Hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên vắt sữa non trước sinh? Có người nói hành động này sẽ khiến tử cung co thắt dẫn, đến sinh non, có người thì lại bảo nên thực hiện.
Vậy vắt sữa non trước khi sinh có tốt không hay sẽ gây nguy hiểm cho mẹ bầu?
Hãy cùng mình tìm hiểu thông qua bài viết này nhé !
Nếu mẹ chưa biết sữa non là gì? Công dụng của nó ra sao thì hãy đọc >>> Sữa non là gì? Những công dụng của sữa non Mẹ cần phải biết !
1. Có nên vắt sữa non trước khi sinh?
Tác hại của vắt sữa non trước khi sinh
Theo quan niệm truyền thống và ý kiến của một số chuyên gia, hành động vắt sữa non trước khi sinh là không cần thiết. Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai cũng không nên cho bé bú vì khi đó cơ thể sẽ sản sinh oxytocin – một loại hormone làm co thắt tử cung.
Giai đoạn cuối của thai kỳ cơ thể mẹ sẽ bắt đầu tiết sữa non, tuy nhiên số lượng sữa rất ít, nếu cố gắng vắt sẽ bị đau và mất sức.
Khi bé chào đời, hormone prolactin có nhiệm vụ kích thích và thúc đẩy quá trình sản xuất sữa, cùng với đó là hành động mút vú của bé sẽ làm cho cơ thể mẹ tiết sữa nhiều hơn, đủ cho nhu cầu của bé.
Vắt sữa non trước khi sinh đồng nghĩa với sự kích thích đầu vú, làm tăng hormone oxytocin và có thể dẫn đến co thắt tử cung, thậm chí là sinh non.
Nghiêm trọng hơn, những mẹ bị nhau tiền đạo hoặc từng đẻ mổ nếu cơn co thắt xuất hiện với cường độ mạnh sẽ dẫn đến xuất huyết âm đạo, rất nguy hiểm.
Ngoài ra, cách lưu trữ và bảo quản sữa non tại nhà thường không đảm bảo yếu tố vô trùng, sữa dễ bị nhiễm khuẩn, trẻ uống vào tác động xấu tới sức khỏe, cụ thể ở đây là các bệnh về tiêu hóa như: tiêu chảy, viêm ruột….
Ai nên vắt sữa non trước khi sinh?
Thực tế thì hành động vắt sữa non trước khi sinh không được khuyến khích. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại có nhiều mẹ vẫn cho con bú khi mang thai (nuôi bú song song) và vắt sữa non trước khi sinh mà không ảnh hưởng đến thai nhi.
Để giải thích cho vấn đề này chúng ta cần xác định rõ đối tượng nào nên vắt sữa non trước khi sinh?
Đó là:
- Phụ nữ mang thai mắc bệnh đái tháo đường sẽ được chuyên gia y tế khuyên nên vắt sữa non trước khi sinh vì trẻ sinh ra bởi những mẹ mắc chứng bệnh trên có nguy cơ hạ đường huyết nên sẽ gặp khó khăn trong việc bú mẹ.
- Những mẹ bị buồng trứng đa nang, đa xơ cứng hoặc mô vú không đầy đủ, đã từng phẫu thuật vú thì có thể vắt sữa non trước khi sinh.
- Những mẹ khi siêu âm có chẩn đoán bé bị hở hàm ếch, sứt môi, dị tật tim mạch hoặc những bé bị down có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng bú mẹ thì nên vắt sữa non trước khi sinh để chuẩn bị cho bé.
- Cuối cùng, nếu mẹ có ý định sinh mổ hoặc đầu ti thụt, ti hình đĩa… cũng nên vắt sữa non trước khi sinh. Đến khi ra đời, mẹ hãy tập cho bé bú đúng khớp ngậm để việc ăn uống của con thuận lợi hơn.
Nhìn chung, mẹ cần ý thức rõ về những mặt lợi và mặt hại của việc vắt sữa non trước khi sinh. Tất cả những trường hợp có tiền sử đẻ non, đang trong giai đoạn dọa sẩy, nhau tiền đạo, đa thai thì không nên thực hiện hành vi này.
Còn nếu mẹ có thể trạng khỏe mạnh hoặc rơi vào những trường hợp trên thì có thể cân nhắc thực hiện nhưng cần tham khảo ý kiến người có chuyên môn.
2. Thời điểm thích hợp để vắt sữa non
Từ tuần 32 đến tuần 34 của thai kỳ mẹ có thể thấy sữa non xuất hiện khi chăm sóc bầu vú hoặc khi tắm. Tuy nhiên, đây chưa phải lúc thích hợp để vắt sữa non.
Hãy thực hiện khi thai được 36 tuần trở đi vì đây là thời điểm sữa non trong cơ thể bắt đầu nhiều lên và có thể nhỏ thành giọt, nếu vắt mẹ sẽ không bị đau ngực và không mất quá nhiều sức.
Để việc vắt sữa dễ dàng hơn mẹ nên massage và chăm sóc ngực thường xuyên, sữa sẽ tiết ra đều và nhiều hơn đấy !
3. Cách vắt sữa non trước khi sinh
Trước khi tìm hiểu về cách vắt sữa Mẹ hãy chắc chắn rằng mình đã đọc kỹ mục số 1 nhé !
