi ra đời, các tế bào thần kinh chưa biệt hoá, vỏ não và thể vân chưa phát triển nên hoạt động dưới vỏ chiếm ưu thế.
Do đó, bé sẽ vận động chân tay thường xuyên hơn vì phản ứng của vỏ não có xu hướng lan toả khi bị kích thích.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân cũng khiến trẻ sơ sinh hay vặn mình, ví dụ: ngủ trên nệm quá cứng, gối đầu cao hoặc tư thế ngủ khiến bé không thoải mái…
2. Biểu hiện
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ sẽ có những biểu hiện rõ rệt nhưng được chia thành 2 trường hợp: biểu hiện sinh lý và biểu hiện bệnh lý. Mẹ nên theo dõi xem đó có phải là dấu hiệu sinh lý bình thường hay là biểu hiện của bệnh lý khác.
2.1. Biểu hiện sinh lý
Với biểu hiện sinh lý, bé sẽ gồng người, vặn mình, mặt đỏ lên và kết thúc trong vài phút. Hiện tượng này đến tháng thứ 2, thứ 3 sẽ dừng hẳn, bé ăn ngon ngủ tốt, lên cân bình thường và không có gì đáng ngại.
Nguyên nhân chủ yếu là do chỗ ngủ của bé không được thoải mái, ấm áp, có quá nhiều ánh sáng hoặc tiếng ồn khiến bé giật mình.
Ngoài ra, một số bé khi đói cũng hay vặn mình hoặc khi bé đói cũng hay vặn mình. Vì vậy mẹ cần cho bé bú thường xuyên hơn, từ 2 – 3 tiếng bú 1 lần. Không nên cho bú quá nhiều, sẽ gây chướng bụng, đầy hơi, nôn trớ.
Quấn khăn quá chật cũng là nguyên nhân khiến bé vặn mình vì tay chân của trẻ nhỏ thường hành động vô thức, nếu bị quấn quá chật bé sẽ khó chịu và phản ứng bằng cách vặn mình.
2.2. Biểu hiện bệnh lý
Với biểu hiện bệnh lý thì ngoài vặn mình còn kèm theo các triệu chứng như: ọc sữa, ra mồ hôi trộm, ngủ không sâu, giật mình, quấy khóc…
Nguyên nhân là do trong những tháng đầu mới sinh nhu cầu canxi của trẻ rất cao, đến khi rời bụng mẹ lượng canxi bị giảm đột ngột khiến bé bị thiếu hụt dẫn tới các hiện tượng như: vặn người, gồng đỏ mặt, khóc và hay thức giấc nửa đêm…
Hệ tiêu hóa không tốt, những tổn thương ngoài da do ngứa, nóng rát hoặc côn trùng cắn cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ.
Đối với vặn mình bệnh lý, mẹ không nên sử dụng các mẹo chữa tại nhà mà phải đưa khám bác sĩ để có chẩn đoán kịp thời, từ đó đưa ra cách chữa và chăm sóc phù hợp nhất.
3. Cách khắc phục trẻ sơ sinh hay vặn mình
3.1. Giúp con có giấc ngủ ngon
Trước tiên, mẹ hãy giúp bé có một giấc ngủ ngon bằng cách đảm bảo không gian ngủ lý tưởng cho bé: nhiệt độ phòng từ 27-29ºC, yên tĩnh, không quá sáng.
Ngoài ra, mẹ cần giặt giũ chăn nệm thường xuyên, vệ sinh phòng sạch sẽ để con không bị ngứa ngáy, khó chịu.
Mỗi khi bé vặn mình mẹ hãy kiểm tra xem tã có ướt không? Mẹ nên chọn loại tã thấm hút tốt để bé luôn cảm thấy thoải mái nhất.
Quần áo bé mặc có bị quá nóng hay quá lạnh không? Hãy mặc cho bé những bộ quần áo ngủ rộng rãi và đủ ấm mẹ nhé!
Kiểm tra da bé có bị đỏ, viêm loét, hay nổi mẩn không? Các lỗ tự nhiên như: hậu môn, bộ phận sinh dục… có gì bất thường, bé có bị sốt hay không?
Khi thấy bé vặn mình, mẹ có thể ôm con vào lòng, vuốt ve, âu yếm bé. Mẹ chỉ cần hát ru, vỗ về hoặc nói chuyện, bé sẽ cảm thấy an toàn và được che chở, từ đó không vặn mình nữa.
3.2. Tắm nắng
Việc tiếp theo mẹ cần làm để khắc phục hiện tượng trẻ sơ sinh hay vặn mình đó là: tắm nắng.
Như các mẹ đã biết, nếu trẻ thường xuyên vặn mình sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tinh thần và thể chất sau này. Chưa kể, một số bé có thể bị biến dạng xương chân tay, chậm mọc răng, rụng tóc hoặc nguy hiểm hơn là tử vong do co thắt thanh quản.
Để khắc phục triệt để mẹ cần bổ sung vitamin D cho bé bằng cách tắm nắng. Loại vitamin này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuyển hóa canxi. Vì vậy, mẹ nên cho bé tắm nắng lúc sáng sớm để hấp thu vitamin D.
Thực tế cho thấy, rất nhiều mẹ vẫn nuôi con theo quan niệm xưa cũ, tránh nắng, tránh gió khi bé còn trong tháng.
Việc kiêng khem quá mức sẽ ảnh hưởng lớn tới sự hấp thụ canxi ở trẻ nhỏ, dẫn tới hiện tượng bé vặn mình, quấy khóc, tím tái vì thiếu canxi.
Thời điểm tắm nắng cho bé tốt nhất là vào lúc sáng sớm, bình minh vừa lên, mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên.
Thời gian tắm nắng cho trẻ sơ sinh tốt nhất chỉ nên từ 10 – 15 phút mỗi ngày, khi tắm nắng chú ý tìm nơi ít gió, ấm áp. Vào những ngày trời lộng gió hoặc quá lạnh thì không nên cho bé ra ngoài tắm nắng.
3.3. Dinh dưỡng
Đối với trẻ bú mẹ thì mẹ ăn gì con ăn đó, để bé đủ dưỡng chất, đủ canxi, vitamin, kẽm… các mẹ hãy ăn uống khoa học và bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Những thực phẩm giàu canxi như: cá hồi, cá ngừ, cá thu hay các loại cá nhỏ có thể ăn cả xương rất tốt cho mẹ đang nuôi con bú. Bên cạnh đó, mẹ cần đa dạng nguồn dưỡng chất bằng cách bổ sung rau xanh, thịt… để bé phát triển tốt hơn.
Trong trường hợp đã áp dụng hết những phương pháp trên mà bé vẫn vặn mình, khó ngủ, ăn không ngon, sút cân và hay quấy khóc thì hãy đưa con đi khám bác sĩ để được chẩn đoán.
4. Lời kết
Đó là toàn bộ chia sẻ của mình về hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh. Hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp bé có được giấc ngủ ngon và không còn vặn mình nữa
Chúc mẹ thành công, chúc bé luôn mạnh khỏe. Cảm ơn mẹ đã đọc bài viết!