Còn bây giờ, em sẽ hướng dẫn các Mẹ cách vắt sữa non trước khi sinh an toàn và hiệu quả nhất.
Bước 1: Chuẩn bị tâm lý
Hãy chuẩn bị cho mình 1 tâm lý thật thoải mái. Nâng cao quyết tâm và tin rằng mình sẽ làm được, sẽ có sữa cho con. Đây là bước rất quan trọng, quyết định sự thành bại của việc vắt sữa non vì em biết nhiều mẹ vì sợ, vì lo ngực nhỏ không có sữa. Hãy tự tin lên !
Bước 2: Uống nước ấm
Thưởng thức 200ml nước ấm để tinh thần thoải mái hơn và cũng là kích thích sữa non tiết ra.
Bước 3: Massage ngực
Massage ngực bằng một chiếc khăn đã nhúng nước nóng hoặc mẹ có thể đi tắm nước ấm, vừa tắm vừa massage hai bầu vú. Thực hiện trong 3-4 phút. Mẹ có xem hình dưới để biết cách massage ngực.
Bước 4: Vắt sữa
- Rửa sạch tay
- Mở tay hình chữ C, đưa ngón tay cái và ngón tay trỏ trên mép quầng thâm vú.
- Ấn nhẹ về phía bầu ngực, sau đó di chuyển đồng thời ngón cái và ngón trỏ để tạo một chuyển động nhịp nhàng. Lực ép giữa 2 ngón tay phải thật thoải mái để không bị đau và gây bầm tím.
- Tiếp tục thao tác cho đến khi tạo phản xạ tiết sữa, sữa sẽ bắt đầu chảy ra ở núm vú.
- Cứ 1-2 lần miết tay thì lại dùng 3 ngón tay ấn bầu vú, sau đó bóp nhẹ nhàng xung quanh để kích sữa về.
- Khi sữa nhỏ ra hãy dùng xilanh và hút trực tiếp trên núm vú.
Dù lượng sữa tiết ra ít hay nhiều thì một ngày mẹ nên vắt 3 lần, mỗi lần 15-20 phút. Nên vắt sữa vào buổi sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ.
4. Cách bảo quản
Vắt xong, mẹ hãy để nguyên sữa non trong xilanh rồi mang đi bảo quản. Nếu để ở ngăn mát thì chỉ được 24-48 tiếng thôi, còn ngăn đá thì được vài tháng.
Cẩn thận hơn mẹ có thể gửi sữa vào bệnh viện, ở đó người ta có những thiết bị chuyên dụng để lưu trữ sữa non, bảo quản rất lâu.
Như các mẹ đã biết, dạ dày trẻ sơ sinh rất nhỏ, những ngày đầu chào đời bé chỉ ăn 5-7ml sữa non là đủ. Cho nên khi bảo quản mỗi xilanh mẹ chỉ nên để 5-7ml sữa là đủ một cữ ăn.
Nếu vắt lần đầu được ít sữa thì hãy đặt trong ngăn mát, lần tiếp theo tiếp tục vắt đến khi đủ lượng sữa thì bảo quản trong ngăn đá.
Trước khi cho bé ăn, mẹ rã đông bằng cách hâm nóng xilanh trong nước ấm 40-50 độ. Có thể ăn trực tiếp bằng xilanh hoặc đổ ra chén đút bằng thìa. Tuyệt đối không được sử dụng bình sữa, làm như thế bé sẽ quen với việc bú bình và bỏ quên ti mẹ hoặc ngậm sai khớp.
5. Một số lưu ý khi vắt sữa
Trong quá trình vắt sữa non mẹ cần chú ý những vấn đề sau để có hiệu quả cao nhất và đảm bảo sức khỏe cho Mẹ và Bé.
- Tuyệt đối không được dùng máy hút sữa để vắt sữa non, chỉ được vắt nhẹ nhàng bằng tay.
- Luôn rửa sạch tay và massage bầu vú trước khi vắt.
- Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ đựng sữa (xilanh, túi zip…)
6. Lời kết
Mặc dù vắt sữa non trước khi sinh không được khuyến khích nhưng trong một số trường hợp hành động này vẫn mang những ý nghĩa tích cực.
- Giúp mẹ có thêm kỹ năng khi nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu sau này ngực căng, cương sữa…mẹ sẽ biết cách xử lý mà không cần phụ thuộc vào máy hút sữa.
- Mẹ sẽ hiểu cơ chế hình thành sữa non trong giai đoạn mang thai và tự tin rằng mình đã sẵn sàng có sữa cho con bú chứ không cần đợi sữa về như quan niệm ngày xưa.
- Mẹ sẽ biết được tính chất và số lượng sữa non là như thế nào để phù hợp với thể trạng của bé.
- Chuẩn bị hành trang khi con chào đời, dù đẻ mổ hay bị cách ly thì con vẫn được hưởng dòng sữa vàng đầu tiên từ mẹ.
Hy vọng những chia sẻ đã giúp các mẹ hiểu rõ hơn về việc vắt sữa non trước khi sinh. Chúc mẹ thai kỳ mạnh khỏe, chúc bé có nhiều sữa để tu ti ?
CÙNG CHỦ ĐỀ: